1. Đau đầu trong kỳ kinh nguyệt do đâu?
Đau đầu trong kỳ kinh nguyệt là một dạng đau đầu khá phổ biến. BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng cho biết, một số nguyên nhân chính dẫn đến chứng đau đầu trong kỳ kinh nguyệt bao gồm:
- Do thiếu máu não: Khi hành kinh, phụ nữ thường mất nhiều máu và không được bù đắp kịp thời. Ngoài ra trạng thái mệt mỏi, căng thẳng trong những ngày này cũng khiến các mạch máu bị co thắt, dẫn đến lượng máu lên não bị suy giảm.
- Do sụt giảm estrogen đột ngột: Trong thời kỳ kinh nguyệt, nồng độ các hormone estrogen và progesterone trong cơ thể thay đổi đột ngột, dẫn đến rối loạn co thắt mạch máu não, chèn ép các dây thần kinh sọ não, gây ra cơn đau đầu.
Đau đầu trong kỳ kinh nguyệt là một dạng đau đầu khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
2. Các thuốc giảm đau đầu trong kỳ kinh nguyệt
BS Nguyễn Huy Hoàng cho hay, đau đầu trong kỳ kinh nguyệt có thể từ nhẹ đến dữ dội, gây ra cảm giác đau âm ỉ, dai dẳng hoặc đau nhói từng cơn. Dưới đây là một số loại thuốc có thể được sử dụng để khắc phục tình trạng đau đầu trong kỳ kinh nguyệt:
Điều trị triệu chứng:
- Bổ sung các loại vitamin B2, coenzyme Q10 và magiê có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn đau đầu.
- NSAIDs (ibuprofen, ketoprofen, naproxen) và paracetamol có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng đau đầu trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài tác dụng nói trên, các thuốc này còn giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả. Lưu ý một số thuốc nhóm này có thể làm tăng tình trạng xuất huyết, gây rong kinh, cường kinh.
- Triptans (sumatriptan) có tác dụng giảm đau nhờ vào cơ chế ức chế các tín hiệu từ trong não bộ. Để thuốc phát huy tác dụng tốt, nên dùng thuốc kịp thời khi mức độ đau đầu còn nhẹ.
Điều trị nguyên nhân:
Với các loại thuốc phải kê đơn, người dân không được tự ý mua thuốc khi chưa có đơn thuốc của bác sĩ.
Với các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), cần đảm bảo tuân thủ đúng liều lượng, tránh lạm dụng dẫn đến phản tác dụng, thậm chí ngộ độc thuốc.
- Liệu pháp hormone: Bổ sung estrogen giúp khắc phục tình trạng giảm hormon đột ngột, có thể giúp bạn tránh cơn đau đầu. Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc này phải có hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn đang dùng thuốc tránh thai hàng ngày, việc bỏ qua tuần dùng giả dược cũng có thể giúp cân bằng lượng hormone và cải thiện chứng đau đầu do kinh nguyệt.
- Bổ sung sắt và vitamin B12, acid folic giúp cải thiện tình trạng thiếu máu, từ đó giảm bớt hiện tượng đau đầu.
- Nhóm thuốc tăng tuần hoàn máu não: Piracetam, vinpocetin... có tác dụng tăng cường vi tuần hoàn máu não, tăng cường chuyển hóa và bảo vệ các tế bào thần kinh, giúp giảm đau đầu do thiếu máu não. Ngoài ra, có thể sử dụng các thảo dược như ginkgo biloba từ lá cây bạch quả, saponin trong rễ đinh lăng...
Chú ý tuân thủ đúng liều lượng cho phép khi sử dụng các loại thuốc giảm đau.
3. Cách khắc phục đau đầu trong kỳ kinh nguyệt không dùng thuốc
Cùng với các loại thuốc điều trị nói trên, một số biện pháp dưới đây có thể làm giảm cơn đau đầu trong kỳ kinh nguyệt:
- Ăn uống đủ chất: Trong những ngày "đèn đỏ", cơ thể mất nhiều máu, ăn uống không đủ chất dễ gây ra hiện tượng đau đầu, chóng mặt. Do đó, nên xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe nói chung và giảm đau đầu trong kỳ kinh nguyệt nói riêng.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, giảm mức độ căng thẳng: Thiếu ngủ, tinh thần căng thẳng đều có liên quan đến việc kích hoạt cơn đau đầu trong kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, chị em cần chú ý đến thói quen sinh hoạt của mình bằng cách điều chỉnh giờ đi ngủ, vệ sinh giấc ngủ để ngủ ngon và sâu giấc hơn.
- Vận động nhẹ nhàng: Các bài tập như thiền, yoga và hít thở sâu có thể giúp giãn cơ, thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng và cải thiện chứng đau đầu trong kỳ kinh nguyệt.
- Chườm nóng: Sử dụng khăn ấm, chườm lên trán, thái dương có thể làm giảm và kiểm soát cơn đau đầu.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Những khác lạ thú vị về ham muốn tình dục ở nam và nữ - SKĐS