Hà Nội

Đấu giá mỏ đất tăng 31 lần nhưng không nộp hồ sơ đề nghị thăm dò

31-01-2024 09:47 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị, có một số doanh nghiệp đấu giá trúng mỏ đất làm vật liệu san lấp nhưng không nộp hồ sơ đề nghị thăm dò, khai thác, trong đó có trường hợp tăng 31 lần so với giá khởi điểm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn có 66 mỏ đất làm vật liệu san lấp được phê duyệt vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030 với tổng diện tích 948,11ha, tài nguyên dự báo 50,715 triệu m3.

Nguồn đất làm vật liệu san lấp hiện nay được huy động từ nguồn mỏ đã cấp phép, tận thu từ quá trình nạo vét lòng hồ thủy lợi và nguồn đất dôi dư do cân đối đào đắp của công trình, dự án.

Đấu giá mỏ đất tăng 31 lần nhưng không nộp hồ sơ đề nghị thăm dò- Ảnh 1.

Ngành chức năng Quảng Trị đề xuất hai giải pháp gỡ vướng thiếu đất san lấp.

Năm 2022, có 16 mỏ trúng đấu giá, trong đó có 10 mỏ đất làm vật liệu san lấp trúng đấu giá sản lượng khoảng 11,845 triệu m3 nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò.

Qua rà soát, tổng nhu cầu đất năm 2023 khoảng 4,22 triệu m3 tuy nhiên chỉ có thể cung cấp 0,83 triệu m3 đất làm vật liệu san lấp. Thực trạng này gây ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công cũng như tiến độ của dự án đang triển khai.

Đầu năm 2024, khi có thêm 5 mỏ được cấp phép, nếu không tính từ nguồn nạo vét lòng hồ và cân đối đào đắp, nguồn đất có thể cung cấp ngay từ 11 mỏ được cấp phép chỉ 1,371 triệu m3.

Liên quan đến khó khăn, vướng mắc về đất làm vật liệu san lấp, Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay các quy định về khoáng sản vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, nội dung có ở nhiều ngành khác nhau gây khó khăn trong quá trình triển khai công tác quản lý.

Một số doanh nghiệp đấu giá trúng mỏ đất làm vật liệu san lấp nhưng không nộp hồ sơ đề nghị thăm dò, khai thác mỏ (có 6/16 mỏ trúng đấu giá năm 2022), trong đó có trường hợp tăng 31 lần so với giá khởi điểm. Ngoài ra, một số mỏ đất đến giai đoạn trình thẩm định tiền trúng đấu giá lại dừng do khó khăn về nguồn tài chính…

"Thực tế hiện nay, trên diện tích quy hoạch các mỏ chủ yếu là đất sản xuất đã cấp cho người dân, trên đất đang có tài sản. Trong khi theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, đối với dự án khai thác mỏ không thuộc đối tượng thu hồi đất mà việc bồi thường theo hình thức thỏa thuận, nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng sau khi trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn", Sở TN&MT thông tin.

Để đáp ứng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp cho các dự án triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị giải pháp thực hiện việc khoanh định khu vực không đấu giá mỏ đất san lấp phục vụ các dự án phát triển hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện, khắc phục thiên tai và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, cho phép cải tạo mặt bằng đất ở, cải tạo đất nông nghiệp và tận dụng đất làm vật liệu san lấp.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, các đơn vị liên quan cần hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức khi làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác mỏ đất làm vật liệu xây dựng. Rút ngắn tối đa thời gian khi thẩm định cấp phép các thủ tục cũng như tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân tại khu vực có mỏ.

Chi tiết các mức bồi thường khi nhà nước thu hồi đấtChi tiết các mức bồi thường khi nhà nước thu hồi đất

SKĐS - Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điều khoản quy định về bồi thường thiệt hại về tài sản, chi phí đầu tư vào đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết sáng 31/1: Thời tiết chủ đạo ở miền Bắc trong Tết Nguyên đán là gì?


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn