Tuy nhiên, tại một số phiên đấu giá, có không ít người nghi ngại về tác phẩm là tranh gốc (thật) hay tranh chép lại, hoặc tình trạng người mua không trả tiền dù đã ngã giá thành công...
Từ lâu, các chuyên gia hội họa trong nước vẫn tỏ ra buồn rầu vì ở ta chưa có thị trường tranh đúng nghĩa. Chưa kể, tình trạng tranh nhái, tranh giả diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, trải qua thời gian, để bắt kịp với thế giới, chúng ta đã hình thành được một thị trường mỹ thuật đúng nghĩa khi nhiều cuộc đấu giá tranh gần đây được tổ chức đấu giá thành công và tạo tiếng vang.
Hiện nay ở Việt Nam có 3 đơn vị gồm Chọn’s, Lạc Việt và Lythi thực hiện đấu giá các tác phẩm mỹ thuật. Mở màn cho các phiên đấu giá tác phẩm mỹ thuật đầu tiên tại Việt Nam do Lạc Việt tổ chức từ năm 2016, với việc đấu giá thành công bức tranh Hạnh phúc của tác giả Hoàng Phượng Vĩ giá 65 triệu đồng; bức Tiên nữ vùng cao của họa sĩ Quách Đông Phương giá 95 triệu đồng; bức tranh Bên dòng sông đỏ của họa sĩ Đào Hải Phong với 150 triệu đồng. Đến thời điểm gần đây, phiên đấu giá số 9 của nhà đấu giá nghệ thuật Chọn’s với nhiều tác phẩm của các danh họa nổi tiếng trong nước được đấu giá thành công và được trả giá cao. Trong đó, các tác phẩm của hai danh họa Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm nhận được sự quan tâm của các khách hàng hơn cả. Bức tranh Hà Nội trong mắt Phái (trong sưu tập của ông Nguyễn Văn Mạnh) được bán với giá 2.000USD. Đặc biệt, bức Nguyệt ước của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được bán với giá cao nhất với 83.000USD. Ngoài ra, bức Đời hoa của “họa sĩ triệu đô” Lê Phổ cũng được bán giá cao là 27.000USD.
Bức tranh Đoàn viên của họa sĩ Thành Chương minh họa cho Truyện Kiều ấn bản 2017 được bán với giá cao nhất (65 triệu) trong 15 bức.
Trước đó, Chọn’s cũng để lại nhiều dấu ấn với những người yêu hội họa và sưu tầm tranh trong cuộc đấu giá hồi tháng 11/2017. Trong dịp này, bức tranh sơn mài Ngày hội kinh kỳ của họa sĩ Nguyễn Văn Trung được mua với giá 55.000USD, tăng gần một nửa so với giá khởi điểm ban đầu là 30.000USD. Bên cạnh đó, bức ký họa Cô Thành cuối năm Ất Sửu (vẽ năm 1986) của danh họa Bùi Xuân Phái được bán thành công với mức giá 30.000USD (giá khởi điểm 8.000USD). Hoặc tác phẩm sơn dầu Bến chờ của họa sĩ Nguyễn Linh Chi được bán bằng giá khởi điểm với 8.000USD. Tổng cộng phiên đấu giá hồi tháng 11/2017 của Chọn’s thu được 137.750USD. Theo đại diện Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn’s, sau 1 năm chính thức vận hành ở Việt Nam và qua 9 cuộc đấu giá tranh trong năm 2017, đơn vị này đã thu về 1 triệu USD (22 tỷ đồng).
Đặc biệt, trung tuần tháng 12/2017, phòng tranh Đông A (Hà Nội) đã triển lãm hai bộ tranh minh họa mới cho hai tác phẩm kinh điển của nền văn học nước nhà: Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu). Trong thời gian đó, Đông A Gallery tiến hành đấu giá hai bộ tranh với các hình thức đấu giá trực tiếp, đấu giá online và đấu giá qua điện thoại. Điều đáng ngạc nhiên là các bức tranh đều có giá khởi điểm 0 đồng, sau nhiều lượt trả giá, 15 bức tranh minh họa trong sách Truyện Kiều ấn bản 2017 do các họa sĩ đương đại nổi tiếng hiện nay như Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Hồng Việt Dũng... thực hiện được bán với tổng giá trị hơn 362 triệu đồng. Trong khi đó, bộ tranh minh họa trong cuốn Lục Vân Tiên của họa sĩ Nguyễn Công Hoan gồm 18 bức được bán với giá 48 triệu đồng.
Tuy đã có một thị trường tranh sôi động kể trên đáp ứng mong mỏi của những người yêu nghệ thuật và đi đúng quy luật tất yếu, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại tình trạng tranh giả, tranh chép lại có thể được đưa vào các cuộc đấu giá làm mất giá trị của các tác phẩm, uy tín và danh tiếng tác giả. Điển hình trong năm qua, bức tranh Phố cũ của họa sĩ Bùi Xuân Phái trong một phiên đấu giá của Chọn’s được nhận định là tranh chép, phỏng theo bức tranh bản gốc của tác giả nhưng vẫn được đem ra đấu giá. Ngoài ra, việc tranh được bán nhưng sau đó người mua không trả tiền cho họa sĩ cũng làm nhiều người băn khoăn, lo ngại. Minh chứng là bức Cẩm chướng của nữ họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan, dù đã đấu giá thành công với giá 65 triệu đồng nhưng sau hơn 5 tháng nữ họa sĩ này vẫn không nhận được tiền của người mua. Sự việc sau đó làm xôn xao làng mỹ thuật và đơn vị tổ chức đấu giá bức tranh Cẩm chướng giải quyết vụ việc bằng lấy lại tác phẩm từ khách hàng và... đem trả lại cho họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan!
Để hoạt động đấu giá tranh đi vào chuyên nghiệp và sôi động hơn, các chuyên gia cho rằng, đơn vị tổ chức đấu giá cần chọn người giới thiệu, tác giả, tác phẩm và người điều hành phiên đấu giá có uy tín hơn. Trong khi đó, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ, sắp tới ngành mỹ thuật sẽ nghiên cứu xây dựng các thông tư đi kèm cho hoạt động đấu giá, sao cho sát với thực tế, cụ thể và chuẩn xác.