Đau cổ, bả vai, chi trên do thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - khi nào phải đi khám?

27-10-2021 06:35 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Người bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ thường cảm thấy đau cổ, bả vai, tê bì ở chi trên, khi nào bạn nên khi khám? Dưới đây là bài viết của PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đau cổ, bả vai, chi trên – Khi nào phải đi khám? - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

1. Thế nào là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ?

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ xảy ra khi khối nhân nhầy dạng keo trong trung tâm đĩa đệm bị rò ra ngoài qua điểm suy yếu trên lớp vòng xơ bao quanh. Việc rò rỉ khối nhân nhày này có thể hình dung dễ hiểu như hiện tượng bóp khối thạch mứt ra khỏi bánh nhân mứt.

Các triệu chứng đau cổ hay cánh tay, tê bì, châm chích cổ - cánh tay có thể biểu hiện khi các vật chất nội đĩa tiếp xúc hay chèn ép vào dây thần kinh tủy.

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ bước đầu bao gồm nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau, tiêm tủy sống, và vật lý trị liệu.

Hầu hết bệnh nhân thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ sẽ cải thiện trong vòng 6 tuần và có thể quay lại hoạt động bình thường. Nếu các triệu chứng còn tiếp diễn, các thầy thuốc có thể đề xuất điều trị phẫu thuật.

2. Giải phẫu đĩa đệm

Cột sống được cấu tạo bởi 24 đốt sống là các xương riêng rẽ. Cột sống đoạn cổ có chức năng nâng đỡ khối lượng của đầu (khoảng 4 kg) và cho phép bệnh nhân cúi, ngửa cổ, nghiêng đầu sang hai bên,  xoay đầu 180 độ.

Có bảy đốt sống cổ được đánh số từ C1 đến C7. Các đốt sống này được phân tách bởi các đĩa đệm, có vai trò hấp thu sốc và tránh các đốt sống va chạm với nhau.

Vòng ngoài của đĩa đệm được gọi là vòng xơ. Vòng xơ được cấu tạo bởi các bản sợi xơ nối giữa hai thân đốt sống. Mỗi đĩa đệm có một khối nhân chứa keo gọi là nhân nhầy. Ở mỗi tầng đĩa đệm có một cặp dây thần kinh tủy đi ra khỏi tủy sống để tỏa nhánh vào cơ thể.

Tủy sống và các dây thần kinh tủy hoạt động giống như "điện thoại", cho phép "tin nhắn" hay ở đây là xung thần kinh, chạy giữa não bộ và cơ thể để trung chuyển chi phối cảm giác và vận động.

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi khối nhân nhầy dạng keo rò ra ngoài qua lỗ rách trên "tường thành" của đĩa đệm (vòng xơ đĩa đệm). Vật chất keo này gây kích ứng các dây thần kinh tủy, dẫn đến hiệu ứng giống như kích ứng hóa chất. Triệu chứng đau là hệ quả do viêm và sưng nề dây thần kinh tủy do đĩa đệm thoát vị chèn ép gây nên.

Theo thời gian, khối thoát vị sẽ dần teo lại, bệnh nhân có thể giảm đau một phần hay hoàn toàn. Trong hầu hết trường hợp, nếu bệnh nhân có khả năng tự hết đau cổ và chi trên, tình trạng đau sẽ dần tự hết trong khoảng sáu tuần.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đau cổ, bả vai, chi trên – Khi nào phải đi khám? - Ảnh 2.

Hình ảnh đĩa đệm bình thường.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đau cổ, bả vai, chi trên – Khi nào phải đi khám? - Ảnh 3.

Hình ảnh đĩa đệm thoát vị.

Tình trạng thoát vị có thể mô tả bằng nhiều thuật ngữ khác nhau:

  • Lồi đĩa đệm (phình đĩa đệm) mô tả tình trạng vòng xơ còn nguyên vẹn, nhưng hình thành khối lồi có nguy cơ chèn ép các dây thần kinh. 
  •  Thoát vị đĩa đệm thực thụ (trượt đĩa đệm) xảy ra khi vòng xơ nứt hay vỡ, khiến keo nhân nhầy rò rỉ ra ngoài.
  •  Đôi khi thoát vị đĩa đệm quá nghiêm trọng có thể hình thành mảnh rời, có nghĩa một mảnh đĩa đệm đứt rời hoàn toàn và di chuyển vào ống sống.   

3. Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm vô cùng đa dạng, chúng khác nhau tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm thoát vị và đáp ứng của cơ thể bệnh nhân với tình trạng đau.

Nếu thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ, bệnh nhân có thể cảm thấy đau lan xuống cẳng tay và thậm chí có thể đến bàn tay. Đau cũng có thể biểu hiện quanh vùng bả vai và đau cổ khi xoay đầu hay nghiêng cổ.

Bệnh nhân cũng có thể biểu hiện co cứng cơ (cơ co không kiểm soát).

Đôi khi, cơn đau có thể đi kèm tê bì, châm chích vùng chi trên, hay yếu các cơ nhị đầu, tam đầu cánh tay, thấy khó nắm bàn tay.

Cơn đau có thể biểu hiện khi bệnh nhân ngủ dậy, mà không có bất kỳ sang chấn nào trong khi ngủ có thể gây thương tổn. Một số bệnh nhân tự giảm đau bằng cách nâng cánh tay lên sau đầu, do tư thế này giúp giảm áp lực lên các dây thần kinh bị chèn ép.

4. Các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

  • Đĩa đệm có thể phồng hay thoát vị do thương tổn, do nâng vật không đúng cách, hay xảy ra tự phát.
  • Quá trình lão hóa cũng có vai trò quan trọng trong bệnh sinh thoát vị đĩa đệm. Khi chúng ta dần già đi, đĩa đệm sẽ khô hơn và cứng giòn hơn. Phần vòng xơ bao quanh đĩa đệm có thể dần suy yếu. Khối keo nhân nhầy có thể phình lên hay rò qua lỗ rách trên vòng cơ, khi kích ứng vào dây thần kinh sẽ biểu hiện đau.
  • Các yếu tố di truyền, hút thuốc lá, và một số hoạt động lao động, giải trí đều có thể dẫn đến sớm thoái hóa đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm thường gặp nhất ở nhóm bệnh nhân từ 30-50 tuổi, mặc dù các bệnh nhân trung niên và cao tuổi cũng có thể tăng nhẹ nguy cơ nếu hoạt động thể chất nhiều. Chỉ khoảng 8% các trường hợp thoát vị đĩa đệm xảy ra ở cột sống cổ.

5. Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

Khi triệu chứng đau khởi phát, bệnh nhân nên đi khám. Thầy thuốc sẽ tiến hành khai thác toàn bộ bệnh sử để làm rõ các triệu chứng, các tiền sử tổn thương hay bệnh lý và tìm hiểu liệu có thói quen sinh hoạt nào có thể gây đau.

Tiếp đến, thầy thuốc sẽ tiến hành thăm khám để xác định nguồn gốc triệu chứng đau, và test tình trạng yếu cơ hay tê bì.

Thầy thuốc cũng có thể sẽ chỉ định một hay nhiều phương thức chẩn đoán hình ảnh bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một nghiệm pháp không xâm lấn, sử dụng từ trường và sóng cao tần để dựng ảnh chi tiết về các mô mềm trong cột sống. 
  • Khác với X-quang, chụp cộng hưởng từ giúp quan sát các mô thần kinh và đĩa đệm rất rõ. Cộng hưởng từ có thể chụp có hoặc không kèm thuốc cản quang (đối quang từ) tiêm tĩnh mạch. MRI có thể phát hiện đĩa đệm nài tổn thương và tình trạng chèn ép thần kinh nếu có, cũng như phát hiện quá sản xương, u cột sống hay áp-xe cột sống.  
  • X-quang tủy sống là một phương pháp chụp X-quang đặc biệt, trong đó thuốc cản quang được bơm vào tủy sống qua lối chọc tủy.

    Máy X-quang huỳnh quang sẽ chụp lại những hình ảnh tạo bởi thuốc cản quang này, cho phép các thầy thuốc quan sát chi tiết tủy sống và ống sống.

    Chụp tủy sống có thể cho thấy hình ảnh chèn ép dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm, quá sản xương, u tủy sống, hay áp-xe cột sống. Sau khi chụp phương pháp này, có thể tiếp tục chụp CT tủy sống.   
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đau cổ, bả vai, chi trên – Khi nào phải đi khám? - Ảnh 5.

MRI (góc chụp bên) cho thấy thoát vị đĩa đệm giữa các đốt sống C4 và C5. Ngoài ra, trên film cũng cho thấy các dấu hiệu hẹp ống sống, biểu hiện bằng hình ảnh kẹp tủy sống.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) là một nghiệm pháp không xâm lấn, sử dụng chùm tia X và phần mềm vi tính để dựng các hình ảnh hai chiều của cột sống.

    CT có thể chụp có hoặc không dùng thuốc cản quang (đối quang từ) tiêm qua đường tĩnh mạch. Phương pháp này đặc biệt hữu ích khi cần xác định đĩa đệm nào tổn thương.

  • Điện cơ (EMG) và Thăm dò dẫn truyền thần kinh (NCS) là các nghiệm pháp đo hoạt động điện thế của các dây thần kinh và cơ bắp. Các kim nhỏ hay điện cực được đặt ở cơ, kết quả được ghi bằng các máy móc chuyên dụng.

    Do thoát vị đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh, các dây bị chèn ép không thể chi phối cảm giác và vận động cơ một cách bình thường. Các phương pháp này giúp phát hiện tổn thương thần kinh và tình trạng yếu cơ.

  • X-quang giúp quan sát các xương đốt sống và giúp thầy thuốc xác định có đốt nào nằm quá gần nhau hay có những thay đổi do viêm khớp, chồi xương, gãy xương. Chỉ sử dụng X-quang thì không thể chẩn đoán chắc chắn thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đau cổ, bả vai, chi trên – Khi nào phải đi khám? - Ảnh 6.

Khi triệu chứng đau khởi phát, bệnh nhân nên đi khám. Thầy thuốc sẽ tiến hành khai thác toàn bộ bệnh sử để làm rõ các triệu chứng, các tiền sử tổn thương hay bệnh lý, và tìm hiểu liệu có thói quen sinh hoạt nào có thể gây đau.

6. Các phương pháp điều trị hiện có

Điều trị bảo tồn là bước đầu tiên để bệnh nhân hồi phục, có thể bao gồm điều trị nội khoa, nghỉ ngơi, xoa bóp, vật lý trị liệu, tập luyện tại nhà, thủy trị liệu, nắn chỉnh cột sống và kiểm soát đau.

Hơn 95% bệnh nhân đau chi trên do thoát vị đĩa đệm sẽ phục hồi sau sáu tuần và có thể quay lại hoạt động bình thường. Nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị bảo tồn hoặc các triệu chứng diễn biến xấu đi, các thầy thuốc có thể sẽ đề xuất điều trị phẫu thuật.

6.1. Các phương pháp điều trị bảo tồn

Tự chăm sóc: Với hầu hết người bệnh, tình trạng đau do thoát vị đĩa đệm sẽ giảm nhẹ trong vài ngày và hết hẳn trong khoảng bốn đến sáu tuần. Hạn chế vận động, chườm nóng/lạnh, và uống thuốc giảm đau loại không kê đơn đều giúp hỗ trợ giảm đau và phục hồi.

Điều trị nội khoa: Thầy thuốc có thể kê các thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), và thuốc kháng viêm steroid. Đôi khi các thầy thuốc cũng kê thuốc giãn cơ cho các bệnh nhân co cứng cơ. 

  • Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, naproxen, ibuprofen, celecoxib  là một trong số các thuốc kháng viêm không steroid điển hình được kê để chống viêm và giảm đau.  
  • Các thuốc giảm đau, như acetaminophen, giúp giảm đau nhưng không có tác dụng chống viêm như các thuốc NSAIDs. Sử dụng thuốc giảm đau và NSAIDs trong thời gian dài có thể gây loét dạ dày, cũng như tổn thương gan và thận.
  • Các thuốc giãn cơ, như methocarbamol, carisoprodol và cyclobenzaprine đều có thể được kê để kiểm soát tình trạng co cứng cơ.
  • Steroid cũng có thể kê để giảm nề và giảm viêm tại mô thần kinh. Các thuốc nhóm này thường được dùng đường uống với liều giảm dần trong năm ngày. Thuốc kháng viêm steroid có ưu điểm giảm đau gần như tức thời trong vòng 24 giờ.   

Tiêm steroid: Thủ thuật được tiến hành dưới chỉ dẫn X-quang huỳnh quang, trong đó tiến hành tiêm steroid và thuốc tê ở khoang ngoài màng tủy. Thuốc được tiêm cạnh nơi đau để giảm sưng nề và giảm viêm các dây thần kinh.

Khoảng 50% bệnh nhân sẽ thấy giảm đau sau khi tiêm ngoài màng tủy, tuy nhiên tác dụng này thường có xu hướng tạm thời. Có thể tiêm nhiều lần để đạt tác dụng tối ưu. Thời lượng tác dụng giảm đau rất đa dạng, có thể từ vài tuần đến vài năm. 

Tiêm steroid thường được chỉ định kèm theo vật lý trị liệu và chương trình tập luyện tại nhà.

Vật lý trị liệu: Mục tiêu của vật lý trị liệu là giúp bệnh nhân quay lại hoạt động hoàn toàn sớm hết sức có thể và tránh tổn thương tái diễn. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân các kỹ thuật tư thế, nâng đỡ đồ vật, và đi lại đúng cách, cũng như giúp bệnh nhân tập cơ lực và giãn cơ vùng cổ, vai, cánh tay.

Bên cạnh đó, đội ngũ này cũng động viên bệnh nhân tự giãn cơ, tăng cường sự linh hoạt cho cột sống và chi trên. Tập luyện và tăng sức bền là một trong những thành tố then chốt của điều trị, và nên duy trì bền vững suốt đời.

Các phương pháp trị liệu toàn thân: Một số bệnh nhân có thể cải thiện nhờ châm cứu, bấm huyệt, yoga, thay đổi về dinh dưỡng hay chế độ ăn uống, thiền định, điều hòa sinh học, giúp kiểm soát đau tốt hơn cũng như nâng cao sức khỏe toàn thân.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đau cổ, bả vai, chi trên – Khi nào phải đi khám? - Ảnh 7.

Nếu các triệu chứng tăng nặng hoặc không đáp ứng với điều trị bảo tồn, bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị phẫu thuật.

6.2. Điều trị ngoại khoa

Nếu các triệu chứng tăng nặng hoặc không đáp ứng với điều trị bảo tồn, bệnh nhân có thể lựa chọn điều trị phẫu thuật. Một số yếu tố như tuổi bệnh nhân, thời gian kéo dài của bệnh, các bệnh lý kèm khác, tiền sử phẫu thuật cột sống cổ, kỳ vọng kết quả đều cần được cân nhắc khi lên kế hoạch phẫu thuật.

Đường mổ phổ biến nhất để điều trị các bệnh lý đĩa đệm cột sống cổ là lối trước (đi từ mặt trước cổ). Đường mổ lối sau (đi từ sau gáy) cũng có thể thực hiện nếu bệnh nhân cần giải ép tủy sống do một số bệnh lý khác như hẹp ống sống. 

Cắt đĩa đệm và hàn đốt sống cổ lối trước (ACDF): Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường mổ nhỏ ở phía trước cổ bệnh nhân. Các cơ vùng cổ, các mạch máu và dây thần kinh được vén sang bên để bộc lộ các thân đốt sống và đĩa đệm.

Phần đĩa đệm rách chèn ép thần kinh sẽ được cắt lọc. Sau khi cắt lọc phần đĩa đệm thoát vị, các phẫu thuật viên sẽ lấp phần khoang đĩa đệm bằng các mảnh xương ghép hay trụ ghép để tạo mối hàn xương (Fig. 3).

Hàn xương là quá trình nối liền hai hay nhiều mảnh xương. Theo thời gian, miếng ghép sẽ hàn liền hai đốt sống trên và dưới nó, trở thành một khối xương đồng nhất.

Ngoài ra, các nẹp vít kim loại cũng có thể được sử dụng để gia cố trong thời gian liền xương và có thể đẩy nhanh tốc độ liền xương.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ: Đau cổ, bả vai, chi trên – Khi nào phải đi khám? - Ảnh 8.

Trong phẫu thuật hàn đốt sống, phẫu thuật viên sẽ đặt thêm nẹp vít để giữ mảnh xương ghép cố định giữa hai đốt sống. Sau khoảng 3-6 tháng, mô xương mới sẽ lấp đầy khoảng này, giúp hai đốt sống trở thành một khối thống nhất.

  • Thay đĩa đệm nhân tạo: Khi cắt đĩa đệm lối trước, các phẫu thuật viên sẽ đưa một thiết bị di động giúp tái hiện vận động tự nhiên của đĩa đệm vào khoang gian đốt bị tổn thương. Đĩa đệm nhân tạo giúp bảo tồn vận động, khác với hàn xương gây triệt tiêu vận động. Đĩa đệm nhân tạo được làm từ kim loại và plastic, tương tự như khớp hông hay khớp gối nhân tạo.  

     Kết quả đạt được khi mổ thay đĩa đệm nhân tạo so với ACDF (hiện là tiêu chuẩn vàng) tương đương       nhau, nhưng thay đĩa đệm nhân tạo giúp bảo tồn vận động cổ và có tiềm năng phòng tránh thoái hóa       các đốt sống lân cận, tuy nhiên đây hiện vẫn chỉ là giả thuyết và chưa có bằng chứng chứng minh. 

  • Cắt đĩa đệm vi nội soi xâm lấn tối thiểu: Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường rất nhỏ phía sau gáy. Các ống giãn nội soi được đặt với kích thước tăng dần để tạo đường hầm tiếp cận cột sống. Một phần xương sẽ được cắt để bộc lộ rễ thần kinh và đĩa đệm. Tiếp đến, phẫu thuật viên tiến hành nội soi hoặc vi phẫu cắt bỏ đĩa đệm tổn thương. Kỹ thuật này ít gây tổn thương cơ hơn so với phương pháp cắt đĩa đệm truyền thống.
  •  Cắt đĩa đệm cổ lối sau: Phẫu thuật viên rạch một đường khoảng 3-5 cm phía sau gáy bệnh nhân, sau đó cắt và vén các cơ để bộc lộ đốt sống cũng như đĩa đệm thương tổn. Một phần xương cung đốt sống sẽ được cắt bỏ để tiếp cận rễ thần kinh và khoang đĩa đệm. Phần đĩa tổn thương chèn ép dây thần kinh tủy sẽ được cắt lọc cẩn thận. Các phẫu thuật viên cũng sẽ nới rộng các lỗ liên hợp nơi rễ thần kinh đi khỏi cột sống, nhằm hạn chế nguy cơ chèn ép sau này.

 7. Phục hồi và phòng bệnh thoát vị đĩa đệm

Đau do thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng đến 8 trên 10 người trong suốt cuộc đời, và thường cải thiện trong vòng 6 tuần. Thái độ tâm lý tích cực, hoạt động điều độ, và sớm quay lại với công việc là những yếu tố vô cùng quan trọng để bệnh nhân có thể hồi phục.

Nếu ban đầu bệnh nhân chưa thể tiến hành các công việc lao động như bình thường, nên yêu cầu bệnh nhân sửa đổi công việc (giảm nhẹ hay hạn chế lao động) trong một quãng thời gian nhất định.

Phòng bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ tái phát:

  • Kỹ thuật nâng đỡ đồ đạc đúng; Duy trì tư thế đứng khi ngồi, đứng, vận động, và nghỉ ngơi
  • Chương trình tập luyện hợp lý nhằm nâng cao cơ lực các cơ thành bụng, tránh tổn thương tái phát
  • Môi trường làm việc phù hợp với sức khỏe và năng suất
  • Duy trì cân nặng và số khối cơ thể lành mạnh
  • Thái độ tích cực, kiểm soát stress
  • Không hút thuốc lá

Tổng hợp nguyên nhân đau cổ mạn tính và đau cổ dữ dộiTổng hợp nguyên nhân đau cổ mạn tính và đau cổ dữ dội

SKĐS - Có những cơn đau cổ thường xuyên tái diễn nhưng cũng có những cơn đau cổ thoáng qua nhưng dữ dội, cảm giác buốt, rát giống như điện giật. Bài viết của PGS.TS. Nguyễn Đình Hòa - Khoa Phẫu thuật Cột sống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ giải đáp nhiều thắc mắc của bạn đọc về nguyên nhân tình trạng đau cổ.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa
Khoa Phẫu thuật Cột sống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Ý kiến của bạn