Đấu giá đất vàng trụ sở các bộ, ngành khi di dời

29-09-2012 10:08 | Thời sự
google news

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng báo cáo Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các bộ, ngành tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030, trong đó Bộ Xây dựng đề xuất xem xét việc chuyển đổi công năng của các khu đất vàng xong rồi mới đem ra đấu giá đất một cách công khai.

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng báo cáo Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các bộ, ngành tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030, trong đó Bộ Xây dựng đề xuất xem xét việc chuyển đổi công năng của các khu đất vàng xong rồi mới đem ra đấu giá đất một cách công khai.
 
Đề xuất này được dự luận đánh giá như một biện pháp tích cực nhằm hạn chế tham nhũng trong chuyển nhượng đất đai và minh bạch hóa quy hoạch nội đô.

Tại sao chọn Tây Hồ Tây và Mễ Trì?

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sau khi phối hợp với UBND TP.Hà Nội và Bộ Tài chính rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống trụ sở làm việc của 36 cơ quan gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bô và một số cơ quan Trung ương, 2 địa điểm là Tây Hồ Tây và Mễ Trì đã được lựa chọn làm địa điểm xây dựng trụ sở mới. Sau một thời gian thực hiện, tới đây số lượng các bộ, ngành cần di dời trụ sở dự kiến khoảng 11 bộ, 5 cơ quan Trung ương thuộc các đoàn thể, 1 cơ quan thuộc Chính phủ.

Sở dĩ vị trí di dời được chọn là khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì, theo Bộ Xây dựng, là căn cứ trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, dự kiến quỹ đất xây dựng cần khoảng 3 - 5ha/trụ sở, tương đương 1.200 - 1.500 người/cơ quan theo quy mô số người làm việc của từng bộ và vị trí bố trí trụ sở mới. Đối với các cơ quan Trung ương các đoàn thể khoảng 1 - 2 ha/trụ sở. Tổng nhu cầu đất khoảng 45 - 50ha. Với nhu cầu như vậy, đối chiếu với khu vực Tây Hồ Tây, hiện tại khu vực này đang là đất nông nghiệp đô thị hóa, được quy hoạch trong đồ án quy hoạch chi tiết KĐT Tây Hồ Tây.

Tổng quỹ đất có thể khai thác vào mục đích xây dựng trụ sở khoảng 27ha, dự kiến xây dựng 8 trụ sở bộ ngành. “Đó là chưa tính đến khu vực này sẽ kết nối trực tiếp Hồ Tây ở phía Đông và công viên Hòa Bình ở phía Tây, chỉ cách trung tâm Ba Đình khoảng 4,5km” - lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết. Cũng theo Bộ này, trước mắt sẽ ưu tiên khu vực Tây Hồ Tây bố trí xây dựng trụ sở các bộ ngành có nhu cầu di dời trong giai đoạn 1 và có nhu cầu diện tích đất trung bình, gắn với lĩnh vực kinh tế tổng hợp và kinh tế ngành.
Trụ sở Bộ Xây dựng tại 37 Lê Đại Hành, HN.
Còn lựa chọn khu vực Mễ Trì do hiện tại khu vực này đang là đất cây xanh, được dự kiến thành khu công sở trong đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, với quỹ đất có thể khai thác vào mục đích xây dựng công sở khoảng 20 - 50ha. Trước mắt dự kiến xây dựng trụ sở 3 bộ và 5 cơ quan Trung ương các đoàn thể. Khi các trụ sở các cơ quan được chuyển về đây sẽ kết nối trực tiếp Trung tâm thể thao quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị quốc gia ở phía bắc và vành đai xanh sông Nhuệ ở phía Tây; cách trung tâm Ba Đình khoảng 8km.

Các trụ sở cũ sẽ xử lý như thế nào?

Đây là câu hỏi lâu nay thu hút được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của dư luận, đặc biệt với những trụ sở của các bộ, ngành nằm trong diện di dời nhưng đang tọa lạc trên những vị trí vàng, những tuyến phố chính trong nội đô. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, trong báo cáo Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các bộ, ngành tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030, những khu đất vàng này sẽ thực hiện quản lý, sử dụng, chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của TP.Hà Nội.

Cụ thể, đối với những công trình có giá trị về kiến trúc cần được thực hiện bảo tồn, hạn chế phá dỡ làm mất các giá trị, ưu tiêu sử dụng các công trình này cho các mục đích văn hóa. Đối với các trụ sở nằm ở các khu vực có cơ sở hạ tầng tốt, có vị trí xa trung tâm, cho phép chuyển đổi sang các mục đích thương mại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới.

Đặc biệt, các quỹ đất, công trình sau khi di dời sẽ được quản lý chung, một số sẽ giao cho Chính phủ quản lý, một số sẽ giao cho UBND thành phố Hà Nội quản lý, còn lại sẽ thực hiện để chuyển đổi chức năng, đấu giá, tạo nguồn vốn xây dựng chung cho các trụ sở mới. Việc chuyển đổi chức năng cụ thể của từng lô đất sẽ được UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể ở các bước tiếp theo, làm cơ sở cho công tác định giá cho thực hiện đấu giá công khai theo quy định pháp luật.

Theo Bộ Xây dựng, nguồn lực để xây trụ sở mới có nguồn vốn Nhà nước, nguồn vốn từ chuyển đổi các cơ sở cũ, thực hiện các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP và nguồn vốn xã hội hóa khác.


Theo Lao động


Ý kiến của bạn