Đau đầu sau mắc COVID-19, chữa thế nào?

07-03-2022 06:18 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đau đầu là một triệu chứng phổ biến sau khi mắc COVID-19. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng... Dùng thuốc trong trường hợp này như thế nào?

1. Những giải pháp phòng ngừa đau đầu

Có nhiều nguyên nhân phổ biến gây ra đau đầu. Nếu bạn đang đau đầu sau COVID-19, những nguyên nhân dưới đây có thể làm trầm trọng thêm chứng đau đầu của bạn.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau đầu phổ biến và cách giải quyết tại nhà:

• Ngủ kém: Đảm bảo ngủ ít nhất 7-9 giờ mỗi đêm. Ngủ không đủ giấc có thể khiến tâm trạng xấu đi và khó đối phó với các tác nhân gây căng thẳng.

Không nên dùng caffeine (uống trà, cà phê) muộn hơn đầu giờ chiều vì điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng đi vào giấc ngủ.

Mất nước: Uống không đủ chất lỏng sẽ làm trầm trọng thêm chứng đau đầu và ảnh hưởng đến sự tập trung. Nếu nước tiểu của bạn có màu vàng sẫm hoặc nếu miệng và môi khô, điều này có nghĩa là bạn không uống đủ chất lỏng.

• Căng thẳng: Có nhiều cách để giải quyết căng thẳng, bao gồm cả việc thường xuyên tập thể dục, dành thời gian cho các hoạt động mình yêu thích, kết nối với những người khác cũng là một giải pháp tốt để giảm căng thẳng.

Nếu căng thẳng nghiêm trọng hoặc không thể quản lý được tình trạng này, cần trao đổi với bác sĩ (hoặc đi khám) để được tư vấn, trị liệu thích hợp.

• Dinh dưỡng không đầy đủ: Bỏ bữa hoặc ăn không đủ dinh dưỡng có thể làm trầm trọng thêm chứng đau đầu. Đảm bảo rằng bạn đang ăn ba bữa mỗi ngày và chế độ ăn uống được cân bằng.

Tránh các tác nhân gây đau đầu như sô cô la, rượu và khói thuốc lá…

photo-1646551827638

Một số người sau mắc COVID-19 vẫn bị đau đầu dai dẳng.

2. Giảm đau đầu bằng thuốc

Đau đầu thường có thể được điều trị tại nhà.

Các biện pháp bạn có thể thực hiện bao gồm:

  • Nghỉ ngơi trong phòng tối và nhắm mắt lại
  • Chườm lạnh lên trán
  • Dùng thuốc không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen… (miễn là bạn không có bất kỳ bệnh lý hoặc dị ứng nào, đảm bảo việc dùng những loại thuốc này là an toàn).
photo-1646551831842

Dùng đúng liều lượng khuyến cáo để tránh quá liều gây độc.

2.1 Acetaminophen (Tylenol) dùng trị đau đầu

Acetaminophen còn có tên là paracetamol, là loại thuốc thường được lựa chọn đầu tiên trong điều trị đau đầu, đặc biệt là đau đầu do căng thẳng. Hoạt chất này được sản xuất dưới nhiều tên gọi khác nhau. Cần đọc kỹ thành phần của thuốc để đảm bảo dùng đúng liều khuyến cáo.

Không sử dụng quá liều, vì dùng quá nhiều acetaminophen có thể dẫn đến tổn thương gan, có thể gây tử vong.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc gan do acetaminophen bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy
  • Đổ mồ hôi
  • Đau bụng
  • Hôn mê

2.2 Ibuprofen

Là loại thuốc chống viêm không steroid hay NSAID quen thuộc có hiệu quả đối với một số chứng đau đầu. Đối với người lớn bị đau đầu từ nhẹ đến trung bình, dùng 200 mg ibuprofen sau mỗi bốn đến sáu giờ có thể hữu ích.

Ibuprofen có liên quan đến các tác dụng phụ từ phổ biến và nhẹ đến có thể nghiêm trọng.

Các tác dụng phụ tiềm ẩn của ibuprofen bao gồm:

  • Táo bón
  • Tiêu chảy…

Các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Phản ứng dị ứng (phát ban, ngứa, mụn nước, phát ban)
  • Sưng ở bụng, mặt hoặc ở những nơi khác
  • Khó thở
  • Chảy máu tiêu hóa

Những rủi ro này tăng lên ở liều cao hơn, đó là lý do tại sao người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ dẫn là rất quan trọng.

3. Khi nào cần đi khám?

Nếu cơn đau đầu trở nên thường xuyên và tồi tệ hơn, hãy đi khám để được điều trị thích hợp.

Nếu đau đầu của bạn nghiêm trọng hoặc không thể chịu đựng được hoặc nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức:

  • Sốt
  • Sụt cân không giải thích được
  • Các triệu chứng thần kinh như tê, ngứa ran, nói lắp, giảm thị lực…
  • Cảm thấy yếu và mất cân bằng…

Mời độc giả xem thêm video:

Tiếp xúc gần F0, vì sao nhiều người vẫn 'miễn nhiễm' với COVID-19

DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn