Hẹp bao quy đầu có tự khỏi?
Hẹp bao quy đầu là tình trạng da bao quy đầu không thể tuột lên hoàn toàn khỏi quy đầu. Hiện nay, hẹp bao quy đầu thường được chẩn đoán một cách dễ dãi, do không phân biệt được:
- Hẹp bao quy đầu do sinh lý: Bao quy đầu không tuột trong suốt của quá trình phát triển sinh lý bình thường.
- Hẹp bao quy đầu do bệnh lý: Đây là trường hợp xảy ra do các bệnh lý như bệnh sừng hóa gây xơ teo bao quy đầu, viêm quy đầu bạch sản xơ hóa, sẹo do dùng sức để tuột bao quy đầu lên trước đó…
Ghi nhận thực tế có 80% trường hợp có thể tự khỏi khi lớn lên và không cần xử trí trước 6 tuổi. Trong các trường hợp này, bao quy đầu được coi là bình thường hay còn gọi là hẹp bao quy đầu sinh lý. Ở tuổi lớn hơn, nếu bao quy đầu vẫn còn hẹp, tức là hẹp thật sự hay hẹp bệnh lý thì cần phải xử trí.
Đôi khi, có một số trường hợp bị hẹp nghẹt bao quy đầu. Khi đó, bao quy đầu tuột lên trên quy đầu một cách khó khăn và bị nghẹt, không thể đưa về lại vị trí bình thường được. Bao quy đầu tạo thành một vòng thắt siết chặt lấy quy đầu, làm cho bao quy đầu sưng nề và rất đau. Trường hợp này, người bệnh cần được xử lý ngay, nếu không sẽ gây hoại tử hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.Hẹp bao quy đầu khi nào cần khám?
Ở trẻ em, bao quy đầu thường dính chắc vào quy đầu. Hiếm trường hợp bao quy đầu có thể tuột ra sau. "Bao quy đầu không tuột được ra sau" có thể được coi là bình thường ở nam giới, kể cả ở tuổi trưởng thành.
Khoảng 50% trường hợp xảy ra ở trẻ 1 tuổi, 90% ở trẻ em 3 tuổi và 99% ở trẻ 17 tuổi có thể tuột bao quy đầu dễ dàng, bình thường.
Đến tuổi dậy thì, dương vật phát triển nhanh, to và dài ra, quy đầu sẽ tự tuột ra khỏi bao quy đầu. Khoảng 95% trường hợp trẻ 16 – 17 tuổi, bao quy đầu có thể tuột hoàn toàn.
Mặc dù như đã nói hầu hết bao quy đầu hẹp ở trẻ nhỏ là tình trạng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, khi này lớp da bao quy đầu giống như một cái túi chứa nước tiểu tồn đọng, bựa sinh dục, các chất cặn bã khác. Các chất này do khó hoặc không thể tuột lớp da xuống để rửa sạch sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển và gây ra các bệnh lý về đường tiết niệu và để lại nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.
Chính vì thế, cha mẹ cũng cần lưu ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ do hẹp bao quy đầu gây ra:
Bệnh đường tiết niệu
Khi hẹp bao quy đầu bệnh lý hay hẹp sinh lý gây viêm nhiễm nhiều lần khiến chất bẩn tích tụ trong nước tiểu lâu ngày và dịch nhầy đọng ở nếp da quy đầu tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu.
Biểu hiện đặc trưng: Dương vật của trẻ bị ngứa, đỏ và sưng; Trẻ tiểu khó, phải rặn; Nước tiểu có màu đục, mùi hôi; Đầu dương vật của trẻ bị chảy mủ hoặc dịch bất thường; Bao quy đầu phồng lên khi bé đi tiểu
Hẹp nghẹt da quy đầu
Trong trường hợp, da quy đầu tuột lên nhưng không đưa về vị trí bình thường được, tạo thành vòng thắt sẽ siết chặt quy đầu làm da quy đầu sưng nề, gây đau, gọi là hẹp nghẹt da quy đầu. Đây là trường hợp cấp cứu cần can thiệp ngay.
Lời khuyên thầy thuốc
Hiện nay, có nhiều khuyến cáo không nên thực hiện cắt bao quy đầu rộng rãi như trước.
Ngoài ra, quan điểm hiện đại cho rằng, hẹp bao quy đầu ở trẻ em là hiện tượng sinh lý bình thường, nhiều khuyến cáo tránh các can thiệp không cần thiết.
Hầu hết trường hợp hẹp bao quy đầu trẻ em là sinh lý bình thường. Tình trạng sẽ tự ổn định khi trẻ trưởng thành. Phụ huynh chỉ cần lưu ý vệ sinh, tắm rửa hàng ngày cho trẻ. Ở trẻ lớn hoặc người lớn, cần phân biệt với tình trạng dây thắng ngắn (dù hai tình trạng này thường đi kèm nhau).
Các trường hợp nên cắt bao quy đầu như: hẹp nghẹt bao quy đầu, viêm quy đầu, viêm bao quy đầu tái phát nhiều lần hoặc vì lý do cá nhân.
Vì vậy, khi hẹp bao quy đầu gây ra tình trạng viêm vùng quy đầu, viêm da quy đầu, nhiễm trùng tiểu cần phải đến ngay phòng khám Tiết niệu – Nam khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị tình trạng nhiễm trùng này đúng cách.
Việc thực hiện cắt da quy đầu sẽ được tiến hành sau khi người bệnh đã được điều trị các vấn đề nhiễm trùng.