Dấu hiệu cảnh báo phình động mạch chủ bụng

31-07-2015 07:17 | Y học 360
google news

SKĐS - Hầu hết túi phình động mạch chủ bụng đều không gây ra bất cứ triệu chứng nào nên bệnh nhân không biết mình có bệnh để đi khám.

Hầu hết túi phình động mạch chủ bụng đều không gây ra bất cứ triệu chứng nào nên bệnh nhân không biết mình có bệnh để đi khám. Vì vậy chỉ đến khi túi sắp vỡ hay vỡ đột ngột thì mới được phát hiện, nhưng đã quá muộn. Trên thực tế, những túi phình động mạch chủ bụng thường được phát hiện một cách tình cờ khi bệnh nhân đi khám một bệnh khác.

Tuy nhiên các thầy thuốc chuyên khoa cũng đưa ra những dấu hiệu gợi ý đến PĐMCB là: sờ thấy một khối u, thường ở trên rốn, nảy theo nhịp đập của tim. Nhưng đáng tiếc, một số bệnh nhân cũng có thể tự phát hiện ra dấu hiệu này nhưng lại bỏ qua vì khối phình ít gây đau đớn hay khó chịu gì.

Khi túi phình động mạch vỡ vào ổ bụng, y học gọi là xuất huyết nội, huyết áp đang bình thường sẽ bị tụt đột ngột. Lúc này, bệnh nhân rơi vào tình trạng choáng nặng do mất nhiều máu và thường tử vong. Trường hợp túi phình chưa vỡ hẳn mà chỉ bị nứt hay bị bóc tách các lớp áo, các nhà chuyên môn gọi là dọa vỡ hay sắp vỡ. Khi đó bệnh nhân thường có thể đau bụng đột ngột, đôi khi chẩn đoán nhầm với các nguyên nhân gây đau bụng cấp khác.

Các vị trí PĐMCB (trên và giữa).

Trường hợp túi phình nằm kề cận với tá tràng, có thể “rò rỉ” vào lòng tá tràng làm bệnh nhân nôn ói ra máu và đi ngoài phân đen với số lượng nhiều.

Có trường hợp túi phình vỡ vào ruột già gây triệu chứng đi ngoài ra phân máu đỏ, kèm theo bệnh cảnh của tắc mạch chân cấp tính do huyết khối ở túi phình bong ra.

Điều trị như thế nào?

PĐMCB được xác định bằng thăm khám, siêu âm bụng và chụp phim CT-scan bụng có tiêm thuốc cản quang. Một khi đã chẩn đoán xác định bệnh, thì phải phẫu thuật để điều trị. Đối với các túi phình lớn, dù không gây triệu chứng nào cũng đều được mổ lấy đi để tránh nguy cơ vỡ đột ngột gây tử vong cho bệnh nhân.

Phòng bệnh cách nào?

Do bệnh có liên quan đến xơ vữa động mạch và tăng huyết áp, nên các phương thức phòng ngừa và điều trị hai yếu tố trên được coi là biện pháp phòng tránh bệnh chủ yếu. Mọi người nên hạn chế ăn mỡ, điều chỉnh rối loạn lipid máu, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe định kỳ, khống chế tốt huyết áp, điều chỉnh đường huyết... Ở người cao tuổi cần cảnh giác với các khối u đập theo nhịp mạch ở vùng bụng và đến khám sớm để có thể theo dõi và điều trị kịp thời.

Đối với những bệnh nhân lớn tuổi (trên 50), đặc biệt có kèm thêm các bệnh về tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá... là những người có nguy cơ cao, nên chú ý tự thăm khám và sờ nắn vùng bụng của mình. Nếu thấy có một khối bất thường, đập theo nhịp tim thì nên đi khám bệnh ngay để được xác định và điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân ở trong nhóm nguy cơ nói trên bị béo phì, bụng phệ thì việc tự sờ ra khối phình ở bụng mình sẽ khó khăn. Nên cần định kỳ siêu âm bụng để phát hiện sớm PĐMCB.

BS. Nguyễn Thị Yến

 

 

 


Ý kiến của bạn