Ở người trưởng thành khoảng 60% lượng magiê dự trữ ở xương và 40% trong tế bào. Ít hơn 1% magiê trong cơ thể tồn tại trong huyết thanh (phần chất lỏng của máu).
Magiê thấp có thể không gây ra các triệu chứng ban đầu vì máu có thể mượn magiê dư thừa từ tế bào hoặc xương. Cơ thể có thể thực hiện các chức năng quan trọng cho đến khi các tế bào và xương không còn đủ magiê và lúc này sẽ phát sinh các triệu chứng rõ rệt do thiếu magiê.
Thiếu magiê có thể xảy ra khi bạn không nhận đủ magiê trong chế độ ăn uống, cơ thể không hấp thụ tốt hoặc cơ thể bài tiết quá nhiều… Bên cạnh đó những người mắc một số bệnh lý nhất định như đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa và rối loạn sử dụng rượu, người lớn tuổi… cũng có nguy cơ thiếu hụt cao hơn.
Magiê là một khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể bạn hoạt động.
1. Các triệu chứng thiếu magiê có thể xảy ra theo thời gian
Thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ và tốc độ suy giảm magiê trong cơ thể.
Dưới đây là một số triệu chứng điển hình do thiếu magiê:
- Yếu cơ và mệt mỏi
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Co thắt cơ bắp
- Thay đổi tâm trạng hoặc tính cách
- Ngứa ran
- Mất ngủ
- Nhịp tim bất thường…
Các vitamin và khoáng chất như magiê, kali, vitamin D và canxi có mối liên hệ mật thiết với nhau và cơ thể cần mức độ ổn định của mỗi chất này để hoạt động bình thường. Cụ thể:
- Magiê giúp điều hòa kali.
- Magiê giúp chuyển đổi vitamin D thành dạng có thể sử dụng được.
- Vitamin D giúp hấp thụ magiê (từ thực phẩm).
- Vitamin D và magiê giúp kiểm soát hormone tuyến cận giáp (PTH).
- Vitamin D thấp khiến nồng độ PTH tăng cao, có thể khiến bạn mất quá nhiều magiê qua nước tiểu.
- Thiếu magiê nghiêm trọng có thể dẫn đến mức canxi thấp…
Lượng magiê khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là từ 310 đến 320 mg mỗi ngày đối với phụ nữ trưởng thành và 400 - 420 mg đối với nam giới trưởng thành. Xét nghiệm máu giúp bạn biết được cơ thể có bị thiếu magiê hay không.
2. Rủi ro khi không điều trị thiếu magiê
Nếu không được điều trị, mức magiê thấp có thể dẫn đến khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng sức khỏe:
- Động kinh, rối loạn sức khỏe tâm thần
- Rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết (CHF), tăng huyết áp, đột quỵ
- Loãng xương
- Chứng đau nửa đầu
- Đái tháo đường type 2
- Hen suyễn, rối loạn phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Sỏi thận
- Mỡ máu cao…
Nồng độ magiê thấp ở người mang thai có thể là dấu hiệu của tiền sản giật hoặc sản giật (huyết áp cao khi mang thai).
3. Phải làm gì khi thiếu magiê?
Một số thực phẩm giàu magiê.
Tùy thuộc vào mức độ thiếu magiê, tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và loại thuốc bạn dùng, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi hoặc bổ sung chế độ ăn uống.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Tăng cường thực phẩm giàu magiê và hạn chế đường, chất béo bão hòa, natri và rượu. Các thực phẩm giàu magiê như: Hạt bí, quả hạnh, rau bina, sữa đậu nành, đậu đen, sữa chua nguyên chất…
- Bổ sung magiê: Nếu bạn cần bổ sung magiê bằng đường uống, hãy tuân theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng và số lượng. Mặc dù chất bổ sung magiê là tự nhiên nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ hoặc tương tác với các loại thuốc hoặc chất bổ sung khác.
Bổ sung magiê bằng đường uống rất hữu ích cho những người không nhận đủ khoáng chất trong chế độ ăn uống. Một số người dùng magiê vào buổi tối giúp ngủ ngon hơn.
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm co thắt dạ dày và tiêu chảy.
4. Triệu chứng của quá nhiều magiê
Việc hấp thụ quá nhiều magiê từ thực phẩm là điều khó xảy ra, trừ khi tình trạng sức khỏe ngăn cản thận đào thải magiê ra khỏi cơ thể. Nhưng liều magiê cực cao (hơn 5.000 mg/ngày) có thể gây độc và gây ra những vấn đề sau:
- Huyết áp thấp hoặc nhịp tim thấp
- Yếu cơ
- Mệt mỏi
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đỏ bừng mặt
- Bí tiểu
- Tim ngừng đập…
Magiê là một khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể bạn hoạt động. Hầu hết mọi người đều nhận đủ magiê trong chế độ ăn uống, nhưng một số người có thể cần bổ sung thêm.
Uống quá nhiều magiê cũng có thể gây khó chịu cho dạ dày hoặc nhiễm độc magiê, vì vậy hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi muốn bổ sung khoáng chất này.
Mời độc giả xem thêm video:
5 Món Cháo Dinh Dưỡng Ngon Bổ Rẻ, Càng Ăn Bệnh Tật Càng Tránh Xa | SKĐS