Hà Nội

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ cần nhập viện ngay để tránh tử vong

03-12-2023 15:15 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Mới đây bệnh nhi 2 tuổi ở Đắk Lắk đã tử vong vì bệnh tay chân miệng, điều này khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Vậy dấu hiệu nào cho thấy bệnh tay chân miệng cần phải nhập viện ngay?

Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệngDấu hiệu nhận biết sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng

SKĐS - Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp nhất từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm dễ gây thành dịch trong cộng đồng, do một số chủng virus đường ruột gây ra và lây lan theo đường tiêu hóa. Bệnh lây trực tiếp từ người sang người, thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em, đặc biệt bệnh thường gây thành dịch ở các nhà trẻ, trường mẫu giáo. 

Trên lâm sàng, bệnh tay chân miệng có các biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước ở chân, tay, miệng. Bệnh thường diễn biến lành tính và hồi phục sau 5 - 10 ngày. 

Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, có tổn thương viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời.

Nhận diện sớm trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương: Hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn, với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Để phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi, trẻ bị bệnh được chăm sóc và theo dõi sát sao, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ nếu phát hiện và điều trị quá trễ. 

Theo các bác sĩ thì bệnh tay chân miệng ở trẻ có những biểu hiện cần chú ý sau đây:

- Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong ổ miệng, đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.

- Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh tay chân miệng là tình trạng loét miệng. Vị trí loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, số lượng vết loét thay đổi từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2 mm – 3 mm. 

Loét miệng khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn uống, đây là lý do khiến trẻ không chịu ăn, không chịu bú và thường chảy nước miếng liên tục.

- Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 độ C – 38 độ C. Tuy nhiên, có những trẻ sốt cao trên 39 độ C liên tục, đây là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị tay chân miệng đã nghiêm trọng, cần nhập viện để điều trị tốt hơn.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ cần nhập viện ngay để tránh tử vong- Ảnh 2.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm dễ gây thành dịch trong cộng đồng. Ảnh minh hoạ.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để trẻ được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly chăm sóc hợp lý.

Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu có một số dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng, cha mẹ cần chú ý nhập viện sớm, cụ thể:

Trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Trẻ giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 - 20 phút rồi lại ngủ tiếp).

Một số dấu hiệu khác: Khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Tóm lại: Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, rất khó lường, nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể sẽ khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng. Đây là trường hợp tử vong thứ 4 do bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm tới nay.

Đăng Anh
Ý kiến của bạn