Hà Nội

Đau gót chân, chữa như thế nào?

17-01-2022 14:20 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đau gót chân là triệu chứng khá thường gặp. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này, và việc chữa trị dùng thuốc cũng tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh.

1. Đau gót chân do viêm cân gan chân

1.1 Nguyên nhân và triệu chứng 

Cân gan chân là dải cân chạy từ mặt dưới các ngón chân đến tận cùng phía dưới của gót chân. Khi hoạt động các động tác dồn lực nhiều lên gan chân như chạy nhảy, leo trèo, thậm chí đứng nhiều sẽ tác động lên cân gan chân, ban đầu gây kích thích cơ học, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng viêm. Viêm cân gan chân là nguyên nhân hay gặp nhất của đau mặt dưới gan chân.

Triệu chứng hay gặp là đau ở vùng mặt dưới gót chân, đau tăng lên khi thay đổi động tác từ nằm hay ngồi lâu sang động tác đứng, đặc biệt đau nhiều vào buổi sáng khi mới ngủ dậy bước chân xuống giường, sau khi đi lại vận động một lúc thì triệu chứng đau sẽ giảm dần đi. Khi dùng lực đầu ngón tay ấn lên mặt dưới gót chân bệnh nhân rất đau.

1.2 Chữa thế nào?

Bao gồm các biện pháp nội khoa như nghỉ ngơi, nẹp bất động bàn chân ở tư thế trung gian vào buổi tối, chườm túi đá vào vùng gót chân, tránh đi chân đất, tập các bài tập duỗi cơ cẳng chân như kéo các ngón chân về phía mặt trước cẳng chân nhiều lần vào buổi sáng; đi giầy dép có lót đế mềm, hoặc giầy dép chỉnh hình khi có bất thường xương bàn chân. 

Dùng thuốc chống viêm giảm đau không steroid như aspirin, diclofenac, meloxicam. Các thuốc này có tác dụng khá tốt nhưng do có tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, do đó cần dùng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Hầu hết các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp bảo tồn bằng cách nghỉ ngơi, chườm lạnh nơi đau, kéo căng cân gan chân thực hiện trong nhiều tháng.
Đau gót chân là bệnh gì? Cách nào điều trị? - Ảnh 1.

Dây chằng bi sưng dẫn đến đau gót chân.

Khi phương pháp điều trị trên không hiệu quả, bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp có thể chỉ định tiêm corticoid tại chỗ. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nhằm giảm đau tạm thời, không nên lạm dụng. Bởi nếu áp dụng nhiều mũi tiêm có thể làm yếu đi vùng gân, cơ hoạt động tại vị trí tiêm hoặc thậm chí gây đứt gân gan chân.

Ngoài ra có thể dùng biện pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu  tại chỗ, có tác dụng giảm đau và giảm được nguy cơ gây hoại tử đứt gân.

Biện pháp sử dụng sóng âm thanh áp trực tiếp lên vùng đau nhằm kích thích làm lành tổn thương. Phương pháp này thường được chỉ định đối với những tổn thương gân gan chân mang tính chất mạn tính; sau khi sử dụng các liệu pháp khác không đỡ hiệu quả. Mặc dù phương pháp này cũng có kết quả khá tốt, nhưng kết quả không được lâu dài. Ngoài ra còn có tác dụng phụ gây thâm tím da, sưng phù, đau, tê bì, ngứa.

Can thiệp tenex là một thủ thuật để lấy hết mô sẹo xơ vùng gan chân (nguyên nhân gây đau) nhưng không phải là phương pháp phẫu thuật.

Sau các biện pháp điều trị trên mà bệnh không hết, bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp phẫu thuật để chỉnh sửa dị tật bàn chân hoặc cắt gai xương gót. Phương pháp này có thể giúp giảm đau nhưng hậu quả cũng có thể làm yếu cân gan chân, do đó ít khi được chỉ định.

2. Đau gót chân do gai xương gót

Hiện tượng gai xương gót là hậu quả của tình trạng viêm cân gan chân kéo dài dẫn đến mọc xương tân tạo tại vùng gót chân. Gai gót chân không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng để điều trị dứt điểm căn bệnh thường rất khó bởi bệnh rất dễ tái phát.

Hơn nữa gai xương gót thường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau ở gót chân vì nhiều người đau gót mà không có gai xương, ngược lại nhiều người hiện tại có gai xương mà lại không đau gót. Chính vì vậy điều trị gai xương gót cũng tương tự như điều trị viêm cân gan chân và hiếm khi cần phải mổ cắt bỏ gai.

Đau gót chân là bệnh gì? Cách nào điều trị? - Ảnh 3.

Hình ảnh gót chân bị tổn thương dẫn đến đau.

Về dùng thuốc, để giảm đau, bệnh nhân được chỉ định các thuốc giảm đau như paracetamol thông thường hoặc paracetamol + codein; hoặc thuốc giảm đau kháng viêm non steroid như: Celecoxib, meloxicam, piroxicam, diclofenac, aspirin… Các thuốc này uống theo chỉ định để hạn chế tác dụng phụ.

Phương pháp tiêm corticoid tại chỗ nhằm giảm đau nhanh, nhưng chỉ được chỉ định khi các biện pháp giảm đau khác không có hiệu quả, được thực hiện bởi chuyên khoa khớp, tại phòng khám đảm bảo vệ sinh. Phương pháp này rất hạn chế chỉ định do tác dụng phụ bất lợi đối với bệnh nhân.

Phương pháp vật lý trị liệu như như siêu âm điều trị, sóng ngắn, tia hồng ngoại hoặc các bài tập bệnh lý gai xương gót được áp dụng cùng việc dùng thuốc cũng giúp bệnh nhân giảm đau và mau hồi phục hơn.

Khi tình trạng đau kéo dài, các biện pháp trên không còn giúp giảm đau, bệnh nhân mới được chỉ định phẫu thuật. Biện pháp này nhằm cắt bỏ mô viêm, kết hợp khâu lại điểm bám gân gót hoặc giải ép cân gan chân để giúp bệnh nhân giảm đau.

Ngoài ra, có thể áp dụng một số phương pháp: Chườm đá tại chỗ, mang nẹp chỉnh hình, luôn đi dép có đệm lót... để giúp giảm đau.

3. Đau do hội chứng đường hầm cổ chân

Tình trạng này là do chèn ép dây thần kinh chầy sau dẫn đến đau hay rối loạn cảm giác như tê rát, tê cóng, căng chặt vùng bàn chân hay gót chân. Bệnh rất dễ nhầm với viêm cân gan chân. Nguyên nhân chèn ép có thể do gãy xương sau chấn thương, khối u lành hay ác tính…

Để điều trị tùy theo nguyên nhân có thể bao gồm thuốc chống viêm giảm đau không steroid, tiêm corticoid tại chỗ hay các biện pháp phẫu thuật giải phóng chèn ép. Nhìn chung cách dùng thuốc cũng như các lưu ý về tác dụng phụ của thuốc cũng giống ở các bệnh gây đau gót chân khác.

Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, hạn chế vận động hoặc tạo áp lực lên gót chân. Những trường hợp nhẹ, có thể chỉ cần ngưng vận động mạnh, có thể đi lại nhẹ nhàng. Nhưng với trường hợp đau nhiều, nghiêm trọng, bệnh nhân cần hạn chế hoạt động vùng chân tối đa.

Chườm đá lên mặt trong mắt cá chân và bàn chân trong 20 phút cũng giúp giảm viêm. Có thể chườm đá nhiều lần 1 ngày, mỗi lần cách nhau khoảng 60 phút. Nên nên kê cao chân trong thời gian chườm.

Băng ép và kê cao chân giúp giảm lưu lượng máu đến bàn chân để tránh sưng đau. Tuy nhiên không nên băng ép quá chặt…

Đau gót chân là bệnh gì? Cách nào điều trị? - Ảnh 4.

Băng ép vừa phải giúp giảm đau gót chân.

4. Đau gót chân do viêm gân gót

Một nguyên nhân khá thường gặp gây đau gót chân là do chấn thương trực tiếp tại vùng gan chân do đi trên nền cứng không bằng phẳng, dẫm phải sỏi đá… làm tổn thương trực tiếp lên mô mỡ đệm ở gan chân.

Bình thường, tình trạng đau này cần nghỉ ngơi vài ngày là hết. Nếu đau quá thì dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc thuốc chống viêm giảm đau non steroid cũng có tác dụng tốt.

Viêm gân gót hay gặp ở những người tham gia các môn thể dục, thể thao: Chạy, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis… hoặc những ai hay vận động với cường độ cao; lứa tuổi trung niên.

Khi gân gót bị kéo căng quá mức, chấn thương lặp đi lặp lại mà không được xử trí đúng cách làm gân gót mất tính mềm dẻo, trở nên thoái hóa, có những tổn thương rách nhỏ do đó dễ bị viêm, thậm chí đứt gân.

Về điều trị, cần ngừng những hoạt động gây đau. Khi mới đau có thể chườm đá tại chỗ, tập bài kéo giãn cơ bắp chân và mắt cá, đi giầy dép có tác dụng nâng gót ở cả hai chân và có phần cứng bảo vệ gót chân, vật lý trị liệu như nhiệt nóng bằng paraffin, túi chườm, hồng ngoại, sóng ngắn…

Sử dụng thuốc kháng viêm non steroid như ibuprofen hoặc naproxen giúp giảm đau và sưng nề. Tuy nhiên thuốc không giúp cải thiện tình trạng dày lên của gân do thoái hóa. Do đau là tình trạng dai dẳng nên bệnh nhân có thể lạm dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc kéo trên một tháng phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Việc điều trị không phẫu thuật, bao gồm dùng thuốc, vật lý trị liệu, hạn chế vận động… có thể kéo dài nhiều tháng để có kết quả. Bệnh nhân không nên vì sốt ruột mà lạm dụng thuốc hoặc đi tìm đến các biện pháp điều trị dân gian theo lời mách bảo. Bởi có thể làm nặng lên tổn thương và việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Mời độc giả xem thêm video:

Tăng sức khỏe cho F0 tại nhà

ThS.Nguyễn Thu Hiền
Ý kiến của bạn