Hỏi: Xin cho biết về chứng bệnh đau cách hồi ở chân, những người nào có nguy cơ cao bị mắc chứng bệnh này?
(Trần Tuấn Anh - Trà Vinh)
Trả lời: Đau cách hồi là một thuật ngữ từ tiếng Latin, được mô tả ở người lần đầu tiên vào năm 1858 bởi Charcot. Đến những năm 1960, thầy thuốc hay dùng bảng câu hỏi để tầm soát chứng đau cách hồi này nhưng ngày nay ít sử dụng do nó có độ nhạy cảm thấp và ít đặc hiệu. Người bị đau cách hồi sẽ có triệu chứng ở chân khi gắng sức: đau bắp chân, cảm giác căng cứng, có thể bị co rút cơ (vọp bẻ) hay cảm giác yếu ở chân bị bệnh. Khoảng cách đi bộ cũng như tốc độ đi để có thể gây đau ở mỗi bệnh nhân là khác nhau nhưng có chung một điểm là nếu dừng lại hoặc đi thật chậm thì triệu chứng sẽ giảm. Tùy mạch máu bị hẹp ở đây mà nhóm cơ được chi phối sẽ có triệu chứng. Nếu cơ bị ảnh hưởng là mông, đùi … thì có thể động mạch chủ bị bệnh.
Ngoài triệu chứng đau cách hồi khi đi thì cũng có thể gặp triệu chứng loét chi do thiếu máu hoặc đau cả lúc nghỉ ngơi.
Trong thực tế quan điểm và nhận thức của bệnh nhân về đau cách hồi rất khác nhau. Phần lớn người bệnh cho rằng sự giảm khả năng đi bộ là một dấu hiệu của tuổi tác nên họ không quan tâm để đi khám bệnh, theo một nghiên cứu thì có đến 80% có biểu hiện đau cách hồi rõ rệt nhưng không khai với bác sĩ khi đến khám bệnh (tất nhiên là khám bệnh khác). Đây là một bệnh toàn thân (xơ vữa động mạch xảy ra ở tất cả các động mạch) nên có thể bệnh nhân có những triệu chứng của bệnh mạch vành hoặc bệnh mạch máu não (tai biến mạch máu não hoặc cơn thiếu máu não).
Yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch ngoại biên bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động, hút thuốc lá và yếu tố di truyền. Trong các yếu tố này, hút thuốc lá được xem là nguy cơ quan trọng nhất, lớn nhất. Dù cơ chế gây xơ vữa động mạch của hút thuốc lá chưa biết rõ ràng lắm nhưng thống kê cho thấy có liên quan chặt chẽ với số lượng thuốc lá tiêu thụ. Ngừng thuốc lá là bắt buộc trong điều trị bệnh nhân bị chứng đau cách hồi hay bệnh động mạch ngoại biên.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ