Hội chứng đau cơ xơ hóa (ĐCXH) là một tình trạng đau mạn tính trong cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm của cơ thể. Thường gặp nhất ở lứa tuổi 50-60 tuổi, nữ nhiều hơn nam; khoảng 2% dân số mắc bệnh.
Triệu chứng
• Đau toàn thân, đau sâu trong cơ, đau co thắt hoặc đau rát bỏng ở một vùng gân, cơ hoặc tổ chức mềm quanh khớp; đau tăng vào buổi sáng và tối.
• Phát hiện các điểm đau khi ấn sâu, chủ yếu tâp trung ở vùng cổ, gáy, vai, lưng.
• Người mệt mỏi, mất ngủ, khó tập trung
• Đau đầu mạn tính không rõ nguyên nhân.
• Đau bụng, táo bón, đi ngoài phân lỏng, trung tiện nhiều.
• 40-70% trường hợp thấy buồn nôn; 2-5% bệnh nhân có hội chứng trào ngược dạ dày.
• Nhai, há khó, cứng khớp thái dương hàm vào buổi sáng.
• Bốc hoả, ra mồ hôi bất thường; đau ngực, cứng khớp buổi sáng, tê buốt đầu chi, cảm giác sưng nề đầu chi, tăng mẫn cảm da, hội chứng kích thích bàng quang.
• Nhạy cảm quá mức với ánh sáng mạnh, tiếng động mạnh, và có khi cả với các thuốc điều trị.
Nguyên nhân
Hiện nay chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhưng có một số giả thuyết đã nghiên cứu và chấp thuận:
• Yếu tố di truyền.
• Stress làm thay đổi chức năng của HPA acid, làm thay đổi hàm lượng cortisone trong cơ thể dẫn đến đau lan tỏa toàn thân và kéo dài; làm khởi phát và tiến triển bệnh.
• Bất thường về dopamine: Các xét nghiệm cho thấy hàm lượng dopamine bị giảm sút ở bệnh nhân ĐCXH.
• Nhiễm virus epstein barr hoặc có bất thường miễn dịch.
Cách phòng chống
Hiện nay chưa có liệu pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng:
• Dùng thuốc giảm đau thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid, ức chế COX-2, Tramadol, Pregabalin; phối hợp với thuốc giảm đau thuốc giãn cơ (Myonal, Mydocalm, Contramyl...). Tiêm corticoid trực tiếp tại các điểm đau; Sử dụng thuốc ức chế chọn lọc serotonin; thuốc kháng dopamine; thuốc chống trầm cảm như amitriptylin, trazodone để cải thiện giấc ngủ (nhưng không được lạm dụng).
• Kết hợp dùng thuốc với vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, thủy trị liệu, xoa bóp, châm cứu; tâm lý trị liệu.