Phạm Tuấn Kiệt (Đà Nẵng)
Đau là một trong những cảm giác khó chịu nhất của người bị bệnh trĩ. Nguyên nhân gây đau là do cơ vòng co thắt mạnh làm cho các tổ chức viêm của hậu môn, các tổ chức tổn thương bị co bóp, đè ép mạnh nên gây ra đau điển hình và do hậu môn bị viêm mạnh. Người bệnh thường đau khi ngồi, có người thấy đau cồm cộm, hoặc đau không thể ngồi được mà phải ngồi lệch một bên mông.
Có một số loại thuốc dùng để giảm đau ở những bệnh nhân này như: Thuốc giãn cơ vòng hậu môn (có tác dụng làm giãn cơ vòng, giảm co thắt, do đó các tổ chức tổn thương không bị đè ép và giảm ngay cơn đau), thuốc phong bế thần kinh (hậu môn trực tràng là nơi rất giàu đầu mút của các sợi thần kinh cảm giác như cảm giác đau, cảm giác nóng, cảm giác lạnh và thuốc có tác dụng phong bế các đầu mút này, không cho chúng truyền cảm giác đau về thần kinh trung ương), thuốc chống viêm (có tác dụng giảm đau gián tiếp thông qua tác dụng chống viêm)... Các loại thuốc này có thể được sản xuất dưới dạng thuốc mỡ hay thuốc đạn nên cần chú ý cách dùng đúng với mỗi loại.
Với thuốc mỡ bôi ngoài, cần vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ bằng nước muối ấm pha loãng và lau khô nhẹ bằng khăn sạch, sau đó thoa một lượng thuốc vừa đủ, tránh bôi quá nhiều có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Với thuốc đạn, nên dùng loại thuốc được đóng hộp, ghi rõ công dụng kèm theo, đặt thuốc đạn từ cửa hậu môn vào trong hậu môn khi bị đau.
Tuy nhiên, các loại thuốc dùng ngoài này chỉ có tác dụng tại chỗ, làm giảm đau chứ không có tác dụng chữa khỏi bệnh, do đó, bạn nên đi khám tại chuyên khoa tiêu hóa để xác định mức độ bệnh và có biện pháp cũng như dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh cụ thể.
BS. Nguyễn Hải Liên