Đục thủy tinh thể là tình trạng mà phần thủy tinh thể bị mờ đục dần theo thời gian. Mặc dù là bệnh phổ biến nhưng hầu hết các trường hợp không được phát hiện cho đến khi đã tiến triển và dần mất thị giác. Bệnh này có thể xảy ra ở cả hai mắt hoặc một bên.
Nguyên nhân của bệnh đục thủy tinh thể
- Tuổi già là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể. Theo thống kê, hơn 80% bệnh nhân bị đục thủy tinh thể có độ tuổi trên 60.
- Đục thủy tinh thể do bệnh lý, điển hình là bệnh đái tháo đường (tiểu đường), viêm màng bồ đào, tổn thương võng mạc,…
- Đục thủy tinh thể do bẩm sinh. Nguyên nhân gây ra có thể do di truyền hoặc do thiếu sót của phôi trong thời kỳ mang thai.
- Thủy tinh thể bị thiếu oxy, tổn thương thành phần protein. Nguyên nhân có thể do các tác động: tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo có cường độ sáng mạnh ( như đèn sân khấu, đèn quay phim, đèn cao áp,..), hoặc do tiếp xúc với virus, vi trùng, uống bia rượu, khói thuốc lá.
- Tiếp xúc với xạ i-on hóa (thường được sử dụng trong y học để chụp X-quang, xạ trị cho bệnh nhân ung thư).
Dấu hiệu cảnh báo bệnh đục thủy tinh thể
Tuy ban đầu không có triệu chứng đục thủy tinh thể rõ ràng, nhưng theo thời gian, khi bệnh tiến triển người bệnh có thể gặp phải một trong số dấu hiệu dưới đây:
- Nhìn mờ, cảm giác như có một màn sương che phủ trước mắt. Nhìn đôi (song thị), nhìn thấy 2 hình ảnh cùng một lúc do ánh sáng đi qua thủy tinh thể bị tán xạ. Xuất hiện chấm nhỏ hoặc vệt đen trước tầm nhìn (hiện tượng ruồi bay). Hoặc mọi hình ảnh đều có thêm màu vàng nhạt trong khi các màu sắc bắt mắt khác như đỏ, cam… có thể bị giảm bớt.
- Người bệnh đọc có thể khó khăn hơn do mắt nhìn mờ, giảm sự tương phản với chữ, đồng thời, mắt sẽ rất nhanh bị nhức mỏi khi đọc sách báo quá lâu.
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng có thể khiến người bệnh khó khăn hơn trong việc lái xe vào ban đêm do ánh sáng chói từ đèn pha của các xe ngược chiều, triệu chứng đục thủy tinh thể này thường gặp hơn khi bị đục thủy tinh thể bao sau.
Khi bệnh đến giai đoạn nặng hơn thấy các triệu chứng biểu hiện bệnh như:
Giảm thị lực là triệu chứng điển hình và quan trọng ở bệnh đục thủy tinh thể. Mắt nhìn mờ hơn, khó nhìn hay mỏi mắt khi tập trung nhìn vào một vật nào đó. Các triệu chứng có thể thấy ở cả hai mắt hoặc một mắt.
Chẩn đoán đục thủy tinh thể
Để phát hiện đục thủy tinh thể cần phải khám mắt toàn diện, gồm các bước sau:
- Đo thị lực bằng bảng thị lực.
- Khám mắt với đồng tử dãn: dùng thuốc nhỏ để dãn đồng tử cho phép bác sĩ khám kỹ thủy tinh thể và võng mạc, đồng thời kiểm tra mắt có bệnh khác không.
- Đo nhãn áp: đo thường qui để kiểm tra áp lực trong mắt, nếu nhãn áp tăng có thể là dấu hiệu bệnh glô-côm (cườm nước).
- Siêu âm mắt.
Và một số xét nghiệm khác nếu cần để khảo sát cấu trúc và bệnh của mắt có thể đi kèm.
Cần làm gì khi bị đục thủy tinh thể ?
Khi bị đục thủy tinh thể, thể thủy tinh ngày càng bị đục nhiều, đến khi thủy tinh thể quá chín sẽ gây biến chứng có thể gây tăng nhãn áp và có thể bị vỡ bao, lúc đó protein của thủy tinh thể trở thành vật thể lạ với cơ thể, sẽ bị cơ thể tấn công gây phản ứng viêm màng bồ đào.
Gây tăng nhãn áp (bệnh Glôcôm), khi đó bệnh nhân bị đau nhức đầu dữ dội. Tình trạng này còn gây ảnh hưởng đến thần kinh mắt, làm teo thần kinh mắt không phục hồi.
Khi thủy tinh thể đục quá cứng thì trong mắt sẽ có những phản ứng viêm, đồng tử bị dính lại, mắt thoái hóa, môi trường trong suốt bị đục hết khiến cho phẫu thuật khó khăn hơn và dễ tổn thương đến các vùng xung quanh.
Về điều trị, với những trường hợp đục thủy tinh thể giai đoạn đầu chưa cần thiết phải phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cho bổ sung một số vitamin như C, A, E… và một số hoạt chất khác để làm chậm lại tiến trình đục thủy tinh thể. Tăng cường ánh sáng trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khói bụi.
Nếu bắt buộc thường xuyên ra ngoài nên có những biện pháp bảo vệ mắt như đeo kính râm hoặc đội mũ rộng. Bên cạnh đó cần có một lối sống hợp lý, không hút thuốc lá. Bổ sung vitamin C, E, A, lutein, kẽm zeaxanthin có trong rau xanh, ngũ cốc, trái cây, cá…Hạn chế ăn thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn đồ ngọt...
Khi các biểu hiện của bệnh nặng hơn thì phẫu thuật vẫn là cách chữa bệnh đục thủy tinh thể có hiệu quả nhất. Kỹ thuật mổ Phaco là một phương pháp phẫu thuật chữa bệnh đục thủy tinh thể an toàn, hiệu quả và tiên tiến nhất hiện nay.
Vì vậy, khi có biểu hiện người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán để điều trị càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng.