Tôi đang cho con bú, gần đây tôi thấy vú bị sưng đau, đi khám bác sĩ cho thuốc uống và nói là phải theo dõi áp-xe tuyến vú. Xin quý báo cho biết, áp-xe tuyến vú biểu hiện như thế nào? Có điều trị khỏi được không?
Hoàng Thị Diễm
(Long An)
Áp-xe vú hay gặp ở phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ, nuôi con. Bệnh do vi khuẩn gây ra, trong đó các loại vi khuẩn thường gây áp-xe vú là: tụ cầu, liên cầu, phế cầu, lậu cầu, thương hàn, vi khuẩn kỵ khí.
Giai đoạn viêm, bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ; đau nhức sâu ở trong tuyến vú, đau tăng khi sờ nắn, khi cử động vai, cánh tay. Vú bị viêm to ra, mật độ chắc, hạch ở nách cùng bên to và đau, da bình thường nếu ổ viêm ở sâu, hoặc nóng, đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm ngay dưới da.
Giai đoạn tạo thành áp-xe: các triệu chứng của giai đoạn viêm đều tăng lên: sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, đau đầu, khát nước, da xanh, gầy yếu; đau nhức sâu trong tuyến vú, đau tăng khi vận động, khi cho con bú. Vú sưng to, vùng da trên ổ áp-xe nóng, căng, sưng đỏ hay phù tím. Nếu ổ áp-xe thông với các ống dẫn sữa thì có thể thấy sữa lẫn mủ chảy qua đầu núm vú.
Bệnh có thể điều trị khỏi hẳn nếu phát hiện sớm và điều trị thích hợp. Chính vì vậy cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám khi có những biểu hiện của áp-xe vú. Trường hợp của chị, bác sĩ yêu cầu theo dõi thì cần chú ý đến các biểu hiện và khám lại theo lịch hẹn.
Để phòng bệnh, các bà mẹ đang cho con bú cần giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú. Tránh làm xây xát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa. Nâng cao thể trạng bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh thức đêm nhiều, lao động vừa sức.
Bác sĩ Kiều Linh