Người nào dễ bị bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là bệnh của các động mạch nuôi tim, còn được gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy động mạch vành hay còn gọi là suy mạch vành. Đây là bệnh khá thường gặp ở các nước phát triển, có xu hướng gia tăng mạnh ở các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo thống kê tại Mỹ, số lượng bệnh nhân mắc bệnh mạch vành hằng năm được ước tính khoảng 13.200.000 người (trên tổng dân số 300 triệu người). Tại Châu Âu, tỷ lệ mắc mới bệnh mạch vành trong dân số ước tính từ 3.5 - 4.1%.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Viện Tim mạch Quốc gia, tỉ lệ mạch vành tăng dần qua các năm và bệnh mạch vành hiện là một gánh nặng cho sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Nguyên nhân thường gặp của lòng mạch bị hẹp là do mảng xơ vữa bám vào lòng mạch, mảng xơ vữa gây phản ứng viêm, có thể lớn dần lên gây hẹp nặng lòng mạch và khi vỡ dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, một số trường hợp mạch vành bị co thắt gây hẹp mạch vành từng lúc cũng gây ra triệu chứng đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.
Theo ghi nhận bệnh mạch vành thường gặp ở tuổi > 45, đa phần là nam giới. Những người huyết áp cao hoặc tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá… sẽ dễ mắc bệnh mạch vành. Ngoài ra, bệnh cũng có tính chất gia đình, nếu gia đình có người bị bệnh mạch vành sớm hoặc đột tử.
Các biểu hiện của bệnh mạch vành thường gặp
Bệnh mạch vành có thể diễn biến âm thầm, giai đoạn đầu thậm chí người bệnh còn không có biểu hiện gì. Vì thế, bệnh thường được phát hiện khi đã muộn hoặc người bệnh trong tình trạng cấp cứu.
Lý do người bệnh mạch vành thường đến khám chủ yếu là vì đau ngực, chiếm khoảng 50% các ca bệnh. Đau ngực vừa là triệu chứng thường gặp nhất, cũng là một trong các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mạch vành.
Cơn đau ngực do bệnh mạch vành thường được chia thành 2 thể:
- Xuất hiện cơn đau ngực ổn định
Cơn đau ngực ổn định thường xuất hiện khi đường kính động mạch vành bị thu hẹp do các mảng xơ vữa. Điều này khiến cho lưu lượng máu nuôi dưỡng cơ tim bị giảm đi và dẫn đến cơn đau ngực. Ngay khi người bệnh được nghỉ ngơi và động mạch vành tái cung cấp đủ lượng oxy và dinh dưỡng cho cơ tim thì cơn đau sẽ thuyên giảm và biến mất.
Các cơn đau ngực thường xuất hiện sau khi lao động gắng sức hoặc sang chấn tâm lý… Vị trí thường gặp vùng ngực trái, sau xương ức. Hướng lan cơn đau có thể lan lên vai, ra cánh tay, cổ, hàm, lưng phía bên trái.
Khi người bệnh có biểu hiện đau, cảm giác bóp nghẹt, tức nặng, nóng rát. Đau tăng khi căng thẳng, hoạt động thể lực. Đau giảm khi được nghỉ ngơi thoải mái. Thời gian mỗi cơn đau có thể kéo dài khoảng 3 - 5 phút, có tính ổn định về cường độ, tần suất, thời gian của mỗi cơn đau. Có thể xuất hiện kèm theo 1 số triệu chứng khác.
- Xuất hiện cơn đau ngực không ổn định
Khác với cơn đau ngực ổn định, đối với người bệnh có cơn đau ngực không ổn định sẽ xảy ra khi mạch vành bị tắc 1 phần hoặc toàn phần do sự nứt vỡ của các mảng xơ vữa. Người bệnh thấy cơn đau có thể xảy ra ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi hoặc tâm lý thoải mái… Vị trí thường gặp là vùng ngực trái, sau xương ức. Cơn đau có thể lan lên vai, ra cánh tay, cổ, hàm, lưng phía bên trái. Cơn đau cảm giác bóp nghẹt, tức nặng, nóng rát.
Các biểu hiện của cơn đau thường rầm rộ, nặng nề hơn so với cơn đau ngực ổn định. Các cơn đau ngày một xuất hiện nhiều hơn, cường độ đau tăng lên, thời gian đau kéo dài hơn. Có thể kèm theo một số triệu chứng như đổ mồ hôi lạnh, rối loạn nhịp tim…
Ngoài triệu chứng đau ngực, người bệnh mạch vành cũng có thể gặp 1 số dấu hiệu khác như:
- Khó thở, đặc biệt là khi làm việc gắng sức, khi nằm
- Nhịp tim nhanh
- Đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn
- Khó tiêu
- Rối loạn giấc ngủ
Các triệu chứng của bệnh mạch vành có thể không giống nhau ở mỗi người, vì thế việc thăm khám sức khỏe định kỳ là giải pháp nhanh chóng giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh mạch vành. Các xét nghiệm thăm dò phát hiện bệnh mạch vành bao gồm: Nghiệm pháp gắng sức, Holter điện tim, siêu âm Doppler tim, siêu âm tim gắng sức; chụp động mạch vành…
Khi nào cần cấp cứu?
Câu hỏi được nhiều người đặt ra: Khi nào các biểu hiện trên là nguy hiểm và cần cấp cứu ngay?
Các dấu hiệu cảnh báo biến chứng bệnh mạch vành cần cấp cứu là tình trạng đau ngực không ổn định. Đây là biểu hiện cảnh báo bệnh mạch vành đang gây biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, những cơn đau ngực không ổn định kéo dài hơn 5 phút thì người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Trong thời gian chờ xe cấp cứu, người bệnh cần ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi, dừng mọi hoạt động gắng sức và dùng Nitroglycerin dạng ngậm hay xịt dưới lưỡi (nếu trước đó bác sĩ kê đơn và mang sẵn bên người).
Thông thường cơn đau ngực không ổn định hoặc đau ngực ổn định kéo dài kèm biểu hiện đổ mồ hôi lạnh, rối loạn nhịp tim là triệu chứng cảnh báo biến chứng nhồi máu cơ tim cấp. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành, có thể gây tử vong chỉ sau vài phút.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý nếu có biểu hiện phù trắng, phù mềm, ấn lõm ở các vùng thấp của cơ thể như bàn chân, mệt mỏi nhiều, ho dai dẳng, khó thở… Bởi rất có thể bạn đã gặp biến chứng suy tim do xơ vữa động mạch vành.
Tóm lại: Bệnh mạch vành là bệnh nguy hiểm (rất nguy hiểm khi lòng mạch tắc hẹp > 80%), có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cao, tỷ lệ tử vong lớn, nên chúng tôi cung cấp kiến thức để bệnh nhân có thể phân biệt được đau ngực ở bệnh mạch vành và đau ngực ở các bệnh lý khác. Vì vậy, khi có những biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị cụ thể.
Ngoài ra, chúng ta cần có chế độ sinh hoạt và phòng ngừa. Các thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh mạch vành bao gồm:
- Bỏ hút thuốc và tránh xa môi trường có khói thuốc.
- Ăn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch (rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc, cá…).
- Giảm chất béo, giảm muối trong bữa ăn.
- Thường xuyên tập thể dục.
- Hạn chế và giải tỏa căng thẳng.
Bệnh mạch vành được cho là bắt đầu với những thiệt hại hoặc tổn thương bên trong lớp nội mạc của động mạch vành. Tổn thương được gây ra bởi nhiều yếu tố bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Cao huyết áp
- Mỡ máu
- Cholesterol cao
- Tiểu đường
- Bức xạ trị liệu trong ung thư
Quá trình cholesterol và một số chất khác lắng đọng trên thành động mạch vành gọi là quá trình xơ vữa động mạch. Nếu các mảng xơ vữa bị vỡ ra, các tế bào tiểu cầu sẽ kết tập lại hình thành cục máu đông. Khối máu này có thể chặn dòng máu trong động mạch, dẫn đến một cơn đau tim gọi là đau thắt ngực.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân?