1. Nguyên nhân gây đau cổ vai gáy
Nguyên nhân thường gặp nhất của hội chứng đau cổ vai gáy là gối đầu cao khi ngủ hoặc kê đầu trên vật cứng một thời gian dài. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính, nhưng thường gặp hơn ở người từ tuổi trung niên đến người cao tuổi. Lý do này liên quan tới hệ mạch máu do tuổi tác đã giảm tính đàn hồi, thậm chí là nghẽn tắc.
Ngoài ra, đau cổ vai gáy còn do tổn thương các mặt khớp của cột sống cổ như: Thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ…
Một nguyên nhân ngoại ý cũng thường gặp là do công việc hằng ngày dẫn đến những chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần: Lái xe, sơn trần, làm việc với máy vi tính nhiều.
2. Triệu chứng của đau cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy thường xuất hiện vào lúc vừa ngủ dậy hoặc ngồi làm việc ở tư thế đánh máy, cúi xuống đọc văn bản hoặc sửa chữa văn bản... hoặc làm những công việc này thường xuyên trong nhiều ngày, nhiều tháng.
Tùy theo từng mức độ mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau. Cơn đau có thể từ vùng gáy lan ra vai, cổ ở một bên. Mức độ đau từ ít đến nhiều, cũng có thể cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên. Trong trường hợp này, bệnh nhân có biểu hiện mỏi/tê tay, nặng tay rất khó chịu, đặc biệt là khi cần đưa tay lên cao hoặc cầm nắm, xách đồ vật, lái xe…
Nhiều trường hợp tình trạng đau vai gáy kéo dài dẫn đến người bệnh luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, không tập trung, tư duy kém... ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của người bệnh.
3. Chữa đau cổ vai gáy như thế nào?
3.1 Điều trị không dùng thuốc
Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Hoặc có thể đến các cơ sở vật lý trị liệu, phòng khám đông y để xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu. Giai đoạn này cần cố gắng tránh xoay đầu, xoay cổ. Không ngồi dưới quạt hoặc điều hòa xối vào đầy, gáy để tránh co cứng cơ dẫn đến đau nhiều hơn. Khi đi ngủ cần nằm gối thấp, giữ ấm vùng cổ.
Có thể chiếu đèn hồng ngoại hoặc xoa bóp vùng vai gáy khoảng 15 phút trước khi đi ngủ. Nếu cơn đau là cấp tính, triệu chứng nhẹ thì sẽ hết đau sau khoảng 2-3 ngày.
3.2 Các thuốc chữa đau cổ vai gáy
Trường hợp có cơn đau nhiều hơn, biểu hiện đau rõ ràng và gây khó chịu cho người bệnh, ngoài các biện pháp trên cần dùng thêm một số thuốc.
- Thuốc giảm đau: Thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau acetaminophen hoặc thuốc giảm đau chống viêm non steroid như diclofenac, ibuprofen, aspirin hoặc dùng miếng dán chứa hoạt chất salicylic acid, gel bôi casaicin, voltaren emugel để giảm triệu chứng đau tại chỗ.
- Thuốc giãn cơ: Là một trong những thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp đau cổ vai gáy gây khó chịu cho người bệnh. Ví dụ như các thuốc tolperisone, eperison.
Thuốc có tác dụng ức chế dẫn truyền thần kinh nguyên phát và nơron vận động; ức chế tái hấp thu canxi 2+ vào synap, giúp giảm trương lực cơ, tăng tuần hoàn máu ngoại biên. Như vậy thuốc giãn cơ có tác dụng giúp giảm co thắt cơ, giảm đau, tăng vận động cho cơ bị căng đau.
Tuy nhiên, thuốc có một số tác dụng phụ như gây chán ăn, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, đau dạ dày… Do đó khi dùng thuốc có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho bác sĩ.
Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với thành phân của thuốc; phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, phụ nữ đang nuôi con bú; trẻ em và người mắc bệnh nhược cơ.
- Vitamin: Vitamin B, đặc biệt như vitamin B12 liều cao, vitamin B9, vitamin B6, vitamin B1 có thể được sử dụng nhằm phục hồi dây thần kinh bị chèn ép gây đau. Ngoài ra vitamin nhóm B còn có tác dụng thúc đẩy quá trình tạo hồng cầu, tăng tuần hoàn máu, giảm tình trạng co cứng cơ.
Tuy nhiên, dù là chỉ là vitamin nhóm B dùng khá an toàn và đào thải qua đường tiểu, nhưng bệnh nhân cũng không nên lạm dụng, dùng quá liều vì thuốc cũng có thể gây tác dụng không mong muốn, như: Khát nước, mờ mắt, đau bụng, buồn nôn, đi tiểu nhiều, đỏ da…
Ngoài ra, có thể kết hợp biện pháp xoa, ấn, gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay... nhưng không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính.
Một số trường hợp người bệnh đau nặng, trong các trường hợp nguyên nhân do: Thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống... cần được điều trị bằng phẫu thuật.
3.3 Điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu
Các phương pháp nhiệt có tác dụng giảm đau chống co cứng cơ giãn mạch tăng cường chuyển hóa dinh dưỡng như: Chiếu hồng ngoại, chườm ngải cứu, đắp paraphin, tắm ngâm suối bùn nóng.
Các phương pháp điện trị liệu như: Sóng ngắn có tác dụng tạo nhiệt nóng, tăng cường chuyển hóa, chống phù nề, chống viêm giảm đau tại chỗ. Dòng xung điện có tác dụng kích thích thần kinh cơ, giảm đau, tăng cường chuyển hóa, giúp giảm đau.
Chiếu tia lasre giúp làm mềm cơ, giảm đau, chống viêm, tái tạo tổ chức tổn thương do cơ bị co cứng…
Biện pháp kéo giãn cột sống bằng hệ thống kéo giãn kỹ thuật số để điều trị đau cổ vai gáy do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa cột sống.
4. Dự phòng bệnh bằng cách nào?
Nên dự phòng đau cổ vai gáy từ khi chưa có biểu hiện thương tổn bằng cách khi ngồi hay đứng đều phải đúng tư thế. Khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10cm, vừa khít với độ cong sinh lý sau gáy, phần trên của vai phải đặt ở trên gối để tránh cột sống cổ và các cơ bắp bị kéo giãn. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ. Nghe điện thoại nên cầm ở tay, không nên kẹp vào vai, nếu có chỗ gác tay sẽ giảm bớt độ căng các cơ ở cổ và bả vai...
Những người lao động hay phải cúi (như đã nêu ở trên) nên có những bài tập riêng hàng ngày để khôi phục lại chức năng của các dây thần kinh vai, gáy
Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E. Tắm nước ấm, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông trong cơ thể.
Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài; tránh căng thẳng; luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... thường xuyên sẽ giúp phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Khi triệu chứng thuyên giảm việc luyện tập dưỡng sinh sẽ giúp chúng ta vận động khớp cổ một cách nhẹ nhàng để giảm đau và nhanh chóng phục hồi. Nhằm phòng ngừa chứng đau cổ vai, chúng ta có thể tập hai động tác dưỡng sinh: ưỡn cổ, vặn cột sống cổ ngược chiều.
Mời độc giả xem thêm video:
Vụ “Dì ghẻ”: Người cha máu lạnh có thể đối mặt với mức án bao nhiêu năm tù? | SKĐS