Bệnh nhân Văn Thanh T. 73 tuổi, theo lời kể, khoảng cuối năm 2018, bệnh nhân xuất hiện khối u vùng hốc mắt phải gây đau đầu, sụp mi, giảm thị lực. U phát triển ngày càng nhanh gây đau đớn, khó chịu nên bệnh nhân đã đi khám và theo chẩn đoán của bác sĩ bệnh nhân bị u có độ ác tính cao, khả năng điều trị rất phức tạp và khó khăn.
Bệnh nhân cũng đi điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng không hề thuyên giảm, sau đó bệnh nhân được người nhà đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện TWQĐ 108.
Theo các bác sĩ, khi nhập BV TWQĐ 108, bệnh nhân trong tình trạng luôn đau đầu vùng trán phải, mắt phải sụp mi hoàn toàn, thị lực rất kém không nhìn được. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được hội chẩn viện với sự tham gia của các chuyên ngành: mặt hàm, ngoại thần kinh, tai mũi họng, mắt, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh và các bác sĩ viện ung thư của Bv TƯ QĐ 108.
Theo Bs.CK1 Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Xạ trị, xạ phẫu, BV TW QĐ 108, Kết quả hội chẩn đều thống nhất bệnh nhân T. mắc ung thư biểu mô vảy xoang sàng, trán phải, khối u phát triển nhanh, độ ác tính cao, u đã xâm lấn màng não, nền sọ, nhãn cầu, xoang hàm bên phải, giai đoạn cT4N0M0.
Hình ảnh CT của bệnh nhân cho thấy Khối u có đáp ứng gần hoàn toàn (giảm trên 90% kích thước).
Do vậy, khả năng phẫu thuật sẽ ít hiệu quả, nguy cơ rủi ro cao, vì vậy bệnh nhân được chỉ định phác đồ hóa-xạ trị đồng thời sử dụng kỹ thuật xạ trị cung điều biến thể tích (VMAT) tại khoa Xạ trị - xạ phẫu. "Đây là hệ thống xạ trị - xạ phẫu tiên tiến cho phép điều trị các ca bệnh ung thư khó và phức tạp với hiệu quả cao và tác dụng phụ tối thiểu", BS Anh Tuấn nhấn mạnh.
Xạ trị cung điều biến thể tích (VMAT) là một trong những kỹ thuật xạ trị tốt hiện nay cho các khối u vùng đầu mặt cổ. Kỹ thuật VMAT nổi bật với các ưu điểm thời gian điều trị nhanh hơn xạ trị thông thường, tập trung liều cao tại khối u đồng thời giảm liều tối thiểu cho các cơ quan lành xung quanh, từ đó giúp giảm các tác dụng phụ do xạ trị.
Sau 1 đợt xạ trị khối u đã nhỏ lại rất nhanh, các triệu chứng cải thiện rõ rệt. Sau đợt 2 kết quả trên hình ảnh CT của bệnh nhân cho thấy Khối u có đáp ứng gần hoàn toàn (giảm trên 90% kích thước), bệnh nhân không còn đau đầu, mắt phải hết sụp mi, thị lực được hồi phục.
Cho đến hiện tại, bệnh nhân đã được ra viện, trở lại cuộc sống thường ngày, tiếp tục theo dõi tái khám định kỳ.
Các khối u mũi và xoang là các khối u có thể lành tính hoặc ác tính (ung thư) xảy ra trong mũi xoang. Ung thư ở khoang mũi hoặc các khối u ở xoang rất hiếm gặp. Hầu hết các loại khối u mũi xoang (60 - 70%) xảy ra trong các xoang hàm trên, chỉ có khoảng 20 - 30% trong khoang mũi và từ 10 - 15% trong các xoang sàng. Ung thư trong các xoang bướm hoặc trán là cực kỳ hiếm, chỉ chiếm 5%.
Nam giới có nhiều khả năng bị ung thư xoang hơn phụ nữ. Độ tuổi phổ biến nhất mắc bệnh là 50 và 60. Hút thuốc lá và khói thuốc lá là một yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ung thư mũi xoang, cũng giống như các ung thư khác của đường hô hấp. Tiếp xúc với bụi từ da, gỗ hoặc vải dệt, cũng như hơi formaldehyde, dung môi, niken, crôm, cồn và radium làm tăng nguy cơ ung thư mũi xoang. Tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là tránh hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư mũi xoang.