Hà Nội

Đau đến tê bì, đi lại càng đau, người đàn ông được chẩn đoán tắc động mạch chi

04-04-2023 21:13 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, thấy chân có dấu hiệu đau nhiều, cứ đi lại vài bước là đau, ngồi thì đỡ nên người đàn ông 62 tuổi đến bệnh viện khám bệnh và bất ngờ khi biết mình mắc bệnh này.

Thông tin từ BV đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận từ bệnh viện tuyến dưới nam bệnh nhân P.V.T (62 tuổi, ở Hùng Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang) trong tình trạng đau cẳng chân trái; tê bì nhiều; da khô, tái lạnh; đau nhiều và bầm tím bàn chân, ngón chân khi đi lại. 

Theo lời người nhà kể, người bệnh có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm và đã phát hiện tắc động mạch chậu đùi trái cách đây hơn 01 năm. Dạo gần đây, thấy chân có dấu hiệu đau nhiều, cứ đi lại vài bước là đau, ngồi thì đỡ nên ông T.  đến bệnh viện tuyến dưới khám và được chuyển xuống bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị.

Đau đến tê bì, đi lại càng đau, người đàn ông ngã ngửa khi biết mình bị tắc động mạch chi - Ảnh 1.

BsCKII Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình- Bỏng kiểm tra mạch chân của người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh BVCC

Sau khi nhập viện vào khoa Ngoại lồng ngực –Chỉnh hình- Bỏng, người bệnh được thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả siêu âm doppler mạch máu phát hiện bệnh nhân tắc động mạch chậu đùi trái, tắc động mạch khoeo chân trái, khả năng cấp máu bàn chân trái giảm nặng.

Người bệnh được chẩn đoán tắc động mạch chậu đùi trái mãn tính và tắc động mạch khoeo trái bán cấp tính. Các bác sĩ đã cân nhắc giai đoạn bệnh với tình trạng hiện tại của người bệnh và thống nhất phương pháp điều trị tối ưu nhất là phẫu thuật bắc cầu động mạch đùi- đùi bằng đoạn mạch nhân tạo, mở động mạch khoeo lấy huyết khối. 

Kíp phẫu thuật do Bs.CKII Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực CH-Bỏng; Ths Đỗ Văn Dũng, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức cùng các cộng sự thực hiện. Sau 90 phút, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. 

Chỉ sau 12 giờ phẫu thuật, tình trạng đau của bệnh nhân được cải thiện, hết cảm giác tê, sờ bàn chân, ngón chân ấm, mạch chân trái bắt rõ hơn, tình trạng tưới máu cẳng bàn chân trái được lưu thông. Hiện tại, 10 ngày sau phẫu thuật, người bệnh đã ổn định và được xuất viện về nhà. 

Đau đến tê bì, đi lại càng đau, người đàn ông ngã ngửa khi biết mình bị tắc động mạch chi - Ảnh 2.

Hình ảnh tắc động mạch trên phim chụp.

Ngày nay, bệnh động mạch chi dưới mạn tính và các biến chứng của nó rất hay gặp. Dù bệnh ít gây tử vong nhưng nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, làm việc và lao động của người bệnh, thậm chí khiến người bệnh trở thành tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh, trong đó điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật bắc cầu nối động mạch đùi- đùi có vai trò đáng kể trong phục hồi lưu thông mạch máu chi dưới, giúp người bệnh cải thiện đau ngay sau phẫu thuật. 

Theo Bs.CKII Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Chỉnh hình - Bỏng cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu của bệnh động mạch chi dưới là do vữa xơ động mạch. Các yếu tố nguy cơ chính của vữa xơ động mạch là hút thuốc lá thuốc lào, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng huyết áp và tăng homocystein máu. Tuổi bệnh nhân càng cao thì nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới càng cao. Khi tình trạng thiếu máu chi không được giải quyết sẽ dẫn đến teo cơ, loét và hoại tử chi, lan dần từ ngọn chi đến gốc chi. Hậu quả cuối cùng là phải phẫu thuật cắt bỏ phần chi hoại tử."

Qua đây, bệnh viện cũng khuyến cáo: Người dân khi thấy chân có dấu hiệu đau, tê, đau nhiều khi đi lại, bầm tím đầu ngón chân và bàn chân,…hạn chế vận động, nên nghĩ đến bệnh lý hẹp tắc động mạch chi dưới và cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.

Chỉ đi 200m đã đau bắp chân "không chịu nổi", coi chừng bị tắc động mạch chi dướiChỉ đi 200m đã đau bắp chân 'không chịu nổi', coi chừng bị tắc động mạch chi dưới

SKĐS - Ban đầu bệnh nhân có thể xuất hiện đau khi đi khoảng 1.000m, nhưng càng về sau, có thể chỉ đi 200m đã đau hoặc ngắn hơn, thậm chí đau cả khi không đi lại, đau khi nghỉ ngơi. Hiện nay, đa số người bệnh đến khám tắc động mạch chi dưới khi đã ở giai đoạn muộn


Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn