Hà Nội

Dấu hiệu báo động đột quỵ và cách xử trí ban đầu

19-07-2016 10:39 | Đời sống
google news

SKĐS - Mỗi năm có gần 800.000 người trải qua một đột quỵ (tai biến mạch máu não) mới hoặc tái phát đột quỵ. Mỗi 40 giây có một bệnh nhân bị đột quỵ. Mỗi 40 phút có một người chết do đột quỵ. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 5 ở Mỹ, thứ 3 ở người da màu.

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh lý mạch máu não nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay, đặc trưng bởi hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, các thiếu sót thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng thần kinh khu trú. Các triệu chứng này tồn tại quá 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ (loại trừ các nguyên nhân chấn thương sọ não). Trong thực hành lâm sàng, tai biến mạch máu não chia làm hai loại chính: nhồi máu não (nguồn máu đến nuôi một vùng não bị tắc) hay xuất huyết trong sọ (mạch máu não bị vỡ).

Ai dễ bị đột quỵ não?

Người có nguy cơ đột quỵ cao thường là người cao tuổi, người có tiền sử bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, béo phì, căng thẳng stress, mất ngủ, lạm dụng rượu bia, thuốc lá...  Theo một nghiên cứu mới đây, người bị tăng huyết áp có nguy cơ bị đột quỵ gấp 4-6 lần và đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ gấp 3 lần các nguyên nhân khác. Đặc biệt tỷ lệ cao hơn cả ở người tăng huyết áp kèm xơ vữa động mạch.

dot quyTăng huyết áp là nguyên nhân chính gây đột quỵ.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ não

Bệnh nhân đột quỵ não có chất lượng cuộc sống kém (việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày trở nên khó khăn, phụ thuộc người thân), không những ảnh hưởng công việc mà chi phí điều trị rất tốn kém. Do đó việc nhận diện các dấu hiệu báo động đột quỵ xảy ra là rất quan trọng, để bệnh nhân có thể đến bệnh viện tiếp cận những điều trị sớm nhất với mong muốn tổn thương não tối thiểu nhất.

Những dấu hiệu báo động đột quỵ xảy ra khi một bệnh nhân đang trong tình trạng sức khỏe bình thường đột ngột xuất hiện một trong các khiếm khuyết về chức năng thần kinh sau:

Đau đầu đột ngột, dữ dội kèm nôn ói hay thay đổi ý thức (lú lẫn, lơ mơ).

Rối loạn ngôn ngữ: nói khó, mất khả năng nói thành lời nhưng vẫn hiểu lời nói, mất khả năng hiểu lời nói (người bệnh nói nhiều và nói quá thừa).

Rối loạn cảm giác: tê hay giảm cảm giác bất thường mặt, tay hay chân.

Bất thường vận động: yếu hay liệt tay, chân nửa người hay tứ chi.

Chóng mặt kèm với đi loạng choạng, mất thăng bằng.

Nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực một hay hai bên mắt, khiếm khuyết thị trường, sụp mi mắt, méo miệng, nuốt sặc.

Suy giảm khả năng sử dụng một đồ vật quen thuộc, quên/suy giảm trí nhớ.

dot quyĐặt người bệnh nằm ngửa.

Xử trí khi người thân bị đột quỵ não

Đột quỵ não là một cấp cứu y khoa, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để có thể tổn thương não tối thiểu nhất. Do đó khi có người thân có dấu hiệu báo động đột quỵ, nên đỡ người bệnh tránh bị ngã và đặt nằm xuống chỗ thoáng khí, nếu có nôn hoặc lơ mơ thì phải đặt đầu nghiêng sang một bên, lau sạch chất nôn hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng, tránh hít sặc vào phổi. Sau đó, gọi cấp cứu 115 hoặc dùng xe cá nhân nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện gần nhất (tốt nhất trong 3-6 giờ đầu), nếu muộn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh. Không cạo gió, trích lể máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống). Vận chuyển người bệnh đi cấp cứu ở tư thế nằm và trên đường chuyển bệnh nhân đến bệnh viện phải đảm bảo an toàn tránh sự va chạm, nhất là phần cơ thể bị yếu, liệt.

Phòng ngừa đột quỵ não

Đột quỵ có thể tái phát lần 2, lần 3... và đột quỵ lần sau thường nặng hơn lần trước. Trên thực tế, đột quỵ tái phát chiếm khoảng 25-40% trong tổng số bệnh nhân đột quỵ, có tỷ lệ tử vong, tàn tật và chi phí điều trị cao hơn so với đột quỵ lần đầu. Khoảng 80% đột quỵ có thể ngăn ngừa. Do đó, để phòng ngừa, quan trọng nhất là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và thay đổi chế độ sống. Cần tránh nếp sống tĩnh tại, tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức; không lạm dụng các chất kích thích (thuốc lá, rượu bia...); tránh để thừa cân béo phì; thực hiện chế độ ăn lành mạnh, duy trì lượng cholesterol trong máu bình thường: không ăn nhiều mỡ, chất ngọt, tinh bột. Hạn chế muối; ăn nhiều rau, củ, quả; các loại hạt như đậu, hạnh nhân, các chất béo bão hòa như: dầu vừng, dầu đậu nành, dầu cá thu, cá ngừ, cá mòi,... đều có tác dụng phòng ngừa máu đông; không hút thuốc lá; kiểm soát huyết áp; định kỳ kiểm tra sức khỏe, nếu có các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, bệnh về thận; tránh stress, xúc động hay chấn thương tâm lý...


ThS.BS. Nguyễn Thị Kim Thoa
Ý kiến của bạn