Đau căng cơ: Nguyên nhân và những chú ý khi xử trí

28-07-2022 10:32 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đau căng cơ không chỉ là chấn thương xảy ra ở vận động viên. Thực tế, bất kỳ ai cũng có thể gặp chấn thương này trong sinh hoạt, lao động.

Đau căng cơ xảy ra khi cơ bị kéo giãn quá mức hoặc thậm chí bị rách cơ một phần. Đau căng cơ có thể xảy ra ở bất kỳ cơ nào nhưng chúng phổ biến nhất ở vùng lưng, cổ gáy, vai và cơ phía sau đùi.

‎‎Trường hợp căng cơ nhẹ, cơ có thể hơi cứng nhưng vẫn linh hoạt để bạn cử động.Trong khi căng cơ nghiêm trọng thường rất đau đớn và hạn chế vận động có thể cần thời gian hàng tháng để hồi phục.


1.Nguyên nhân thường gặp khiến đau căng cơ

Nguyên nhân của đau căng cơ có nhiều trong đó thường gặp là tình trạng không khởi động đúng cách trước khi vận động, chơi thể thao…Các động tác khiêng vác, chồm với, nâng vật nặng sai tư thế cũng có thể gây tình trạng đau căng cơ.

Đối với trẻ em hay té ngã, trượt chân, trẹo chân… hoặc người lớn đứng, ngồi, nằm, sinh hoạt sai tư thế, ngồi, nằm quá lâu trong một tư thế…. cũng gây tình trạng đau căng cơ.

‎Ngoài ra, tình trạng duy trì các động tác lặp đi lặp lại quá nhiều lần, thường gặp ở người chơi thể thao như cầu lông, tennis, bóng chày…hoặc do cơ thể quá stress và mệt mỏi… cũng gây tình trạng đau căng cơ.

Có một quan niệm sai lầm rằng chỉ những người lao động nặng hoặc tập luyện với cường độ cao mới gây ra căng cơ. Thật ra, căng cơ thậm chí có thể xảy ra khi đi bộ.

‎2.Các triệu chứng của đau căng cơ

‎Khi bị căng cơ quá mức sẽ có cơn đau khởi phát đột ngột. Đau chói, hoặc cảm giác co rút tại một vùng cơ khi thực hiện một động tác hoặc tư thế nào đó. Đau làm người bệnh phải hạn chế cử động. ‎ Vùng đau bị bầm tím, hoặc sưng tấy. Sờ nắn có cảm giác cơ bị căng cứng.

‎‎Trường hợp căng cơ nhẹ, cơ có thể hơi cứng, nhưng vẫn linh hoạt để bạn cử động.Trong khi căng cơ nghiêm trọng thường rất đau đớn và hạn chế vận động, có thể cần thời gian hàng tháng để hồi phục.


Căng cơ là do các chuyển động lặp đi lặp lại tại một phần cơ thể sẽ làm mất cân bằng hệ thống cơ bắp, tạo áp lực lớn và liên tục lên các khớp và dây thần kinh.

Các chứng căng cơ nhẹ có thể được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi, chườm đúng cách,...

‎3.Cần sơ cứu khi bị đau căng cơ

‎Hầu hết các trường hợp đau căng cơ dạng nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Các chứng căng cơ nhẹ có thể được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi, chườm lạnh. Dưới đây là một số cách sơ cứu khi bị căng cơ.

‎3.1 Nghỉ ngơi

‎Tránh sử dụng cơ trong vài ngày, đặc biệt nếu cử động làm tăng cơn đau. Nhưng bất động quá nhiều có thể khiến cơ bắp trở nên yếu đi. Sau vài ngày khi cơn đau đã giảm, hãy từ từ bắt đầu sử dụng nhóm cơ bị ảnh hưởng, chú ý không vận động quá sức.

‎‎3.2 Chườm đúng cách

Chườm lạnh ngay sau khi bị căng cơ sẽ giúp giảm sưng, giảm bầm. Sử dụng một túi chườm hoặc bọc đá trong khăn, không nên chườm đá trực tiếp lên da. Thời gian chườm mỗi lần từ 15 - 20 phút. Lặp lại mỗi 2 - 3 giờ trong 24 giờ đầu tiên. Trong vài ngày tiếp theo, hãy chườm ấm 4 - 6 giờ một lần thay vì chườm đá.

‎‎3.3 Băng ép

‎‎Băng ép có thể giúp giảm sưng cho vùng cơ bị đau. Lưu ý không quấn băng quá chặt sẽ khiến máu không lưu thông được. Ngoài ra, cần kê cao vùng đau bất cứ khi nào có thể, hãy giữ cho phần cơ bị thương được nâng cao hơn so với tim.

4. Khi nào cần gặp bác sĩ?

‎Đối với trường hợp đau căng cơ nhẹ đến trung bình có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nên đến gặp bác sĩ nếu cơn đau không giảm sau một tuần; Hoặc vùng đau bị mất cảm giác, bị tê, cảm giác cơ bị yếu. Nếu không thể đi lại hoặc không thể cử động tay hoặc chân..., cũng nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

‎‎5. Điều trị thế nào?

Để chẩn đoán các bác sĩ có thể chỉ định phương tiện như siêu âm, X-Quang, MRI, có thể giúp xác định tình trạng tổn thương nặng hay nhẹ và đưa ra điều trị phù hợp.

‎Điều trị có thể bao gồm thuốc giảm đau, kháng viêm, giảm sưng. Bác sĩ cũng có thể chỉ định các kĩ thuật vật lý trị liệu để giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và phục hồi vận động.

‎Châm cứu, xoa bóp và tập luyện một số động tác dưỡng sinh cũng là một số phương pháp không dùng thuốc nổi trội trong việc điều trị đau căng cơ. Việc tác động vào các huyệt vị tại vùng căng cơ và vị trí điểm đau kết hợp với một số huyệt xung quanh vùng đau, huyệt đặc hiệu theo vùng giúp lưu thông khí huyết, giảm đau nhanh chóng.

‎Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, như rách cơ, đứt cơ… có thể phải phẫu thuật. Người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh sử dụng những phương pháp gây tác động quá mạnh và sai cách làm tình trạng bệnh nặng thêm.

‎6.Phòng tránh đau khi căng cơ

‎‎‎‎Để giảm nguy cơ đau khi căng cơ có thể giảm nguy cơ căng cơ nếu thực hiện một số biện pháp phòng ngừa cơ bản:p>

- Giữ tư thế tốt khi đứng và ngồi.

- Nâng vật nặng cẩn thận, đúng tư thế.

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh té ngã, ví dụ như nắm tay vịn khi leo cầu thang, tránh các bề mặt trơn trượt.

- Cố gắng không duy trì một tư thế quá lâu.

- Tập thể dục để tăng cường sức mạnh cơ bắp.

- Luôn khởi động trước khi tham gia các hoạt động thể chất.

- Dành thời gian để giãn cơ sau mỗi buổi tập hoặc hoạt động thể chất để ngăn ngừa tình trạng cứng cơ. Nếu mới tập thể dục, hãy bắt đầu từ từ và tăng dần cường độ.

‎- Điều quan trọng là phải hiểu những hạn chế của cơ thể mình. Nếu có điều gì đó không ổn trong một hoạt động, hãy dừng lại ngay.

- Giảm cân, nếu thừa cân.

- Mang giày vừa vặn, độ bám dính đế giày tốt để hạn chế trẹo chân, trượt chân.

Mời độc giả xem thêm video:

Miền Bắc tiếp tục nắng 'như thiêu như đốt'. Hà Nội nhiệt độ cao gần 40 độ C | SKĐS



BS. Trần Thị Ngọc
Ý kiến của bạn