Dấu hiệu cảnh báo cơn hen phế quản cấp tính và cơn hen nguy kịch

19-01-2025 14:14 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi. Việc nhận biết cơn khó thở, cơn hen nặng nguy kịch sẽ giúp cho bệnh nhân thoát khỏi cơn ho khó thở hoặc thoát khỏi tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Những điều cần biết khi chăm sóc bệnh nhân hen phế quản tại nhàNhững điều cần biết khi chăm sóc bệnh nhân hen phế quản tại nhà

SKĐS - Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng đến 1 - 18% dân số tùy theo mỗi quốc gia. Bởi vậy, việc chăm sóc và xử trí ban đầu là vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt trước khi nhập viện.

Hen phế quản gây ngừng tim, ngừng thở

Bệnh nhân N.T.L (40 tuổi) được người nhà đưa đến bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên trong tình trạng hôn mê, ngừng thở, ngừng tim, toàn thân tím tái. Khai thác bệnh nhân có tiền sử bị hen phế quản, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ điều trị hen phế quản nặng đối với bệnh nhân.

Bệnh nhân đã được tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, cho thở ô xy, dùng thuốc giãn phế quản. Sau gần 10 phút nỗ lực cấp cứu tích cực, tim bệnh nhân đã đập trở lại, có huyết áp, có nhịp tự thở. Khoảng 30 phút sau đó bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và hồi tỉnh. Sau 6 ngày điều trị thì sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, không có di chứng và chuẩn bị được xuất viện.

Đối tượng dễ bị hen phế quản

Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm viêm mạn tính niêm mạc phế quản, làm tăng phản ứng của phế quản với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản, có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản với các biểu hiện như khò khè, khó thở, nặng ngực, ho.

Ai cũng có thể mắc phải hen phế quản, tuy nhiên đối tượng dễ mắc là những người có cơ địa dị ứng; Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát nhiều lần; Tiền sử gia đình có bố mẹ bị hen phế quản; Người làm việc bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm như hoá chất, khói bụi, thuốc lá; Người thừa cân béo phì; Người có tiền sử mắc bệnh dị ứng về hô hấp…

Dấu hiệu cảnh báo cơn hen phế quản cấp tính và cơn hen nguy kịch- Ảnh 2.

Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính.

Dấu hiệu cảnh báo cơn hen phế quản cấp và cơn hen nguy kịch

Những dấu hiệu báo trước cơn hen phế quản cấp là: Ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy mũi, chảy nước mắt… sau đó là triệu chứng của cơn hen khó thở, tức ngực, khò khè, ho liên tục, nặng hơn nữa nói khó, cảm giác lo âu, vã mồ hôi, tím môi. Nếu tình trạng kéo dài thì bệnh nhân sẽ bị giảm oxy máu, dẫn đến thiếu máu não và bị ngất, mất ý thức và có thể tử vong.

Biểu hiện cơn hen có thể nguy kịch là:

  • Mức độ khó thở: Bệnh nhân khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, phải ngồi ngả ra trước để thở.
  • Nói: Bệnh nhân nói chậm từng từ, nói câu ngắt quãng, thậm chí cơn hen nguy kịch khiến bệnh nhân không nói được.
  • Ý thức: Bệnh nhân thường kích thích vật vã, cơn hen nguy kịch sẽ khiến bệnh nhân ngủ gà hoặc lú lẫn.
  • Nhịp thở: Cơn hen nặng thì bệnh nhân sẽ thở nhanh, thường trên 30 lần/phút, cơn hen nguy kịch bệnh nhân thở chậm, dưới 10 lần/phút hoặc ngưng thở.
  • Co kéo cơ hô hấp phụ: Thường xuyên hoặc thở nghịch thường trong cơn hen nguy kịch.
  • Nghe phổi: Nhiều ran rít ran ngáy hoặc phổi im lặng trong cơn hen nguy kịch.
  • Nhịp tim: > 120 lần/phút hoặc nhịp chậm trong cơn hen nguy kịch.
  • SpO2: < 90%

Do đó, việc nhận biết cơn hen phế quản và xử trí ban đầu là rất quan trọng đối với bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt trước khi đưa bệnh nhân vào viện.

Phòng bệnh hen phế quản nặng và nguy kịch

Khi mắc bệnh hen phế quản cần theo dõi quản lý hen và điều trị dự phòng bệnh hen phế quản đúng hướng dẫn. Trang bị sẵn hệ thống oxy và máy phun khí dung tại nhà. Uống thuốc, sử dụng thuốc theo đơn và tái khám khi có dấu hiệu bất thường.

Hạn chế, tránh các tác nhân gây hen, ghi nhớ những tác nhân khiến bản thân bị dị ứng để tránh sử dụng hoặc tiếp xúc. Đeo khẩu trang khi ra đường. Bỏ hút thuốc lá.

Kiêng không nên ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt gà… Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa đều đặn. Hút bụi bẩn, vệ sinh chăn nệm.

Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: Không nuôi và không tiếp xúc với thú cưng chó, mèo, chim cảnh.

Nên có cuốn nhật ký ghi chú lại những loại thức ăn hay bất kỳ tác nhân nào mà bản thân đã bị dị ứng để lưu ý tránh.

Nếu môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với các chất dị ứng, hóa chất thì nên thay đổi nghề nghiệp để đảm bảo sức khỏe.

Không nên làm việc gắng sức, lao động nặng.

Hạn chế yếu tố gây stress làm bệnh nhân căng thẳng, lo lắng, cáu giận.

Tích cực thực hành tập hít thở sâu, thở ra chúm môi, tập làm giãn nở phổi, tập ho…

Không lạm dụng, không dùng quá liều các thuốc giãn phế quản.

Ngoài ra, người bệnh hen phế quản cần chủ động phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp: Cảm cúm, viêm phế quản, viêm xoang, viêm phổi… là những tác nhân gây khởi phát cơn hen. Hạn chế tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng hô hấp.

6 bước xử trí cơn hen phế quản 6 bước xử trí cơn hen phế quản

SKĐS - Hen phế quản còn gọi là hen suyễn, là một bệnh lý đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm đường dẫn khí mạn tính. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, người bệnh sẽ phản ứng một cách dữ dội: khó thở, khò khè, ho...

BS Nguyễn Thị Thùy
Ý kiến của bạn