Đau đớn ung thư vú tiến triển thành giai đoạn cuối chỉ vì e ngại điều này

21-02-2022 11:38 | Y tế
google news

SKĐS - Người phụ nữ 45 tuổi đau đớn nhận kết quả ung thư vú giai đoạn cuối, di căn hạch, xương... chỉ vài tháng sau khi tự sờ thấy u vú. Chị ân hận đã bỏ lỡ cơ hội điều trị vì e ngại dịch bệnh.

Xu hướng trẻ hóa rõ nét, ung thư vú có ở cả phụ nữ trẻ chưa có gia đình

Sau Tết dương, chị P.D (33 tuổi, ở Hà Nội) tình cờ phát hiện khối u vú bên phải khoảng 1,5 cm dù không đau, không chảy dịch bất thường núm vú.

Lo lắng, chị đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai. Giữa tháng 1, chị được chỉ định nhập viện vào Khoa Phẫu thuật lồng ngực & Mạch máu.

Chị P.D chưa lập gia đình, chưa sinh con và chưa phát hiện bệnh lý tuyến vú trước đó. Trong gia đình chị cũng không có ai mắc bệnh ung thư vú.

BSCKII Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực - Bệnh viện Bạch Mai, cho hay quá trình khám vú của chị cho thấy vú phải cân đối, vị trí 9 giờ, cách núm vú 1,5cm có khối u kích thước 2cm, chắc, còn di động so với thành ngực chưa xâm lấn da ngực, màu sắc da vùng khối u không biến đổi.

Hàng loạt biện pháp khám cận lâm sàng như chụp X-quang tuyến vú (mammography), siêu âm, chụp cộng hưởng từ... được tiến hành. Bác sĩ nghi ngờ chị có tổn thương ác tính. Chị cũng được sinh thiết 2 vị trí vú phải (loại trừ u đa ổ) và 1 vị trí vú trái.

Đau đớn ung thư vú tiến triển thành giai đoạn cuối chỉ vì e ngại điều này  - Ảnh 1.

Thăm khám vú cho bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh minh hoạ

Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy chị có u vú phải vị trí 9 giờ, kết luận ung thư biểu mô xâm nhập, típ NST độ II. Vú trái chị có u xơ lành tính.

Sau khi có chẩn đoán xác định cuối cùng, các bác sĩ hội chẩn Hội đồng ung thư vú của Bệnh viện Bạch Mai, đưa ra phác đồ điều trị và giải thích kỹ cho bệnh nhân cùng gia đình.

Ca phẫu thuật ung thư được tiến hành. Nữ bệnh nhân 33 tuổi được cắt tuyến vú bảo tồn quầng núm vú, có sinh thiết tức thì tổ chức sau núm vú để đảm bảo không có tế bào ung thư ở diện cắt núm vú. Chị cũng được tái tạo, tạo hình cùng thì bên phải bằng vạt da cơ lưng rộng bên phải. Khi ổn định sau cuộc phẫu thuật, chị sẽ tiếp tục được điều trị nội khoa như hóa chất, nội tiết…

Phẫu thuật điều trị ung thư là phương pháp quan trọng, tuy nhiên nhu cầu tái tạo và tạo hình của bệnh nhân là một nhu cầu chính đáng ở những bệnh nhân trẻ để đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai loại ung thư phổ biến gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Theo Tổ chức ghi nhận ung thư thế giới (GLOBOCAN) 2020, hàng năm, trên thế giới có hơn 2,2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú; khoảng người 680.000 người tử vong vì bệnh này.

Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới với hơn 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong.

Ung thư vú là một trong số các loại ung thư có khả năng sàng lọc phát hiện từ giai đoạn rất sớm. Nếu phát hiện sớm, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh này rất cao. Ngược lại nếu chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn muộn thì việc điều trị sẽ khó khăn, chi phí điều trị cao và hiệu quả sẽ thấp hơn nhiều.

Theo các bác sĩ, ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa, cả ở những phụ nữ trẻ chưa có gia đình.

E ngại dịch bệnh, nhiều người mắc ung thư vú bỏ lỡ cơ hội được sống lâu

PGS.TS Phạm Cẩm Phương- Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú được thực hiện rất nhanh chóng và với chi phí sàng lọc rất thấp.

Người bệnh được sàng lọc bằng phương pháp cơ bản qua thăm khám lâm sàng, siêu âm vú, chụp Xquang tuyến vú và kết hợp xét nghiệm tế bào học, sinh thiết kim nhỏ. Thông thường thời gian tiến hành sàng lọc cơ bản sẽ có kết quả trong vòng 1- 2 giờ.

Tuy nhiên, BS Phương cũng cho biết gần đây, Trung tâm ghi nhận có nhiều người bệnh vì e ngại dịch COVID-19 nên đến khám và phát hiện ung thư vú khi bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn.

Điển hình như bệnh nhân T.O, 45 tuổi, quê ở Hải Dương. Đầu năm 2021, chị tự sờ thấy có u ở vú phải nhưng đến tháng 6/2021 chị mới đi khám tại Bệnh viện K. Tại đây bệnh nhân được khám và chẩn đoán ung thư vú phải di căn hạch nách phải, giai đoạn 3a. Do e ngại dịch bệnh và điều kiện gia đình, bệnh nhân trì hoãn không đi khám, điều trị.

Đến tháng 1/2022 bệnh nhân thấy u vú phải, vùng nách phải sưng to nhiều, đau vùng vú, nách phải, cột sống. Chị đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai.

Sau khi thăm khám lâm sàng, xét nghiệm đánh giá, siêu âm, Xquang, chụp PET/CT toàn thân... bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú phải đã tiến triển thành giai đoạn 4 (giai đoạn cuối), di căn hạch nách phải, xương (di căn xa).

Ở giai đoạn bệnh này chị sẽ được điều trị bằng hóa trị toàn thân trước và đánh giá sau các liệu trình để quyết định phương pháp điều trị tiếp theo.

Để thích ứng với tình hình dịch COVID-19 và đảm bảo việc khám sàng lọc, chẩn đoán sớm, tiếp nhận điều trị người bệnh ung thư kịp thời, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai khẳng định luôn đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch theo qui định. Trung tâm tiến hành khám, tiếp nhận người dân đến khám và điều trị 24/7.

Người dân khi đi khám bệnh cần thực hiện đầy đủ biện pháp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Đặng Trần Thủy Tiên, ‘nữ sinh trường K’ chiến thắng ung thư vú thế nào?Đặng Trần Thủy Tiên, ‘nữ sinh trường K’ chiến thắng ung thư vú thế nào?

SKĐS - Đặng Trần Thủy Tiên, nhân vật của chương trình ‘Trạm yêu thương’ sẽ kể về hành trình chiến đấu và chiến thắng căn bệnh ung thư của chính mình tới khán giả.



Võ Thu
Ý kiến của bạn