1. Viêm nội nhãn là gì?
Mắt (con ngươi) có hình cầu, phía ngoài có các lớp vỏ bọc, phía trong có các tổ chức nội nhãn. Viêm nội nhãn là các phản ứng viêm trong mắt gây ra bởi quá trình nhiễm khuẩn và/hoặc chấn thương các tổ chức, mô trong nhãn cầu.
Những năm gần đây bệnh lý này xuất hiện ngày càng nhiều do sự gia tăng số lượng phẫu thuật can thiệp vào nội nhãn như: phẫu thuật đục thể thuỷ tinh, phẫu thuật glôcôm...và cũng do sự gia tăng của các chấn thương xuyên nhãn cầu. Tiên lượng phục hồi bệnh phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Viêm nội nhãn thường được chia thành 2 loại: viêm nội nhãn ngoại sinh và viêm nội nhãn nội sinh.
- Viêm nội nhãn ngoại sinh xuất hiện do các tác nhân gây bệnh (nấm, vi khuẩn…) đi vào mắt trực tiếp từ môi trường bên ngoài sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật;
- Viêm nội nhãn nội sinh (VNNNS) được gây ra bởi các vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus, hoặc vi trùng lây lan từ các cơ quan khác đang viêm hoặc nhiễm trùng của cơ thể theo đường máu.
2. Ai có thể bị viêm nội nhãn nội sinh?
Bình thường, hàng rào mtụ. - mắt đóng vai trò như rào cản tự nhiên chống lại các tác nhân gây bệnh xâm hại vào mắt. Tuy nhiên khi cơ thể có ổ nhiễm trùng ở bộ phận khác: viêm mũi xoang, viêm đường tiết niệu… các virus gây bệnh sẽ từ đây đi vào máu đến mắt, gây ra tình trạng viêm nội nhãn.
Nhìn chung viêm nội nhãn nội sinh thường hay gặp ở các bệnh nhân có sức đề kháng yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Các yếu tố làm suy yếu cơ chế bảo vệ tự nhiên, giảm sức đề kháng của cơ thể như:
- Mắc các bệnh lý toàn thân gây suy yếu cơ thể: Bệnh đái tháo đường, bệnh van tim, bệnh Lupus hệ thống, AIDS, ung thư...
- Bệnh nhân vừa làm các thủ thuật can thiệp nặng nề có thể gây gây nhiễm trùng huyết: Lọc máu, đặt dẫn lưu bàng quang, nội soi tiêu hoá, điều trị hoá chất...
- Bệnh nhân phẫu thuật thay van tim, dùng thuốc ức chế miễn dịch...
- Mắc các bệnh nhiễm trùng: Viêm màng não, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm đường tiết niệu, viêm phổi...
Tuy nhiên, nhiều năm gần đây nhiều các bệnh nhân bị VNNNS rất trẻ tuổi, khoẻ mạnh, không có tiền sử các bệnh lý toàn thân, hoặc phẫu thuật trước đó. Khi hỏi bệnh sử, nhiều người trong số họ có đỏ mắt hoặc ngứa mắt, đi khám (thường khám ở bác sĩ không phải chuyên khoa mắt), có điều trị bằng tiêm thuốc hoặc tiêm cạnh mắt, sau đó diễn tiến bệnh nặng lên.
Như vậy nhiễm trùng có thể xuất hiện ở vùng lân cận mắt (như ngoài da, viêm mũi xoang...) và chính các biện pháp điều trị không hợp lý, không đúng cách đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh VNNNS khởi phát.
3. Nguyên nhân gây viêm nội nhãn nội sinh
- Do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng thường gây viêm da;
- Do nhiễm liên cầu, E Coli, Vi khuẩn cúm, các loại vi khuẩn viêm màng não, trực khuẩn mủ xanh...;
- Do nấm Candida Albicans (chiếm 75 – 80% VNNNS do nấm) thường xuất hiện ở bệnh nhân AIDS, Aspegillos hay gặp ở bệnh nhân nghiện theo đường tĩnh mạch. Ngoài ra còn có thể gặp Crytococcus, Torulopsis...
Chính các biện pháp điều trị không hợp lý, lạm dụng tiêm truyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm nội nhãn nội sinh khởi phát.
4. Cần phân biệt với triệu chứng của các bệnh về mắt khác
Bệnh nhân viêm nội nhãn nội sinh thường có triệu chứng:
- Nhìn mờ, đau nhức mắt tăng lên về đêm, mắt bị kích thích rất khó chịu.
- Có thể bị đau đầu, buồn nôn, sợ ánh sáng, sưng nề xung quanh mắt, đỏ mắt.
- Tình trạng mi mắt sưng nề, đỏ, kết mạc cương tụ.
- Giác mạc phù, thâm nhiễm, có mủ tiền phòng.
- Viêm dịch kính, viêm gai thị và các khối mủ trắng trên hắc - võng mạc.
- Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, sốt, mất ngủ, kém ăn.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân viêm nội nhãn nội sinh giai đoạn đầu, hoặc những thể viêm âm thầm có thể không đau, không có mủ tiền phòng nên rất dễ nhầm với bệnh viêm màng bồ đào.
5. Viêm nội nhãn nội sinh có thể dẫn đến mất thị lực
Tiên lượng hồi phục mắt phụ thuộc rất nhiều vào việc chẩn đoán sớm và điều trị đúng. Nếu chẩn đoán muộn có thể gây tổn hại nặng về chức năng thị giác và giải phẫu dẫn tới mù lòa.
Thông thường, bệnh nhân đến khám khi bệnh đã rất nặng:
- Nhiễm trùng lan rộng và vỡ ra phía trước.
- Teo gai, teo võng mạc.
- Nhãn cầu teo
6. Điều trị viêm nội nhãn nội sinh
Đây là căn bệnh nguy hiểm, có tính chất cấp tính gây tổn hại lớp võng mạc thần kinh cảm thụ, làm phá vỡ đường dẫn truyền, gây tổn hại không hồi phục chức năng thị giác, mất thị lực và có thể phải khoét bỏ nhãn cầu. Vì thế, khi phát hiện bệnh cần điều trị ổ nhiễm trùng nguyên phát và tại mắt.
Nguyên tắc đầu tiên quyết định phác đồ điều trị là tìm nguyên nhân chính xác, phân biệt đúng bệnh; bảo vệ nhãn cầu; tăng cường miễn dịch cơ thể,
Điều trị sớm và tích cực ngay từ đầu, chống khuẩn, khángg viêm, chống dính, kết hợp điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
- Dùng kháng sinh toàn thân (đường tĩnh mạch), kháng sinh lan phổ rộng, hoạt tính mạnh.
- Tiêm kháng sinh nội nhãn, tra thuốc tại mắt và chỉ định phẫu thuật cắt dịch sớm khi điều trị nội khoa không đỡ hoặc bệnh tiến triển.
- Cắt dịch kính loại bỏ tác nhân gây bệnh, độc tố đồng thời làm cho thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm khuếch tán tốt hơn.
7. Làm gì để tránh viêm nội nhãn nội sinh?
- Người dân phải đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ như nhìn mờ nhiều, nhanh, đỏ mắt, đau nhức mắt; điều trị sớm và tích cực các ổ nhiễm khuẩn tại mắt và toàn thân.
- Cần điều trị tốt các nhiễm trùng toàn thân, xoang, răng, tăng cường sức đề kháng chung của cơ thể.
- Tuyệt đối không được lạm dụng tiêm truyền thuốc theo đường toàn thân (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch) và đặc biệt là tiêm cạnh mắt để điều trị các bệnh thông thường của bề mặt nhãn cầu như: viêm kết mạc dịch, viêm kết mạc dị ứng.
- Không được chủ quan chẩn đoán và điều trị theo hướng viêm màng bồ đào có thể gây thuyên giảm giả tạo các triệu chứng cơ năng và gây tổn hại cấu trúc nặng nề hơn về sau.
Mời xem video được quan tâm:
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng