Trần Thị Lưu Ly (Hà Nội)
Trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân như bạn không phải là hiếm gặp. Trên thực tế, đau bụng không rõ nguyên nhân có thể đến với bất kỳ ai, từ trẻ nhỏ tới người lớn. Về mặt cơ chế, đau bụng trong khi không có tổn thương nào xảy ra (đau bụng chức năng) do các tín hiệu thần kinh được tiết ra từ não hoặc ruột đã khiến cho ruột trở nên nhạy cảm quá mức đối với tác nhân gây đau. Một số yếu tố sau được cho là có thể dẫn tới đau bụng chức năng: Vấn đề tâm lý như lo lắng, căng thẳng, trầm cảm; Không dung nạp một số thực phẩm như gluten, fructose, lactose; Sử dụng chất kích thích; Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs. Khi bạn đã được thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán một cách cẩn thận và được kết luận là đau bụng không rõ nguyên nhân thì có thể yên tâm là các cơ quan trong ổ bụng của bạn vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Đau bụng có thể nghĩ tới nguyên nhân tâm lý. Nếu công việc nhiều áp lực, mối lo chăm sóc con cái và gia đình có thể khiến bạn lo lắng quá mức. Khi bị rối loạn lo lắng kéo dài, nhiều người có thể xuất hiện các triệu chứng đau không cụ thể ở các cơ quan trong cơ thể, phổ biến nhất là đau tim vùng trước ngực, đau dạ dày vùng thượng vị,... Lúc này, việc thực hiện các xét nghiệm như chụp Xquang, CT-scanner, MRI, nội soi,... đều không phát hiện được các tổn thương đặc hiệu. Để phòng ngừa cơn đau trở lại, bạn thử các cách sau đây: dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục; không đặt tham vọng, thử thách quá cao mà bản thân không thể thực hiện được; học hỏi bạn bè, quan hệ cởi mở; luyện yoga hay thiền để tạo cân bằng về cảm xúc của cơ thể; nên chia sẻ tình trạng buồn phiền, lo lắng với người thân, bạn bè.