Vì đâu nên nỗi?
Thời gian qua, rất nhiều lần các cơ quan và giới chuyên gia ngành mỹ thuật nước nhà đã ngồi lại với nhau nhằm tìm ra đáp án đối với bài toán khó: “Có hay không thị trường mỹ thuật Việt?”. Câu hỏi này đã được mổ xẻ nhiều lần và ở nhiều góc độ, nhưng tựu trung lại đều có câu trả lời là Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật đúng nghĩa, hoặc có cũng rất manh mún.
Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh từng thẳng thắn cho biết, trong hai vấn đề tồn tại lớn nhất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay, đó là chúng ta chưa có thị trường mỹ thuật ở trong nước. Ông Thành chia sẻ, vì không được quan tâm, ủng hộ các tác phẩm nghệ thuật cũng như đội ngũ người sáng tác nên góp phần làm cho thị trường mỹ thuật không phát triển được. Bên cạnh đó, chúng ta không có tổ chức, đơn vị (như bảo tàng) đứng gia tuyển tác phẩm mỹ thuật, định lượng tác phẩm đó có giá trị đến đâu, qua đó khách hàng thuận tiện hơn trong việc mua, trao đổi.
Thực tế còn chỉ ra rằng, việc mua bán tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam chủ yếu diễn ra ở các Gallery (phòng tranh) cá nhân, nhưng ông Vi Kiến Thành cho rằng, các Gallery hiện nay hoạt động không theo một quy luật nào cả. Tình trạng làm tranh giả tràn lan và công khai, đồng thời người sáng tác phục vụ theo nhu cầu khách hàng nên làm ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm gốc. Trong khi đó, nước ta không tồn tại bất kỳ một địa điểm (có thể gọi là một cái “chợ” nghệ thuật) nào nơi các đồ cổ, đồ cũ, đồ mỹ nghệ và các tác phẩm nghệ thuật được trao đổi một cách chính thức, có tổ chức (đúng pháp luật).
Chóe Tứ linh của nghệ nhân Phạm Anh Đạo trong phiên đấu giá tác phẩm mỹ thuật lần đầu tiên ở nước ta vừa qua được trả giá hơn 6 tỷ đồng.
Đáng kể nhất là việc các tác phẩm có giá trị lại được người nước ngoài săn lùng và mua, còn người Việt lại chỉ mua tác phẩm như tranh, ảnh ít giá trị nghệ thuật để trang trí tư gia. Chính điều này dẫn tới việc “chảy máu nghệ thuật”, các tác phẩm người nước ngoài mua ở Việt Nam với giá thấp nhưng khi đem bán ở thị trường quốc tế thì mức giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần. Nhà điêu khắc Vương Học Báo cho rằng, tác phẩm mỹ thuật, trong đó có tranh Việt vẫn chưa được chấp nhận là một tài sản có thể được thế chấp tại ngân hàng, được định giá như một tài sản vật chất có giá trị nên đây cũng là yếu tố chúng ta chưa thể có thị trường mỹ thuật. Chính vì thế mà nhiều tác phẩm điêu khắc lẫn hội họa ở nước ta không tìm được đầu ra cho tác phẩm, các nghệ sĩ sáng tác đều không thể sống bằng tiền bán tác phẩm nên phải làm thêm nhiều công việc khác để có tiền lo cho cuộc sống và cho chính niềm đam mê của mình.
Cú hích cho tương lai gần
Trong khi đang gặp không ít khó khăn để tạo lập thị trường mỹ thuật bởi những hạn chế nêu trên, vào cuối tháng 5/2016, lần đầu tiên tại Hà Nội diễn ra phiên đấu giá 5 tác phẩm mỹ thuật. Phiên đấu giá đã không chỉ tôn vinh giá trị lao động, sự sáng tạo của tác giả, nghệ nhân cũng như các tác phẩm đỉnh cao mà còn mở lối cho việc phát triển thị trường mỹ thuật trong tương lai gần.
5 tác phẩm mỹ thuật trong phiên đấu giá vừa qua đã được khách hàng trả giá theo giá trị của từng tác phẩm, trong đó chóe Tứ linh làm bằng chất liệu gốm của nghệ nhân Phạm Anh Đạo được bán với giá hơn 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chiếc tủ thờ chất liệu gỗ gụ (niên đại cuối thế kỷ 19) thuộc sở hữu của họa sĩ Lê Thiết Cương được bán với giá 143 triệu đồng. Tranh sơn dầu Bên dòng sông Đỏ (sáng tác năm 2016) của họa sĩ Đào Hải Phong 150 triệu đồng, tranh sơn dầu Hạnh phúc (sáng tác năm 2015) của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ 65 triệu đồng và tranh sơn dầu, acrylic Tiên nữ vùng cao (sáng tác năm 2014) của họa sĩ Quách Đông Phương giá chốt là 95 triệu đồng.
Phiên đấu giá 5 tác phẩm này được giới chuyên gia đánh giá có nhiều ý nghĩa. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, việc đấu giá sẽ làm minh bạch hóa nguồn gốc tác phẩm, từ đó minh bạch hóa giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ được các giá trị văn hóa đích thực của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng quan trọng hơn cả, phiên đấu giá giúp kích thích sáng tạo nghệ thuật đích thực của các nghệ sĩ, từ đó tạo thêm cơ hội cho nghệ sĩ Việt vươn ra các sàn đấu giá quốc tế.