Hà Nội

Đau hang vị dạ dày có thể dẫn đến ung thư?

24-06-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Người bệnh đau bụng cồn cào kèm theo đầy hơi, trướng bụng, ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn.

Viêm sung huyết hang vị (VSHHV) dạ dày là một bệnh gặp khá phổ biến ở nước ta. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này, nhưng trung niên chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Nếu không được điều trị đúng có thể dẫn đến loét, thậm chí ung thư.

Người bệnh đau bụng cồn cào kèm theo đầy hơi, trướng bụng, ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Đau có thể âm ỉ nhưng thường đau nhiều, khó chịu, nhất là về đêm. Lúc no đau nhiều hơn lúc đói do thức ăn và dịch vị nhiều tác động vào niêm mạc hang vị. Một số người VSHHV lan đến môn vị làm sưng nề, chít hẹp môn vị. Người bệnh thấy bụng ấm ách khó chịu, ăn không tiêu, đôi khi phải gây nôn thức ăn ra (móc họng) mới dễ chịu. VSHHV, nếu không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm có thể đưa đến loét hang vị, nguy hiểm hơn là ung thư hang vị. VSHHV tuy đau nhiều hơn nhưng ít gây chảy máu hơn so với viêm loét hành tá tràng.

Để chẩn đoán viêm hang vị, tốt nhất là nội soi dạ dày. Nội soi dạ dày có nhiều ưu điểm, thấy được vị trí, tình trạng sung huyết của niêm mạc hang vị và ưu điểm hơn nữa, khi cần có thể sinh thiết để quan sát tế bào. Kỹ thuật này vừa tiến hành xác định tế bào vừa xác định vi khuẩn HP. Qua mảnh sinh thiết có thể nhuộm gram xác định hình thể tính chất bắt màu và xác định men ureaza của vi khuẩn HP, có thể nuôi cấy để tìm vi khuẩn hoặc dùng mảnh sinh thiết để xác định vi khuẩn HP bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR (Polymerase Chain Reactin).

Thầy thuốc khuyên gì?

Để điều trị có hiệu quả, trước hết người bệnh cần được khám bệnh một cách đầy đủ để xác định nguyên nhân (do dùng thuốc hay do chế độ ăn uống, do chế độ sinh hoạt hay do vi khuẩn HP,...). Trên cơ sở đó sẽ có hướng điều trị tốt nhất. Điều trị VSHHV dạ dày cần kiên trì, người bệnh không nên nóng vội và quá lo lắng về bệnh tật của mình. Nếu quá lo lắng, bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm. Trong trường hợp xác định có vi khuẩn HP, việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn là hết sức cần thiết. Hiện nay có nhiều phác đồ điều trị, áp dụng nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP, nhưng áp dụng phác đồ nào còn tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh. Hơn nữa, vi khuẩn HP đã bắt đầu kháng lại một số thuốc kháng sinh. Vì vậy, việc dùng kháng sinh gì, kết hợp các loại kháng sinh như thế nào cho có hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc để sử dụng. Ngoài kháng sinh (nếu có vi khuẩn HP), người bệnh cần dùng các loại thuốc băng niêm mạc dạ dày, thuốc chống tiết dịch vị, thuốc giảm đau và thuốc an thần. Khi cơn đau xuất hiện, nên ăn một ít bánh mỳ, bánh ngọt (để hút dịch vị, làm giảm sự kích thích) hay uống một ly sữa nhỏ sẽ tạm thời làm giảm cơn đau.

Cần có chế độ ăn uống hợp lý, ăn chậm, nhai kỹ, thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ. Hạn chế ăn chua, cay (dấm, ớt, mù tạt, hạt tiêu). Không uống rượu, bia, nước ngọt có ga, không nên uống cà phê, trà đặc, hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào). Người bị VSHHV rất cần được nghỉ ngơi thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu, buồn phiền về bệnh tật của mình, mỗi ngày nên được ngủ ít nhất từ 7-8 giờ. Người bệnh nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, đi bộ, giao lưu với bạn bè, nếu có điều kiện nên tham gia các môn thể thao nhẹ như bơi, chơi cờ... Trong gia đình có người bị VSHHV do vi khuẩn HP gây nên, các dụng cụ ăn uống hàng ngày cần tiệt khuẩn bằng nước sôi để tránh lây bệnh cho người khác.

ThS. BS. Bùi Mai Hương

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn