Hà Nội

Đau đầu mạn tính

26-11-2019 14:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đau đầu là một trong những vấn đề thường gặp trong lĩnh vực thần kinh và dễ dàng nhận biết bởi người bệnh lẫn bác sĩ điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, đau đầu thường không nguy hiểm, nhưng một số ít trường hợp cần sự đánh giá và chú ý của bác sĩ điều trị.

Trong những năm gần đây, đau đầu càng ngày càng có nhiều cách phân loại dựa trên mức độ phức tạp của nó, nhất là trong đau đầu mạn tính. Đau đầu là một triệu chứng cực kỳ phổ biến với khả năng mắc phải trong vòng 1 năm là 90% và trong toàn bộ cuộc đời là 99%.

Các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy rằng tỷ lệ đau đầu các loại xảy ra trong suốt cuộc đời mỗi người là từ 66% đến 78,83%. Theo một nghiên cứu ghi nhận được, có tới trên 80% số người đau đầu không đi đến khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào. Trong hầu hết các trường hợp, đau đầu thường không nguy hiểm, nhưng một số ít trường hợp cần sự đánh giá và chú ý của bác sĩ điều trị.

Đau đầu có thể là một triệu chứng (chủ quan) có thể không có nguyên nhân hoặc do một số nguyên nhân thường được bỏ qua. Một số nguyên nhân phổ biến được xác định là mệt mỏi, làm việc quá sức và thiếu ngủ, căng thẳng, lo lắng, sử dụng các loại thuốc và hành vi sống cá nhân.

Việc thiết lập một sơ đồ toàn diện và có tính thực hành cho các rối loạn đau đầu là cần thiết, tuy nhiên, việc xây dựng vấn đề này là rất khó khăn. Sự thống nhất về lâm sàng ngày càng có nhiều tranh cãi do mức độ phức tạp của bệnh tật và các phác đồ điều trị không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đau đầu migraine và các yếu tố liên quan

Một số nghiên cứu trên thế giới ghi nhận có sự khác biệt về tỷ lệ đau đầu migraine giữa nam giới và nữ giới, trong đó tỷ lệ đau đầu ở nữ giới là cao hơn so với nam giới. Nghiên cứu do Buse C.D. và cộng sự tiến hành năm 2013 ghi nhận, nữ giới có tỷ lệ đau đầu migraine cao từ 1,48 - 3,25 lần so với nam giới. Nghiên cứu thực hiện dựa trên hệ thống dữ liệu của trung tâm Nghiên cứu và Phòng ngừa Migraine Mỹ từ năm 2004, tất cả các đặc tính mẫu nghiên cứu cũng như các loại đau đầu được ghi nhận một cách chính xác.

Đau đầu mạn tính

Estrogen là một yếu tố liên quan đến đau đầu migraine, nghiên cứu cho thấy cường độ và tần suất đau đầu ở phụ nữ gia tăng sau tuổi dậy thì và giảm sau thời kỳ mãn kinh. Đau đầu migraine xảy ra tương đương nhau ở nam và nữ trước tuổi dậy thì, nhưng sau tuổi này, tần suất ở nữ cao hơn so với nam giới. Tỷ lệ đau đầu migraine tăng dần theo độ tuổi, cao nhất là độ tuổi từ 30 - 39 tuổi.

-Nghiên cứu khảo sát tại phòng khám Thần kinh BV Nguyễn Trãi (TP.HCM) trên 356 người bệnh, nữ giới chiếm 79,2%. Tỷ lệ đau đầu migraine là 17,4%, đau đầu dạng căng thẳng là 82,6%. Trong đó chủ yếu là “căng thẳng từng cơn thường xuyên” với 56,1%. Căng thẳng từng cơn không thường xuyên chiếm 31,0% và căng thẳng mạn tính chiếm 12,9%.
-Tuổi khởi phát đau đầu trung bình là 31,97 tuổi, thời gian mỗi cơn đau trung bình là 27,61 giờ. Đau đầu migraine có mối liên quan với tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, tình hình kinh tế. Đau đầu dạng căng thẳng có mối liên quan với tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, trình độ học vấn.
-Bệnh nhân nên ghi lại một nhật ký đau đầu giúp theo dõi diễn tiến bệnh và giúp cho chẩn đoán dễ dàng hơn. Khuyến cáo bệnh nhân không nên lơ là với triệu chứng đau đầu cũng như không nên uống thuốc điều trị triệu chứng đau đầu mà không có sự chỉ định của các thầy thuốc chuyên khoa.

Sự khác biệt này có thể do hầu hết ở những người trên độ tuổi 50 thường chú ý đến các vấn đề sức khỏe khác (các bệnh thường gặp ở độ tuổi này như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về cơ xương khớp…) so với triệu chứng đau đầu, thường bỏ qua triệu chứng này vì triệu chứng này là phổ biến, do đó người bệnh hạn chế đến khám tại khoa Thần kinh. Trong khi đó, những người dưới độ tuổi 30, vấn đề đau đầu là ít xảy ra, điều đó dẫn đến việc cần chú ý đi khám bệnh khi tình trạng đau đầu kéo dài.

So với nhóm nội trợ, những người làm công chức, viên chức, áp lực công việc về giấy tờ, quy định, chính sách và các thủ tục hành chính khác là rất lớn. Tình trạng căng thẳng, áp lực kéo dài là yếu tố thúc đẩy cho các vấn đề liên quan đến đau đầu, trong đó có các vấn đề về mạch máu não. Các ngành nghề khác nhau có những đặc thù công việc khác nhau, do đó khả năng xảy ra tình trạng đau đầu migraine là khác nhau, tăng hay giảm tùy thuộc nhiều đặc điểm khác của đối tượng nghiên cứu như thói quen, hành vi, lối sống,…

Trình độ học vấn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đau đầu migraine. Nghiên cứu ghi nhận được ở những người có trình độ đại học có tỷ lệ đau đầu migraine cao gấp 8,63 lần so với những người có trình độ tiểu học, và sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê. Sự khác biệt này có thể là do những yếu tố về áp lực học tập. Ngoài ra, trình độ học vấn khác nhau dẫn đến việc lựa chọn nghề nghiệp cũng khác nhau. Những người có trình độ học vấn cao thường lựa chọn những ngành nghề sử dụng trí óc. Điều này tác động gián tiếp lên tình trạng migraine.

Đau đầu dạng căng thẳng

Mỗi giới tính có những áp lực riêng về vai trò mỗi cá nhân, nhưng sự căng thẳng để gây ra tình trạng đau đầu là không có khác biệt đáng kể. Nam hay nữ có thể chịu những áp lực như nhau và do đó, tình trạng đau đầu do căng thẳng là như nhau.

Tỷ lệ đau đầu dạng căng thẳng tăng theo độ tuổi, có nghĩa là độ tuổi càng cao, đau đầu dạng căng thẳng càng tăng. Những người có tình trạng hôn nhân khác (ly thân, ly dị, góa) có tỷ lệ đau đầu căng thẳng gấp 1,19 lần so với những người độc thân. Tình trạng hôn nhân có những áp lực về lối sống tinh thần và xã hội khác nhau, từ đó ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống, gây tình trạng căng thẳng. Các xung đột, mâu thuẫn hay các vấn đề tiêu cực liên quan đến mối quan hệ gia đình, xã hội góp phần làm gia tăng tình trạng căng thẳng. Tình trạng này kéo dài lâu ngày, không chỉ gây ra đau đầu dạng căng thẳng mà còn nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Mỗi ngành nghề khác nhau có những áp lực khác nhau. Có thể nói rằng, tình trạng đau đầu dạng căng thẳng đang ngày càng phổ biến và xuất hiện ở tất cả các nhóm nghề. Tùy theo đặc điểm nghề nghiệp khác nhau mà áp lực công việc sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, khả năng của mỗi cá nhân trong việc đối phó với stress, căng thẳng và áp lực cũng là một trong những yếu tố giúp làm tăng hay giảm tỷ lệ đau đầu dạng căng thẳng.


BS. LÝ THANH HÙNG
Ý kiến của bạn