Mong bác sĩ tư vấn cho tôi hiện tượng đau đầu gối của tôi là bệnh gì? Tôi có thể dùng thuốc gì khi bị đau đầu gối? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Bùi Hồng Hạnh (Quảng Ngãi)
Do câu hỏi của bạn không cho biết đầy đủ các thông tin như bạn bị đau một bên đầu gối hay cả hai, thời gian đau, tính chất đau... nên khó có thể trả lời chính xác cho bạn. Đặc thù công việc của bạn phải đứng nhiều, vì vậy nếu bạn chỉ đau khi đứng lâu, hết đau khi bạn được ngồi nghỉ, hoặc hết đau sau một đêm ngủ, không kèm theo hiện tượng sưng nóng, hạn chế vận động khớp thì có thể đây là hiện tượng đau do quá tải chịu đựng của khớp. Trong trường hợp này, khớp gối của bạn phải chịu tải trọng cơ thể bạn trong thời gian dài dẫn đến tình trạng đau cơ học của khớp và phần mềm gân cơ dây chằng quanh khớp. Để điều trị, đầu tiên cần phải loại bỏ tác nhân gây đau, giảm tải cho khớp bằng cách giảm thời gian phải đứng lâu, xen kẽ ngồi nghỉ, vận động co duỗi nhẹ nhàng thư giãn lưu thông máu, kết hợp chườm lạnh. Nếu đau nhiều, được nghỉ ngơi thì đỡ ít, có thể dùng thêm các thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen (paracetamol) hoặc nặng hơn có thể dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid như ibuprofen, diclophenac, celecoxib... theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu đau liên tục, kéo dài, nghỉ ngơi không đỡ, đau cả về đêm, cứng khớp buổi sáng, hạn chế vận động gấp duỗi khớp, có tiếng “lục khục” hay “lạo xạo” khi gấp duỗi khớp, có hoặc không có tình trạng khớp sưng nóng thì cần nghĩ đến đau khớp có tính chất viêm trên nền thoái hóa khớp. Trong trường hợp này bạn cần được thăm khám cụ thể, chụp Xquang, siêu âm khớp hoặc một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương khớp và có chỉ định điều trị thích hợp. Có thể sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid để điều trị triệu chứng viêm đau, có thể kết hợp với thuốc giảm đau thông thường paracetamol hoặc các chế phẩm kết hợp paracetamol với opioid, tramadol. Không sử dụng corticoid đường toàn thân, có thể sử dụng tiêm tại chỗ (điểm bám gân, tiêm nội khớp) nhưng cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, và rất hạn chế, cũng như cần thận trọng khi dùng loại thuốc này.
Nếu bệnh đau đầu gối được xác định là do thoái hóa khớp thì nên dùng sớm các thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm như glucosamine, chondroitine sulfat, diacerine, acid hyaluronic, ASU (thành phần không xà phòng hóa của quả bơ và đậu nành). Các thuốc này tác dụng chậm nên giai đoạn đầu đau nhiều cần phối hợp với các thuốc giảm đau, kháng viêm để phát huy tác dụng.
Vì vậy, để biết mình bị đau đầu gối do nguyên nhân nào, bạn cần đi khám để được điều trị thích hợp.
TS.BS. Phạm Quang Thuận