Lợi ích của cà phê với sức khỏe
Lợi ích của cà phê với sức khỏe đã được ghi nhận, người ta đã tìm thấy trong cà phê có các khoáng chất cần thiết cho cơ thể bao gồm: kali, magie, mangan, niacin, chất xơ hòa tan và hàm lượng cao chất chống oxy hóa có lợi cho tim mạch như: polyphenol, axit chlorogenic và lignan secoisolariciresinol.
Chính vì vậy, uống cà phê đúng cách sẽ có lợi cho một số bệnh như:
- Hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2;
- Giảm nguy cơ sỏi túi mật;
- Giảm tỉ lệ mắc bệnh ung thư đại tràng;
- Giảm nguy cơ tổn thương gan;
- Giảm nguy cơ bệnh Parkinson;
- Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer;
- Giảm trầm cảm….
- Ngoài ra, cà phê cũng có tác dụng đốt chất béo trong cơ thể người, giúp có thêm nguồn năng lượng và sự tỉnh táo trong công việc, cuộc sống.
Cà phê ảnh hưởng đến huyết áp không?
Trên thực tế người ta đã tìm thấy caffeine có trong cà phê và một vài loại trà, sô cô la, nước tăng lực, nước ngọt và thuốc. Đây là chất kích thích phổ biến có thể làm huyết áp tăng lên đáng kể trong thời gian ngắn, dù là người bình thường không mắc bệnh.
Hiện tại, vẫn chưa xác định rõ ràng được cơ chế gây tăng huyết áp của caffeine. Một số nghiên cứu nhận thấy caffeine có tác dụng đối kháng với loại hormone giúp giãn động mạch, từ đó làm tăng và rối loạn nhịp tim.
Có quan điểm khác cho rằng caffeine kích thích tuyến thượng thận tiết ra nhiều adrenalin khiến huyết áp tăng lên nhanh chóng. Những người không thường xuyên uống cà phê có thể bị tăng huyết áp sau khi uống, tuy nhiên chỉ trong 2 – 3 ngày, sau đó huyết áp trở lại mức ban đầu.
Hiện nay vẫn còn đang tranh cãi về kết quả của việc uống cà phê lâu dài có phải làm tăng nguy cơ gây tăng huyết áp. Dựa vào việc theo dõi một số người không uống cà phê cho thấy huyết áp trung bình thấp hơn những người uống thường xuyên. Những người uống thường xuyên sẽ phát triển khả năng thích nghi với caffeine. Nên caffeine sẽ không có tác động lâu dài đến huyết áp ở những người này.
Việc uống cà phê thường xuyên không liên quan đến sự thúc đẩy nguy cơ tăng huyết áp nhưng việc dùng nhiều thức uống có ga sẽ làm tăng nguy cơ của bệnh tăng huyết áp, kể cả loại không đường.
Vài nghiên cứu gần đây cũng cho thấy uống cà phê với lượng vừa phải (khoảng 1 đến 2 tách nhỏ mỗi ngày) có tác dụng có lợi đối với huyết áp và không làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như đột quỵ, bệnh mạch vành và suy tim.
Khi nào nên ngừng uống cà phê?
Mặc dù lợi ích của cà phê đem lại, hiện không ghi nhận sự nguy hại với các bệnh tật khác, tuy nhiên, khả năng dung nạp caffein của cơ thể mỗi người là khác nhau, khi sử dụng nhiều có thể gây ra tác dụng phụ.
Việc lạm dụng cà phê để tỉnh táo khi làm việc và học tập, tưởng chừng như có lợi nhưng nếu duy trì thói quen này sẽ gây hại cho sức khỏe. Nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ gây ra tác dụng ngược khiến cơ thể mệt mỏi hơn, mất ngủ,... thậm chí uống cà phê quá nhiều sẽ làm tăng lượng canxi được đưa ra ngoài qua nước tiểu, dẫn đến suy yếu xương.
Hơn nữa, việc dùng cà phê đậm đặc có thể sẽ làm chân tay run, vã mồ hôi, tăng nhịp tim, dẫn đến hạ đường huyết… Vì vậy, mỗi người nên theo dõi các triệu chứng sau khi uống cà phê. Nếu uống cà phê có các biểu hiện như: khó ngủ, khó chịu, lo lắng, bồn chồn, vã mồ hôi… nên hạn chế uống thậm chí ngừng uống cà phê.
Ngoài ra, những người sỏi thận, loãng xương, thiếu máu, thiếu sắt, đang dùng thuốc an thần, trào ngược dạ dày và ợ chua, rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như: rung nhĩ, hội chứng ruột kích thích hay tiêu chảy…cũng không nên dùng cà phê.
Tóm lại: Cà phê có lợi ích cho sức khỏe, nhưng khi sử dụng nhiều có thể gây ra tác dụng phụ nên chỉ uống một lượng vừa phải để tránh mất ngủ và những bất lợi khác.