Dấu hiệu bị chốc lở

23-06-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Chốc hay còn gọi là chốc lây là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh rất dễ lây lan trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành và sang các trẻ khác

Chốc hay còn gọi là chốc lây là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh rất dễ lây lan trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành và sang các trẻ khác. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đa số là các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trên thực tế nhiều người rất hay nhầm lẫn giữa bệnh chốc và các bệnh ngoài da khác... Nếu được chẩn đoán sớm và xử trí đúng, bệnh chốc lở cải thiện nhanh, khỏi và không để lại sẹo; trường hợp ngược lại bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Chốc lây bắt đầu bằng một mụn nước nhỏ, hình tròn, xung quanh có quầng viêm đỏ. Nước ban đầu trong, dần dần thành mủ đục. Giai đoạn phỏng nước và phỏng mủ rất ngắn. Chẳng bao lâu phỏng mủ vỡ, đóng vảy vàng sẫm dễ bóc. Dưới lớp vảy là một vết trợt đỏ, nông, không cộm. Ở trẻ em, chốc vùng đầu làm thành từng đám vảy vàng sẫm, dính bết tóc. Dưới lớp vảy, da trợt đỏ rớm nước. Tuy nhiên tùy theo hình thái thương tổn người ta chia làm 2 loại bọng nước và chốc không có bọng nước.

Chốc có bọng nước: Vị trí thường gặp là ở mặt, vùng da hở, hoặc bất kì chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại. Với thương tổn đặc trưng là dát đỏ kích thước từ 0,5-1cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó. Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao. Sau đó các bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc màu nâu nhạt giống màu mật ong, thường không để lại sẹo. Bệnh nhân có thể bị viêm hạch lân cận, sốt rất hiếm gặp trừ khi chốc lan tỏa hoặc có biến chứng. Nơi thương tổn bị ngứa khiến bệnh nhân gãi dễ lan rộng chàm hóa, lan sang vùng da khác.

Chốc không có bọng nuớc: Vị trí hay gặp ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tứ chi. Bệnh thường gặp ở những trẻ bị viêm da cơ địa, ghẻ, hoặc một bệnh da nào đó kèm theo bội nhiễm, hầu như không gặp thương tổn ở niêm mạc. Khi đó, thương tổn đặc trưng là mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Bờ thương tổn thường có ít vảy da trông giống như bệnh nấm da. Vảy tiết phía trên có màu vàng mật ong hoặc nâu sáng, với một quầng đỏ nhỏ bao quanh. Một số trường hợp có thể thấy các thương tổn vệ tinh ở xung quanh. Bệnh thường khỏi sau 2-3 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài, nhất là khi cơ thể có nhiễm ký sinh trùng, bị chàm hay thời tiết nóng, ẩm ướt.

Bác sĩ Phạm Mai

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh, về mùa hè nên cho trẻ ở nơi thoáng mát, rộng rãi, quần áo vải bông mỏng thoáng, thấm mồ hôi, tránh để hở da nhiều làm phát sinh bệnh và lây lan. Không để da không bị xây xát, tránh bụi bẩn, thiếu ánh sáng, tránh chơi gần các vật cứng nhọn, hạn chế chơi gần vật nuôi, côn trùng. Hàng ngày tắm rửa thường xuyên, tắm cho trẻ bằng nước sạch, tránh làm xây xát. Thay và giặt sạch quần áo mỗi ngày, cắt tóc, cắt móng tay. Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, nước trái cây và ăn rau xanh.

Điều trị tích cực vết thương, vết xước, vết côn trùng cắn trên da bằng cách rửa sạch vết thương, dùng thuốc sát khuẩn, mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân bị chốc lở cần được cách ly ở phòng riêng, dùng riêng các đồ dùng sinh hoạt như chăn màn, khăn tắm, chậu rửa mặt... để tránh lây lan cho người khác. Phải giặt quần áo, đồ vải và khăn của bệnh nhân riêng và khử khuẩn bằng cách luộc sôi từ 5 - 10 phút. Người chăm sóc bệnh nhân cần đeo găng tay khi tiếp xúc, thay băng...

Mời các bạn xem bài sau: Biến chứng nghiêm trọng từ chốc lở

vào ngày 24/6/2015

 

 

 


Ý kiến của bạn