Hà Nội

Đau dữ dội vùng thắt lưng, người đàn ông bất ngờ được phát hiện có 4 quả thận

22-03-2024 14:04 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Người đàn ông nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, nghi ngờ bị sỏi thận. Sau khi thăm khám các bác sĩ bất ngờ phát hiện người bệnh có 4 quả thận trong cơ thể.

Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, mới đây, một người đàn ông 35 tuổi (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng. Điều bất ngờ là sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện người bệnh có 4 quả thận trong cơ thể.

Đau dữ dội vùng thắt lưng, người đàn ông bất ngờ được phát hiện có 4 quả thận- Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu & Nam học - Bệnh viện E thăm khám cho bệnh nhân.

TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học - Bệnh viện E cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, bụng chướng, tiểu buốt, tiểu ra máu… Ngay lập tức, người bệnh được các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính và xác định người bệnh bị sỏi niệu quản phải 1/3 dưới (nằm ở vị trí đoạn nối của niệu quản khi vào tới bàng quang), sỏi kích thước xấp xỉ 9x7mm. 

Bất ngờ hơn, kết quả chụp CT các bác sĩ phát hiện người bệnh có thận niệu quản đôi hoàn toàn hai bên trái, phải và hai niệu quản riêng biệt đều cắm xuống bàng quang. Người bệnh có bất thường về giải phẫu hệ tiết niệu, có nhiều đơn vị thận hơn bình thường là một trong những nguyên nhân hình thành sỏi thận.

Khai thác tiền sử bệnh án, do tính chất công việc người bệnh thường xuyên phải uống rượu bia, nhưng mỗi lần uống rượu thì người bệnh đau quặn từng cơn, thậm chí tiểu ra máu nên đã tự mua thuốc điều trị tại nhà. Gần đây, các triệu chứng đau do sỏi thận ngày càng tăng và dữ dội hơn, người bệnh đã đến Bệnh viện E để thăm khám và điều trị. 

Đau dữ dội vùng thắt lưng, người đàn ông bất ngờ được phát hiện có 4 quả thận- Ảnh 2.

Hình ảnh bất thường về giải phẫu hệ tiết niệu của người bệnh.

Về việc “sở hữu” 4 quả thận trong cơ thể, người bệnh cho biết, mới chỉ phát hiện điều này cách đây… 7 năm trước. Khi con gái anh chào đời và được các bác sĩ phải hiện ra sự bất thường trong cơ thể khi có 3 quả thận và 2 bàng quang (một bàng quang lớn và 1 bàng quang nhỏ). Các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ 1 bàng quang nhỏ cho con gái khi được 18 tháng tuổi, cấu tạo lại hệ tiết niệu cho con. Đồng thời, các bác sĩ khuyên mọi người trong gia đình tầm soát hệ tiết niệu thì phát hiện anh bất thường khi có tận 4 quả thận trong cơ thể. 

Đây là dị tật bẩm sinh hiếm và là do mầm niệu quản bên trái phát triển bất thường trong lúc bào thai hình thành và phát triển. Bình thường mầm niệu quản phát triển thành một quả thận và người bình thường chỉ có hai quả thận. Tuy nhiên có một số ít người, một mầm niệu quản thay vì phát triển thành hai quả thận lại phát triển thành 4 quả thận như trường hợp của người bệnh này là cực kỳ hiếm gặp. Đến nay y văn thế giới ghi nhận chưa nhiều. Rất may cho người bệnh là 4 quả thận và 2 niệu quản riêng biệt đều cắm đúng vị trí bàng quang nên loại trừ được nhiều biến chứng nguy hiểm khác trong cơ thể.

TS.BS Nguyễn Đình Liên chia sẻ, cái khó của ca bệnh này chính là do người bệnh có nhiều thận hơn so với người bình thường, bị sỏi thận và tự điều trị khá lâu nhưng không hiệu quả nên hình thành viêm, phù nề ở vị trí lỗ niệu quản. Người bệnh có 4 lỗ niệu quản, 2 lỗ niệu quản phải và 2 lỗ niệu quản trái, trong đó lỗ niệu quản phải của đơn vị thận dưới đổ gần cổ bàng quang, lỗ niệu quản trái của đơn vị thận trái viêm phù nề nhiều, gây khó khăn cho các bác sĩ khi tìm lỗ niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi.

Do đó, các bác sĩ lựa chọn phương án can thiệp bằng phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản – sỏi thận bằng laser.  Đây là kỹ thuật sử dụng ống soi đi từ vùng niệu đạo, qua bàng quang và lên niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Sau đó sử dụng năng lượng khí nén hoặc laser để phá vỡ viên sỏi và bơm rửa và gắp để lấy hết vụn sỏi ra ngoài.

Phương pháp này có những ưu điểm vượt trội như: ít xâm lấn, bảo vệ chức năng thận. Quá trình chữa trị bệnh nhân ít cảm thấy đau đớn, phục hồi nhanh chóng, không để lại sẹo sau phẫu thuật. Các bác sĩ đã đặt 3 ống niệu quản 2 bên giúp làm giảm nguy cơ tắc nghẽn niệu quản, giảm biến chứng rò nước tiểu và hẹp niệu quản sau phẫu thuật.

Sau mổ, các bác sĩ lấy mẫu bệnh sỏi của người bệnh để tiến hành giải phẫu, nhằm đưa ra phương án điều trị tiếp theo người bệnh, hạn chế nguy cơ hình thành sỏi. 

Theo Trưởng Khoa phẫu thuật Tiết niệu và Nam học, BV E, một người có nhiều quả thận hơn so với người bình thường, có nguy cơ hình thành sỏi. Đặc biệt đối với một số người có cấu tạo bất thường về giải phẫu cơ thể bẩm sinh khiến họ có những khác biệt về các bộ phận bên trong cơ thể mà nhìn bên ngoài không thể phát hiện được, chỉ khi khám sức khỏe, làm các cận lâm sàng mới phát hiện ra. Trường hợp nam người bệnh trên là một trong những trường hợp rất hiếm, thường đi kèm với các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe, trong đó có hình thành sỏi thận. Khi những viên sỏi càng lớn gây tắc nghẽn đường tiết niệu, làm cho chức năng thận suy giảm, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm thì dễ gây ra suy thận. 

Những biến chứng sỏi thận thường là: viêm, nhiễm trùng đường tiểu, tắc đường tiểu, suy thận cấp, suy thận mãn tính và nguy hiểm hơn là vỡ thận. Trong trường hợp bất thường của đơn vị niệu quản thận phụ, đơn vị thận trên cắm vào vị trí ngoài tam giác cổ bàng quang. Có trường hợp sẽ gây hỏng thận ngay trong bào thai hoặc phát hiện muộn. Nếu ở nữ giới, đường niệu quản cắm vào âm đạo gây rỉ tiểu liên tục, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, công việc; nếu ở nam giới có thể cắm vào tuyến tiền liệt niệu đạo gây ra nhiễm trùng gây hỏng đơn vị thận…

TS.BS Nguyễn Đình Liên khuyến cáo, người bệnh sau khi mổ cần chế độ ăn dễ tiêu hóa để tránh táo bón, nên ăn nhiều rau củ quả trái cây tươi, uống nhiều nước, tuyệt đối không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn; tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ; không nên nằm quá nhiều, đi lại nhẹ nhàng, không nâng, kéo, vận động mạnh trong thời gian phục hồi; tái khám theo đúng thời gian chỉ định của bác sĩ và để kiểm soát khả năng tái phát sỏi trong tương lai.

TS Liên khuyến cáo, việc kịp thời nhận ra các bất thường trong cơ thể góp phần hỗ trợ rất lớn trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau xuất hiện ở thắt lưng lan ra trước xuống bụng dưới, vùng bẹn bìu và mặt trong đùi, cơn đau thường xuất hiện đột ngột sau chơi thể thao hoặc lao động nặng; sốt và ớn lạnh; buồn nôn hoặc nôn; rối loạn đi tiểu như: tiểu thường xuyên hơn so với bình thường, nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu, nước tiểu đục có mùi hôi… người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Người bị sỏi thận nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?Người bị sỏi thận nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

SKĐS - Sỏi thận là căn bệnh phổ biến gây ra những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng thắt lưng vô cùng khó chịu và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Uống không đủ nước là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến hình thành sỏi thận.


T.Xuân
Ý kiến của bạn