Đau cổ vai gáy do sử dụng điện thoại di động sai tư thế và cách khắc phục

09-12-2024 15:08 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Thói quen sử dụng điện thoại di động trong tư thế cong gập cổ và vai thường gây ra áp lực lên cổ, vai và gáy. Việc này lâu dài dẫn đến căng thẳng cơ, viêm khớp và các vấn đề về cột sống.

Đau cổ vai gáy do sử dụng điện thoại di động sai tư thế

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, điện thoại di động đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại di động không đúng tư thế có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe, trong đó đau cổ vai gáy là một trong những vấn đề thường gặp.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa thói quen sử dụng điện thoại di động sai tư thế và vấn đề về sức khỏe. Nghiên cứu được cho thấy việc sử dụng điện thoại di động trong tư thế không đúng có thể gây ra căng cơ cổ và vai, dẫn đến đau và khó chịu. Thông thường khi sử dụng điện thoại, mọi người thường có thói quen cúi đầu. Tư thế này làm tăng áp lực lên cơ cổ và cột sống gấp 4-5 lần so với giữ đầu thẳng. Về lâu dài có thể làm suy yếu các dây chằng ở cột sống, gây đau và dẫn đến hội chứng đau cổ vai gáy. Tư thế cúi đầu lâu dài còn làm thay đổi đường cong sinh lý của cột sống, tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm.

Đau cổ vai gáy do sử dụng điện thoại di động sai tư thế và cách khắc phục- Ảnh 1.

Đau cổ vai gáy do sử dụng điện thoại di động sai tư thế.

Ngoài ra, khi dùng điện thoại quá mức có thể sẽ gặp một số vấn đề như:

  • Ngón tay cò súng: Người dùng điện thoại chủ yếu dùng ngón tay cái để thực hiện các thao tác như nhắn tin, lướt web... Lặp đi lặp lại một động tác trong thời gian dài có thể khiến bao gân của ngón cái bị kích thích và viêm, gây hẹp bao gân, dẫn đến bệnh ngón tay cò súng. Lúc này, ngón cái của người bệnh mất linh hoạt, xuất hiện cảm giác tê, đau và khó gấp duỗi, đau nghiêm trọng hơn nếu gắng sức duỗi thẳng ngón tay. Bệnh tiến triển nặng, có thể gây tê cứng nhiều ngón tay cùng lúc, kẹt cứng ở tư thế gấp.
  • Hội chứng ống cổ tay: Khi sử dụng điện thoại liên tục, cổ tay buộc phải hoạt động quá mức và duy trì tư thế gấp lại trong thời gian dài, chèn ép dây thần kinh giữa, dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Điều này làm xuất hiện triệu chứng như cảm giác tê, châm chích ở tay; đau từng cơn ở ngón trỏ và ba ngón lân cận, sau đó lan ra khuỷu tay...

Người bệnh nặng sẽ khó siết tay thành nắm đấm, không thể cầm chắc đồ vật, có thể đau dữ dội về đêm. Bệnh tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị sớm rất có thể sẽ có nhiều biến chứng.

Phòng ngừa đau cổ vai gáy

Trường hợp nhẹ có thể khắc phục đau nhức bằng cách chườm lạnh lên vùng bị ảnh hưởng, thay đổi thói quen dùng điện thoại, tăng cường vận động thể chất. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số thuốc giảm đau, kháng viêm. Khi bệnh tiến triển nặng, gây đau nhức nghiêm trọng và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ cân nhắc phẫu thuật cho người bệnh.

Đau cổ vai gáy do sử dụng điện thoại di động sai tư thế và cách khắc phục- Ảnh 2.

Bài tập giãn cơ cổ, vai và gáy có thể giúp cải thiện linh hoạt và giảm căng thẳng.

Để duy trì sức khỏe tốt trong thời đại số hóa, nên thay đổi thói quen sử dụng điện thoại di động sao cho đúng tư thế. Cần thực hiện những biện pháp sau để giảm bớt những tác động xấu do sai tư thế, cụ thể:

  • Nên giảm tổng thời gian dùng điện thoại hàng ngày.
  • Hạn chế cúi đầu, nâng cao tay cầm điện thoại, duỗi thẳng cổ và vai để giảm áp lực lên các khu vực này.
  • Nghỉ ngơi thường xuyên: Hãy tạo thời gian nghỉ ngơi để thư giãn cơ cổ, vai và gáy sau mỗi khoảng thời gian sử dụng điện thoại.
  • Tập thể dục: Bài tập giãn cơ cổ, vai và gáy có thể giúp cải thiện linh hoạt và giảm căng thẳng.

Ngoài ra, khi có biểu hiện bất thường: nhức mỏi hoặc tê đau... cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Hệ lụy khi lạm dụng thuốc giảm đau trong điều trị đau cổ vai gáyHệ lụy khi lạm dụng thuốc giảm đau trong điều trị đau cổ vai gáy

SKĐS - Theo thói quen thông thường, người bệnh đau vai gáy sử dụng thuốc giảm đau, nhằm cắt đứt cơn đau nhanh chóng. Nhiều trường hợp, người bệnh tìm đến bác sĩ sau khi bị phù nề, viêm loét dạ dày, thậm chí lờn thuốc do đã uống thuốc hàng tháng trời.


BS. Lê Thu Hoài
Ý kiến của bạn