Theo ThS.BS Phạm Văn Giao - Bệnh viện K, phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh không chỉ ảnh hưởng đến hệ nội tiết mà còn làm suy giảm chức năng của hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tổn thương trước các bệnh tật và viêm nhiễm. Điều này chủ yếu xuất phát từ sự giảm sút hormone estrogen, một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ miễn dịch.
Một số dấu hiệu của hệ miễn dịch yếu
- Dễ bị nhiễm trùng: Phụ nữ mãn kinh dễ bị nhiễm trùng hơn, như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng nấm men, hoặc cảm cúm do hệ miễn dịch suy giảm. Nguyên nhân là do suy giảm estrogen làm giảm khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
- Mệt mỏi kéo dài: Mệt mỏi không giải thích được có thể là dấu hiệu của hệ miễn dịch yếu. Phụ nữ mãn kinh có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối hơn bình thường.
- Dễ bị viêm: Viêm khớp, viêm da, hoặc các vấn đề viêm khác có thể xảy ra do cơ thể không còn khả năng tự bảo vệ tốt như trước.
- Dễ bị cảm lạnh và cúm: Sự giảm sút trong khả năng chống lại vi khuẩn và virus khiến phụ nữ mãn kinh dễ bị cảm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
- Rối loạn tiêu hóa thường xuyên: Sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, một phần do hệ miễn dịch không hoạt động hiệu quả, dẫn đến đầy hơi, tiêu chảy, táo bón hoặc đau bụng không rõ nguyên nhân.
- Tăng nguy cơ bệnh mạn tính: Phụ nữ mãn kinh có thể có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, và loãng xương, liên quan đến sự suy giảm chức năng miễn dịch.
- Khó lành vết thương: Hệ miễn dịch yếu có thể làm cho việc lành vết thương trở nên lâu hơn. Vết trầy xước, vết thương nhỏ cần nhiều thời gian hơn bình thường để hồi phục. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch yếu dẫn đến giảm khả năng tái tạo mô và chống viêm.
Cách nào khắc phục?
BS Phạm Văn Giao cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do suy giảm hormone estrogen. Estrogen có vai trò kích thích sản xuất các tế bào miễn dịch như tế bào B và T, giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus. Khi nồng độ estrogen giảm, khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể cũng suy yếu.
Ngoài ra, lão hóa tự nhiên cũng làm giảm khả năng sản xuất và hoạt động của tế bào miễn dịch, dẫn đến hiện tượng "suy giảm miễn dịch liên quan đến tuổi".
Thiếu hụt dinh dưỡng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin D, C, kẽm, selen thường không được cung cấp đủ ở phụ nữ mãn kinh, làm suy yếu chức năng miễn dịch.
Để cải thiện tình trạng này, việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc là rất quan trọng. Ngoài ra, phụ nữ ngay từ khi tiền mãn kinh nên có kế hoạch bổ sung các chất và vi chất cho cơ thể.
Đối với phụ nữ, estrogen là một hormone quan trọng trong cơ thể phụ nữ, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe. Estrogen tự nhiên do buồng trứng sản xuất sẽ giảm dần khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Sự suy giảm estrogen là một quá trình tự nhiên không thể phục hồi hoàn toàn chỉ bằng thực phẩm hoặc vi chất bổ sung.
Mặc dù không thể phục hồi hoàn toàn estrogen nội sinh, nhưng có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của nó bằng cách bổ sung các vi chất như canxi, vitamin D, omega-3, vitamin nhóm B và phytoestrogen.
Miễn dịch yếu ở phụ nữ mãn kinh không chỉ do giảm hormon, lão hóa mà còn liên quan chặt chẽ đến lối sống. Việc nhận biết các dấu hiệu sớm, kết hợp chế độ ăn uống, vận động và bổ sung dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cải thiện hệ miễn dịch, giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống, Phạm Văn Giao nhấn mạnh.