Đau đầu là cảm giác đau vùng mặt và vùng đầu, các ghi nhận cho thấy có khoảng 90% nam giới và 95% nữ giới bị đau đầu ít nhất một lần trong năm.
1.Nguyên nhân gây tình trạng đau đầu
Mặc dù nhiều người đau đầu thường xuyên nhưng không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân đau đầu và nghĩ rất đơn giản là do thời tiết. Tuy vậy, đau đầu có thể do các nguyên nhân như đau đầu căng thẳng, đau đầu Migraine, đau đầu từng cụm...Các nguyên nhân đau đầu nguy hiểm cũng có thể xảy ra, đó là do xuất huyết não, xuất huyết dưới nhện, u não…
Đau đầu được chia thành hai loại:
- Đau đầu không phải bệnh lý: đau đầu căng thẳng, đau đầu Migraine, đau đầu từng cụm, đau đầu khi gắng sức, đau đầu khi ho, đau đầu sau quan hệ tình dục...
- Đau đầu do bệnh lý: đau do chấn thương, bệnh lý mạch máu vùng sọ và cổ (ví dụ: xuất huyết não, xuất huyết dưới nhện...), bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, tăng huyết áp, bệnh lý vùng xoang, mắt và tai mũi họng, bệnh lý dây thần kinh sinh ba, viêm động mạch thái dương...
2. Biểu hiện đau đầu
Tùy theo tính chất của cơn đau đầu
- Đối với cơn đau đầu mới khởi phát hoặc khác biệt rõ ràng với những lần đau đầu trước đây thường là triệu chứng của bệnh nghiêm trọng và cần được đánh giá nhanh chóng.
+ Đau đầu dữ dội: Sự khởi phát đột ngột của "cơn đau đầu dữ dội nhất mà bệnh nhân từng gặp trong đời" có thể là do xuất huyết dưới nhện.
+ Đau đầu lan tỏa với cứng cổ và sốt (viêm màng não)
+ Đau đầu tập trung một mắt (Glaucoma cấp) là một ví dụ nổi bật.
Ngoài ra, đau đầu cấp tính cũng có thể đi kèm với các bệnh lành tính hơn như nhiễm virus toàn thân hoặc bệnh sốt khác.
- Khởi phát bán cấp: Đau đầu bán cấp là những cơn kéo dài hoặc tái phát trong nhiều tuần đến vài tháng. Đau đầu như vậy cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh nghiêm trọng, đặc biệt khi cơn đau đang tiến triển hoặc khi nó xảy ra ở bệnh nhân cao tuổi.
Đau đầu bán cấp có thể do chấn thương đầu gần đây (tụ máu dưới màng cứng hoặc hội chứng sau chấn động), khó chịu, sốt, hoặc cứng cổ (viêm màng não bán cấp), bất thường thần kinh khu trú hoặc sụt cân (khối u não nguyên phát hoặc di căn), thay đổi thị giác( viêm động mạch thái dương, tăng huyết áp nội sọ vô căn), hoặc đau đầu do thuốc (nitrat).
- Đau đầu mạn tính: Đau đầu kéo dài và tái phát trong nhiều năm (Migraine hoặc đau đầu dạng căng thẳng) thường có nguyên nhân lành tính, mặc dù cơn cấp tính có thể gây tàn phế.
3. Đặc trưng của đau đầu
Đau đầu và đau mặt có thể được diễn tả theo nhiều cách khác nhau. Đau theo nhịp mạch đập thường được quy cho Migraine, nhưng cũng có thể xảy ra với đau đầu dạng căng thẳng. Cảm giác siết chặt thường thấy trong đau đầu dạng căng thẳng.
Cơn đau do tổn thương khối nội sọ thường âm ỉ và kéo dài. Đau dữ dội, lan tỏa (như dao đâm) gợi ý một nguyên nhân thần kinh như đau dây thần kinh sinh ba.
Những bệnh nhân bị đau đầu Migraine, đau đầu cụm, viêm động mạch tế bào khổng lồ cũng có thể được mô tả đau đầu như bị đâm (ice-pick). Đau đầu hầu như có thể xảy ra ở bệnh nhân Mignaine hoặc u não, do đó tính chất cơn đau không hướng dẫn một căn nguyên đáng tin cậy.
4. Các vị trí thường gặp của đau đầu
- Vị trí đau đầu cũng có thể là một trong những gợi ý của căn nguyên.
+ Nếu đau nửa đầu: Đây là một đặc trưng của đau đầu cụm và đau đầu Migraine; Hầu hết bệnh nhân đau đầu dạng căng thẳng thường là đau hai bên đầu.
+ Nếu đau mắt hoặc đau sau hốc mắt gợi ý một rối loạn thị lực như viêm mống mắt cấp tính hoặc glaucoma, bệnh dây thần kinh thị giác (II) (ví dụ như viêm dây thần kinh thị giác) hoặc viêm sau hốc mắt (ví dụ hội chứng Tolosa-Hunt). Nó cũng phổ biến trong đau đầu Migraine hoặc đau đầu cụm.
+ Nếu đau cạnh mũi khu trú ở một hoặc một số xoang, thường kết hợp với sự nhạy cảm của màng xương và da, xảy ra với viêm xoang cấp hoặc tắc nghẽn đường ra.
+ Nếu đau khu trú có thể do tổn thương khối nội sọ, nhưng ngay cả trong những trường hợp khi áp lực nội sọ tăng cao có thể đau vùng chẩm và hai bên trán.
Cảm giác siết chặt hoặc đau vùng chẩm thường liên quan đến đau đầu dạng căng thẳng. Đau vùng chẩm cũng có thể xảy ra với kích thích màng não do viêm hoặc xuất huyết và với các rối loạn của khớp, cơ, hoặc dây chằng của cột sống cổ trên.
5. Chẩn đoán và điều trị đau đầu
- Về chẩn đoán đau đầu
Ngoài việc khám lâm sàng để biết chính xác căn nguyên đau đầu thì các bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các biện pháp chẩn đoán hình ảnh trong đó chụp CT Scanner là một trong các phương pháp hiệu quả trong chẩn đoán bệnh.
Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nguy hiểm hoặc các đặc điểm khác gợi ý nguồn đau đầu thứ phát cần thực hiện chụp CT hoặc MRI. Đây là phương thức phổ biến được sử dụng để chẩn đoán nhiều nguyên nhân gây đau đầu thứ phát ví dụ xuất huyết não, xuất huyết dưới nhện, u não, áp xe, viêm não...
Chỉ định chọc dò dịch não tủy khi có nghi ngờ lâm sàng về căn nguyên đau đầu do nhiễm trùng thần kinh trung ương.
Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu: bệnh lý hệ thống, nhiễm trùng. Tốc độ máu lắng thường tăng trong bệnh viêm động mạch thái dương.
- Về điều trị đau đầu
Tùy thuộc vào loại đau đầu mà có các phương pháp điều trị khác nhau: dùng thuốc, nghỉ ngơi và tránh căng thẳng, nếu đau đầu do các nguyên nhân bệnh lý khác cần điều trị nguyên nhân.
Mặc dù hầu hết là lành tính (đặt biệt là khi mạn tính và tái phát), đau đầu mới khởi phát có thể là biểu hiện sớm nhất hoặc biểu hiện chính của bệnh hệ thống nghiêm trọng hoặc bệnh nội sọ, do đó cần đánh giá kỹ lưỡng một cách hệ thống. Vì vậy, khi có biểu hiện đau đầu mà người bệnh không yên tâm hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Mời độc giả xem thêm video:
Nên ăn trái cây trước bữa ăn hay sau bữa ăn- - SKĐS