Các bác sĩ Bệnh viện E vừa cứu sống thành công một ca bệnh khó bị thông động tĩnh mạch hố sâu dị dạng. Bệnh nhân may mắn đó là chị P.T.T (25 tuổi, ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Dị dạng động tĩnh mạch - Nguy hiểm
Khai thác bệnh sử của bệnh nhân P.T.T cho biết, cách đây mấy tháng, bệnh nhân xuất hiện đau đầu không rõ nguyên nhân, đã uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Đến ngày 9/4, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu đột ngột, lơ mơ, nôn nhiều, sau đó ý thức chậm dần, rơi vào tiền hôn mê.
Bệnh nhân được chụp CT sọ não thấy hình ảnh xuất huyết não hố sau. Ngay lập tức các bác sĩ Ngoại Thần kinh, Hồi sức tích cực và Chẩn đoán hình ảnh hội chẩn và chỉ định cho bệnh nhân chụp dựng hình mạch não thấy hình xuất huyết vùng cầu não lệch phải kích thước 25x14mm, chảy máu vào não thất và các bể quanh cầu não do dị dạng mạch (AVM) vùng cầu não, sau tiêm thuốc cản quang có hình 2 tĩnh mạch dẫn lưu giãn to. Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị dị dạng động tĩnh mạch vùng cầu não (sàn não thất IV) có chảy máu não thất. Dị dạng động tĩnh mạch (AVM) là dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất.
Theo ThS.BS Đỗ Quốc Phong – Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện E, dị dạng AVM vô cùng nguy hiểm bởi 2 lý do: Thứ nhất, vùng dị dạng chảy máu ngay cạnh vùng thân não (bao gồm trung tâm điều hành tim mạch, hô hấp, thân nhiệt – là những trung tâm điều phối mọi hoạt động sinh tồn cơ bản của cơ thể).
Thứ hai, vùng hố sau đó ngay gần lỗ chẩm là nơi điều phối của não đối với tất cả các hoạt động cơ thể. Vì vậy, chỉ cần một chảy máu kích thước nhỏ cũng gây ảnh hưởng đến chi phối của não bộ lên hoạt động cơ thể.
Bệnh nhân P.T.T đã được các bác sĩ Bệnh viện E và Bệnh viện Bạch Mai kịp thời cứu sống
Không chủ quan với những cơn đau đầu thường xuyên
Ngày 11/4, một kíp bác sĩ của khoa Chẩn đoán hình ảnh và khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện E đã phối hợp với khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Bạch Mai thực hiện can thiệp chụp và nút tắc dị dạng động tĩnh mạch não, lấy huyết khối động mạch não bằng keo sinh học cho bệnh nhân. Các bác sĩ mở đường vào động mạch đùi chung bên phải, đặt sheath 6F. Chụp động mạch não cho thấy hình ảnh dị dạng AVM vùng hố sau, kích thước nidus 20x25mm, có ổ giả phình 4mm vị trí đỉnh dị dạng, nhiều cuống nuôi từ các nhánh của động mạch tiểu não trước dưới phải, động mạch tiểu não trên phải, và các nhánh xiên từ động mạch thân nền. Tĩnh mạch dẫn lưu giãn không đều, dẫn lưu về hội lưu xoang chẩm…
Các quá trình can thiệp diễn ra tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, do khối dị dạng có nhiều mạch máu nuôi nên các bác sĩ phải nút siêu chọn lọc các nhánh mạch nuôi khối dị dạng nên thời gian can thiệp kéo dài. Sau khi can thiệp xong, trong quá trình rút micro thì xuất hiện biến chứng tắc động mạch não sau 2 bên do huyết khối đỉnh thân nền.
Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ xử trí hút huyết khối lấy ra mảnh huyết khối keo dính kích thước 8mm (nghi do mảnh vật liệu nút mạch bong ra trong quá trình kéo micro). Ca can thiệp diễn ra hơn 2,5 giờ. Các bác sĩ chụp kiểm tra cho bệnh nhân ngay trong phòng mổ, tái thông hoàn toàn động mạch não 2 bên, không hẹp tắc nhánh xa.
Sau 1 ngày, bệnh nhân được chỉ định chup MRI sọ não, cho thấy không còn hình ảnh nhồi máu xuất huyết mới. Hiện tại bệnh nhân tỉnh chậm, chi giác cải thiện, không liệt khu trú, đỡ đau đầu…
Từ trường hợp này, ThS Phong cảnh báo: Đau đầu ở người trẻ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do dị dạng mạch máu não. Vì vậy, khi xuất hiện những cơn đau đầu thường xuyên người bệnh nên đến bệnh viện để được khám, chụp chiếu, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh hệ lụy chảy máu não, thậm chí tử vong.