Hà Nội

Dấu hiệu cảnh báo mắc đái tháo đường

09-12-2016 14:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay. Người bị ĐTĐ thường không có cách nào chữa khỏi mà chỉ còn cách sống chung với nó.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay. Người bị ĐTĐ thường không có cách nào chữa khỏi mà chỉ còn cách sống chung với nó. Bệnh rất nguy hiểm với những biến chứng mà nó gây ra. Sau đây là một số dấu hiệu dễ nhận biết nhất cảnh báo bạn mắc bệnh ĐTĐ.

Liên tục khát nước

Bạn khát nước và uống nước khá nhiều nhưng cảm giác khát nước vẫn còn. Vì sao lại như thế? Đó là do khi lượng đường trong máu bạn tăng cao, cơ thể bạn sẽ tự động tách phần nước có trong các tế bào rồi bơm trực tiếp vào máu để pha loãng lượng đường bị dư. Các tế bào lúc này thiếu nước sẽ kích thích não gây nên cảm giác khát nước không ngừng nghỉ.

Đi tiểu nhiều lần trong ngày

Nếu số lần bạn đi tiểu trong một ngày lớn hơn số 7, có thể bạn đã bị đái tháo đường. Nguyên nhân là do cơ thể bạn muốn loại bỏ lượng đường dư thừa, thận hoạt động mạnh hơn nên sẽ đi tiểu nhiều hơn.Đo đường huyết

Đo đường huyết cho bệnh nhân. Ảnh: TM

Sụt cân bất thường

Cơ thể chúng ta giống như một cỗ máy vậy - cơ thể cần nhiên liệu để hoạt động. Và nhiên liệu chính cho cơ thể chính là đường (glucose). Sụt cân do mất nhiều đường glucose qua nước tiểu. Đái tháo đường khiến cơ thể không thể chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, nó buộc phải lấy năng lượng từ mỡ và các cơ. Thiếu insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, tăng quá trình tiêu protein, tiêu mỡ tất yếu sẽ dẫn đến sụt cân. Trong trường hợp này, bạn nhớ kiểm tra cơ thể tổng quát liền nhé.

Đói và mệt mỏi

Khi cơ thể bạn không thể hấp thu lượng đường cần thiết trong máu để giải phóng năng lượng do sự thiếu hụt insulin, đường sẽ bị tích trữ một cách dư thừa trong máu và ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nhu cầu nạp thức ăn để lấy thêm năng lượng của cơ thể sẽ tăng cao để bù lại phần năng lượng bị thiếu dẫn đến cảm giác đói và mệt mỏi thường xuyên.

Dễ nhiễm trùng và nhiễm nấm

Lượng đường trong máu cao và hệ thống miễn dịch (cơ chế tự bảo vệ của cơ thể) bị ức chế, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể dẫn đến dễ bị nhiễm trùng và nấm. Chính vì vậy, người bị ĐTĐ thường cảm thấy ngứa trên cơ thể, đặc biệt ở bộ phận sinh dục.

Thị lực yếu đi

Lượng đường trong máu cao sẽ phá hủy mao mạch ở đáy mắt dẫn tới xuất huyết, phù nề đặc biệt phù ở hoàng điểm sẽ làm giảm thị lực mặc dù trước đó bạn không bị các bệnh về mắt.

Vùng da tối

Một số người bị bệnh ĐTĐ týp 2 có vùng da mượt màu đen trong các nếp gấp và nếp nhăn của các cơ quan - thường ở nách, cổ và háng. Tình trạng này được gọi là rối loạn sắc tố da, còn gọi là Acanthasis Nigricans, là dấu hiệu cảnh báo insulin trong cơ thể đang ở mức cao. Ngoài ra, các triệu chứng khác như vết thương chậm lành hay chân tay bị tê hoặc ngứa rân rân như kiến bò cũng có thể là dấu hiệu mắc ĐTĐ.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, dù cơ thể bạn chưa có biểu hiện bất thường nào, bạn vẫn có thể bị bệnh ĐTĐ. Vì vậy, bạn nên có lịch khám sức khỏe định kỳ kết hợp với chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập luyện hợp lý để phòng ngừa ĐTĐ ngay từ hôm nay.

Đường là chất dinh dưỡng cơ bản có trong thức ăn cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động của cơ thể. Khi thức ăn được tiêu hóa ở dạ dày và ruột thì đường trong thức ăn sẽ được hấp thu bởi ruột non và được vận chuyển vào trong máu đi nuôi cơ thể. Lượng đường trong máu tăng sẽ kích thích tuyến tụy hoạt động tiết insulin để đưa đường hấp thụ vào tế bào nuôi cơ thể và giảm lượng đường có trong máu về mức bình thường. Khi có sự bất thường ở tuyến tụy thì lượng insulin tiết ra sẽ không đủ để chuyển hóa đường.

DS. Bùi Ngọc Lan Hương
Ý kiến của bạn