1. Dấu hiệu cảnh báo đường ruột có vấn đề
Đường ruột là nơi cơ thể tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Nó là một hệ sinh thái thu nhỏ với hàng nghìn loài vi khuẩn khác nhau, trong đó có cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại.
Mặc dù có vẻ như sức khoẻ đường ruột chủ yếu ảnh hưởng đến tiêu hóa, nhưng các nhà khoa học phát hiện ra rằng, hệ vi sinh vật đường ruột thực sự có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Hệ vi sinh vật đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Khi sức khỏe đường ruột bị tổn hại, chúng ta có thể phải đối mặt với những hậu quả lớn về sức khỏe.
Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về tiêu hóa và chứng rối loạn vi khuẩn, có liên quan đến các tình trạng như: béo phì, viêm ruột, bệnh celiac, ung thư ruột kết…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột là lúc lợi khuẩn suy yếu, ảnh hưởng tới tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng, khi ăn có cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột còn có thể gây tiêu chảy, táo bón, mệt mỏi, ăn không ngon miệng…
2. Cải thiện sức khỏe đường ruột như thế nào?
Các nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ rất chặt chẽ giữa chế độ ăn uống với sự đa dạng và cân bằng của cộng đồng vi khuẩn trong cơ thể con người. Vì vậy, để có đường ruột khỏe mạnh thì vai trò của chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng.
Một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng giúp thúc đẩy một hệ vi sinh vật đường ruột có cấu trúc tốt, trong đó các loài vi sinh vật khác nhau cùng tồn tại trong một hệ thống kiểm soát và cân bằng.
Cách tốt nhất để tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột là ăn nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tăng cường chất xơ và bổ sung thực phẩm hỗ trợ sức khỏe đường ruột
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, để cải thiện hệ vi sinh đường ruột, chúng ta cần có chế độ ăn cân bằng với 4 nhóm thực phẩm. Chú ý ăn nhiều rau xanh, quả chín. Ngoài ra, có thể bổ sung các chế phẩm lên men từ rau xanh như kim chi, cà, dưa muối có nhiều lợi khuẩn, các chế phẩm từ sữa lên men như sữa chua giúp tăng cường hệ vi sinh đường ruột…
3. Thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe đường ruột
3.1. Chất xơ
Chất xơ giúp điều chỉnh tốc độ thức ăn di chuyển qua đường ruột. Cơ thể chúng ta cần chất xơ để hỗ trợ thúc đẩy quá trình tiêu hoá, giúp tống chất thải ra khỏi cơ thể nhanh hơn và do đó giảm sự tồn tại của các chất độc trong cơ thể.
Thực phẩm giàu chất xơ cung cấp vi khuẩn có lợi sống trong ruột, sau đó giải phóng các chất giúp giảm mức độ viêm nhiễm trên toàn cơ thể. Sự phân hủy của chất xơ điều chỉnh cân bằng độ pH, thúc đẩy môi trường tối ưu cho vi khuẩn có lợi.
Chúng ta nên ăn các loại thực phẩm lành mạnh có nguồn gốc thực vật giàu chất xơ bao gồm: rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…
Lưu ý khi ăn các thực phẩm giàu chất xơ cần uống nhiều nước để giúp đẩy chất xơ qua ruột dễ dàng.
3.2. Axit béo omega-3
Axit béo omega-3 là một thành phần quan trọng của chế độ ăn uống vì chúng có thể giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
Lợi ích của omega-3 được biết đến là giúp hỗ trợ giảm lượng cholesterol xấu, cải thiện sức khoẻ tim mạch, có thể làm giảm các triệu chứng của viêm khớp cũng như ngăn ngừa suy giảm nhận thức…
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người ăn thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 có sự đa dạng của vi khuẩn trong ruột, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể. Lợi ích chống viêm mạnh trong các thực phẩm này rất quan trọng để chữa lành đường ruột bị viêm và ngăn ngừa các đợt tái phát.
Nguồn thực phẩm cung cấp axit béo omega-3 tốt nhất là các loại cá béo như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá cơm...
3.3. Probiotics
Probiotics là những vi khuẩn có lợi được tạo ra thông qua quá trình lên men như: sữa chua, dưa cải bắp, kim chi… Vi khuẩn có lợi củng cố hàng rào bảo vệ đường ruột, có thể chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng đôi khi có trong thực phẩm chúng ta ăn hoặc phát triển mạnh khi chúng ta bị ốm.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thực phẩm có chứa probiotics có thể cải thiện sự cân bằng vi khuẩn trong ruột và có thể cải thiện tình trạng táo bón. Ngoài ra còn có các enzym có lợi giúp cải thiện các vấn đề về tiêu hóa như: đầy hơi, táo bón và tiêu chảy.
Chúng thậm chí có thể tăng cường chức năng miễn dịch tổng thể và một số bằng chứng cho thấy chúng có thể giúp giảm tiêu chảy liên quan đến việc sử dụng kháng sinh, thực phẩm bị ô nhiễm hoặc virus.
Sữa chua là một lựa chọn tăng cường sức khỏe đường ruột tuyệt vời. Sữa chua có đầy đủ chất béo, vitamin, khoáng chất và có lượng probiotics rất cao. Lợi khuẩn có trong sữa chua đã được chứng minh là giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích cũng như tiêu chảy ở một số người.
Xem thêm video đang được quan tâm
8 thực phẩm tự nhiên giàu chất xơ hàng đầu