Con số đáng báo động cho thấy mỗi năm trên thế giới có hơn 700.000 ca tử vong do tự tử liên quan đến trầm cảm. Vậy sao để nhận biết mình có đang mắc phải căn bệnh này? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, gây ra cảm giác buồn bã dai dẳng và mất hứng thú với các hoạt động. Khác với những cảm xúc buồn tạm thời, trầm cảm ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động, gây khó khăn trong công việc và các mối quan hệ.
Theo WHO, hiện nay có khoảng 280 triệu người trên thế giới bị trầm cảm và ảnh hưởng đến khoảng 3,8% dân số toàn cầu. Trầm cảm cũng là nguyên nhân gây ra hơn 700.000 ca tử vong do tự tử mỗi năm.
Mặc dù có phương pháp điều trị, hơn 75% người dân ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình không được chăm sóc và điều trị đúng cách, chủ yếu do thiếu sự đầu tư y tế và kỳ thị xã hội về các vấn đề về sức khỏe tâm thần này.
Làm sao để nhận biết mình bị trầm cảm?
Trầm cảm khác với những thay đổi tâm trạng thông thường, một cơn sẽ kéo dài gần như suốt ngày, liên tục trong ít nhất hai tuần. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến có thể gặp phải:
Dấu hiệu trầm cảm ở người lớn
- Khó tập trung, ghi nhớ và đưa ra quyết định
- Cảm giác tội lỗi, vô giá trị và ám ảnh về những thất bại trong quá khứ
- Bi quan, tuyệt vọng
- Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Hay ở trong trạng thái cáu kỉnh, tức giận, khó chịu với mọi thứ.
- Bồn chồn, lo âu
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng, mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích.
- Ăn quá nhiều hoặc chán ăn
- Gặp các vấn đề sức khỏe điều trị không khỏi như đau đầu, đau nhức, rối loạn tiêu hoá
- Cảm giác buồn bã, trống rỗng, muốn khóc hoặc lo lắng liên tục
- Thường xuyên có ý nghĩ tự tử hoặc cố gắng tự tử
- Mất niềm vui trong cuộc sống
- Khó khăn để suy nghĩ, nói năng hoặc cử động cơ thể chậm lại.
Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em
Đối tượng này cũng có các dấu hiệu giống người lớn, tuy nhiên có một số điểm khác biệt đáng chú ý như:
Thường xuyên cảm thấy buồn bã, dễ cáu kỉnh, lo lắng, hoặc than phiền về các cơn đau không rõ nguyên nhân trong khoảng thời gian dài. Trẻ có thể từ chối đi học, bị sút cân hoặc trở nên bám người hơn bình thường.
Dấu hiệu trầm cảm ở thanh thiếu niên
Đây được xem là độ tuổi "phát triển và nổi loạn" các triệu chứng thường bao gồm cảm giác vô giá trị, tức giận hoặc dễ cáu gắt. Đồng thời có thể gặp khó khăn trong học tập, ngại giao tiếp với gia đình và bạn bè, hoặc tìm đến ma túy, rượu.
Bài test trầm cảm BECK II (BDI-II) nhanh để kiểm tra ngay tại nhà
BDI-II dùng để làm gì?
BDI-II (Beck Depression Inventory-II) là một công cụ đánh giá mức độ của bệnh trầm cảm thông qua bảng câu hỏi tự báo cáo. Nó được sử dụng rộng rãi để hỗ trợ xác định các dấu hiệu trầm cảm và theo dõi sự thay đổi trong quá trình điều trị.
Mặc dù thang đo này có giá trị trong việc đánh giá mức độ trầm cảm, nhưng nó không phải là công cụ chẩn đoán chính thức. Kết quả từ BDI-II chỉ mang tính tham khảo và không thay thế được việc chẩn đoán y khoa.
BDI-II tiện lợi, ai cũng có thể dễ dàng sử dụng, đồng thời phạm vi đối tượng rộng: từ 13 tuổi trở lên.
Cách thực hiện bài Test
Bài đánh giá BDI-II (Beck Depression Inventory-II) bao gồm 21 câu hỏi, mỗi câu hỏi phản ánh một triệu chứng trầm cảm cụ thể. Người tham gia cần đọc kỹ từng câu hỏi và chọn duy nhất một đáp án, phản ánh tình trạng của bản thân trong khoảng thời gian gần đây.
Làm thế nào để giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm?
Sức khỏe tinh thần và thể chất luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Để duy trì một trạng thái tinh thần ổn định, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
Đầu tiên, ưu tiên giấc ngủ
Ngủ đủ từ 7-9 giờ mỗi đêm không chỉ giúp cơ thể phục hồi năng lượng mà còn giúp não bộ tái tạo và chuẩn bị cho một ngày mới đầy năng động.
Thứ hai, giữ tinh thần thoải mái
Hạn chế căng thẳng và lo âu kéo dài bằng cách tìm cách thư giãn và giải tỏa stress hàng ngày như thở sâu, yoga, thiền. Điều này sẽ giúp bạn bớt áp lực và bình an hơn.
Thứ ba, ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn cân đối cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, từ trái cây, rau củ cho đến các loại thịt và cá tươi, sẽ giúp duy trì sức khỏe tổng thể. Hạn chế hút thuốc lá, bia rượu và các chất kích thích có thể gây hại cho cơ thể và làm suy yếu tinh thần.
Thứ tư, vận động thường xuyên
Một vài phút vận động mỗi ngày, như đi bộ, chạy bộ, hay tham gia các môn thể thao, sẽ giúp giảm căng thẳng, tăng cường năng lượng cho cơ thể
Cuối cùng, nuôi dưỡng các mối quan hệ
Duy trì kết nối với gia đình và bạn bè, chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình là một cách chân thành. Việc chia sẻ, lắng nghe và nhận sự hỗ trợ từ người thân yêu sẽ giúp bạn cảm thấy được yêu thương và không đơn độc trong cuộc sống.
Thu Nguyễn