Đau bụng kéo dài, đại tiện khó có thể do ung thư đại tràng

30-07-2021 21:18 | Bệnh thường gặp

Một bệnh nhân ở Hà Nội, nhập viện với tình trạng đau bụng vùng mạn sườn trái kèm đại tiện khó, sau thăm khám được bác sĩ chẩn đoán ung thư đại tràng góc lách (đại tràng trái).

Dấu hiệu ung thư đại tràng

Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện E vừa thực hiện thành công ca mổ nội soi cắt đại tràng trái và vét hạch cho một bệnh nhân nam, 58 tuổi. Được biết bệnh nhân có tiền sử điều trị trĩ bằng phẫu thuật LONGO cách 5 năm.

TS. BS Đặng Quốc Ái (Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện E), người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân đến khám với dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa là đau bụng vùng mạn sườn trái kèm đại tiện khó. Sau thăm khám, bệnh nhân được chỉ định nội soi đại tràng, đồng thời sinh thiết làm giải phẫu bệnh với kết quả ung thư biểu mô tuyến.

Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy khối u đại tràng góc lách ăn ra hết lớp đại tràng nhưng chưa xâm lấn xung quanh và có một số hạch cạnh khối u. Các bác sĩ chẩn đoán ung thư đại tràng góc lách cT3N1M0 và chỉ định mổ nội soi cắt đại tràng trái cao và vét hạch.

Đau bụng kéo dài, đại tiện khó - Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng - Ảnh 1.

Hình ảnh nội soi đại tràng của người bệnh.

TS. BS Đặng Quốc Ái cũng cho biết thêm, cách đây 5 năm, bệnh nhân đã được phẫu thuật điều trị trĩ theo phương pháp LONGO. Bệnh nhân đã được làm đầy đủ các thăm dò cận lâm sàng bao gồm cả nội soi toàn bộ đại tràng nhưng không thấy bất kỳ tổn thương nào kể cả polyp.

Như vậy, có thể khối ung thư mới phát triển sau này hoặc tổn thương quá nhỏ không thể nhìn thấy qua nội soi. Do đó, khuyến cáo nội soi đại tràng kiểm tra định kỳ ở những người không có yếu tố nguy cơ theo hướng dẫn của các hiệp hội quốc tế là 10 năm nếu lần soi trước bình thường thì vẫn có nguy cơ bỏ lọt ung thư đại tràng.

Chính vì vậy, khi có các biểu hiện rối loạn tiêu hoá ở những người lớn tuổi, các bác sĩ cần cân nhắc tới việc nội soi lại đại tràng để kiểm tra, tuy nhiên giữa hai lần nội soi gần quá thì cũng không nên và không cần thiết.

Đau bụng kéo dài, đại tiện khó - Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng - Ảnh 2.

Bệnh phẩm lấy được sau phẫu thuật nội soi.

Các biện pháp phòng ngừa ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng thường bắt đầu lành tính (gọi là polyp). Polyp là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Mặc dù polyp không phải là ung thư nhưng chúng có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài.

Phát hiện, xử lý sớm polyp đại tràng để phòng ung thư đại tràng

Cách tốt nhất để phòng tránh ung thư đại tràng là phát hiện, xử lý sớm polyp đại tràng bằng nội soi. Polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi đại tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển. Do đó, kiểm tra phát hiện polyp tiền ung thư và cắt bỏ trước khi nó trở thành ung thư là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.

Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày:

- Cần hạn chế các loại thức ăn làm tăng yếu tố sinh ung thư như thực phẩm chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, các loại thức uống có cồn…. Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng.

- Tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây. Chất xơ xúc tiến quá trình tiêu hoá, giúp tống chất phế thải ra khỏi cơ thể mau chóng hơn, do đó giảm sự tồn tại của các chất độc (các chất gây ung thư) trong cơ thể. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.

- Hoạt động thể lực, tập luyện thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

Ngọc Anh
Ý kiến của bạn