Đau bụng, viêm loét dạ dày: Thận trọng với thủng dạ dày - tá tràng

08-10-2023 07:56 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Thủng ổ loét là biến chứng nặng nề và trầm trọng của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Đây là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, cần được phẫu thuật cấp cứu sớm.

Lạm dụng thuốc giảm đau, nam thanh niên bị thủng dạ dàyLạm dụng thuốc giảm đau, nam thanh niên bị thủng dạ dày

SKĐS - Nam thanh niên 21 tuổi vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cứu sống vì thủng dạ dày do dùng nhiều thuốc giảm đau.

Trên thực tế lâm sàng thường xuyên ghi nhận và phẫu thuật nội soi cấp cứu thủng ổ loét dạ dày – tá tràng. Điều đáng nói là nhiều người bệnh thường có những cơn đau bụng vùng thượng vị nhiều năm nhưng rất chủ quan, không thăm khám và điều trị.

Viêm phúc mạc do thủng dạ dày

Mới đây nhất, bệnh nhân là ông N.T.K. (70 tuổi, ở Hà Nội) bị đau bụng thượng vị 3 ngày. Sau đó bệnh nhân được người nhà đưa tới bệnh viện trong tình trạng đau bụng thượng vị đột ngột, dữ dội, liên tục. 

Qua thăm khám và kết quả chụp X-quang, CT ổ bụng cho thấy có khí tự do ổ bụng và liềm hơi dưới cơ hoành. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa thống nhất chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng ổ loét dạ dày – tá tràng và chỉ định mổ nội soi cấp cứu khâu lỗ thủng.

Quá trình phẫu thuật nội soi người bệnh được khâu lỗ thủng mặt trước hành tá tràng, lau rửa sạch dịch bẩn, dẫn lưu ổ bụng. Sau mổ, bệnh nhân đã ổn định và dự kiến xuất viện sau 5 - 7 ngày điều trị.

Viêm loét dạ dày hành tá tràng có thể gây biến chứng nguy hiểm

Thủng ổ loét dạ dày – tá tràng có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường gặp nhất là độ tuổi lao động. Gặp ở nam nhiều hơn nữ, có thể do chế độ ăn uống sinh hoạt uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá..

Thủng ổ loét dạ dày – tá tràng nếu không được chẩn đoán, xử trí sớm sẽ dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh như: Viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng, suy đa tạng…

Bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng tưởng như đơn giản, nhưng lại có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng. Thủng ổ loét dạ dày - tá tràng là một biến chứng rất nguy hiểm của bệnh, tỷ lệ tử vong cao nếu phát hiện và điều trị muộn. 

Để tránh những biến chứng không đáng có, ngay khi có các triệu chứng của bệnh, người bệnh nên đi khám để phát hiện và điều trị bệnh sớm.

Đau bụng, viêm loét dạ dày: Thận trọng với thủng dạ dày - tá tràng - Ảnh 2.

Thủng dạ dày - tá tràng rất nguy hiểm và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Biểu hiện của thủng dạ dày - tá tràng

- Bệnh nhân thường đau bụng đột ngột, dữ dội, giống như dao đâm vùng thượng vị, làm cho bệnh nhân nhớ rất rõ thời điểm đau, sau đó lan khắp bụng. Đau nhiều đến nỗi bệnh nhân không dám xoay trở người. Đau là triệu chứng chính và cũng là nguyên nhân đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

- Trong giai đoạn đầu, dấu hiệu sinh tồn chưa thay đổi, khoảng 30% bệnh nhân bị sốc trong những giờ đầu sau khi thủng. Sốc thường thoáng qua vài phút đến nửa giờ với các biểu hiện: Mặt tái nhợt, toát mồ hôi lạnh, hạ thân nhiệt, huyết áp giảm nhẹ, sau đó toàn thân trở về bình thường.

- Ở giai đoạn viêm phúc mạc do vi trùng, bệnh nhân sốt cao, mạch nhanh, nước tiểu giảm. Nếu bệnh nhân được phát hiện muộn sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng.

- Giai đoạn muộn, tình trạng viêm phúc mạc nặng có thể đưa tới liệt ruột, làm bệnh nhân có triệu chứng bí đại tiện, nhu động ruột không nghe thấy, bụng chướng căng.

- Triệu chứng viêm phúc mạc toàn thể biểu hiện rất rõ: Bệnh nhân nằm yên, không dám cử động vì đau, bụng không di chuyển theo nhịp thở. Bụng gồng cứng như gỗ, có thể mất vùng đục trước gan.

Điều trị thủng dạ dày - tá tràng

Thủng dạ dày - tá tràng là một cấp cứu ngoại khoa. Hầu hết thủng dạ dày - tá tràng đều phải phẫu thuật. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể không cần phẫu thuật.

Trong một số trường hợp bệnh nhân phải phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày, vừa điều trị biến chứng thủng, vừa điều trị bệnh loét. Đây là phẫu thuật nặng, có thể có những biến chứng, di chứng về sau, nhất là khi bệnh nhân không được chuẩn bị kỹ, khoang bụng bẩn...

Tóm lại: Thủng dạ dày - tá tràng rất nguy hiểm và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, khi có các dấu hiệu đau bụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua… người bệnh cần phải đến cơ sở y tế thăm khám để phát hiện sớm bệnh lý viêm dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư… 

Người bệnh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, học tập và lao động điều độ, xây dựng chế độ ăn nghỉ khoa học, đúng giờ. Hạn chế ăn muộn, thức đêm, kiêng bia rượu, thuốc lá. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị các chứng bệnh liên quan đến viêm loét dạ dày.

BSCKI. Nguyễn Viết Tuấn
Ý kiến của bạn