Đau bụng cảnh giác với xoắn ruột cần nhập viện khẩn cấp

03-05-2025 21:25 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Xoắn ruột có thể dẫn tới tắc ruột và điều này làm cản trở nguồn cung cấp máu cho đoạn ruột bị xoắn. Đây là một tình trạng cấp cứu cần thiết phải điều trị bằng phẫu thuật. Nếu không được điều trị kịp thời thì phần ruột bị thiếu máu nuôi dần dần sẽ chết đi.

Dấu hiệu xoắn ruột ở trẻ sơ sinhDấu hiệu xoắn ruột ở trẻ sơ sinh

SKĐS - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái sơ sinh 9 ngày tuổi bị xoắn ruột non. Rất may được phát hiện kịp thời nên đoạn ruột bị xoắn không bị hoại tử và cắt bỏ. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Xoắn ruột non thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở người trưởng thành thì hiếm khi bị xoắn ruột non. Ở người lớn thì xoắn ruột có xu hướng diễn ra ở ruột già hay còn được biết là xoắn đại tràng sigma.

Đau quặn bụng từng cơn bác sĩ phát hiện ruột xoắn gây tắc, hoại tử 1,1 mét

Ngày 1/5/2025 các bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiếp nhận bệnh nhân là nam giới 57 tuổi bị đau quặn bụng từng cơn, không thể đại tiện do ruột xoắn gây tắc, hoại tử 1,1 mét.

Bệnh nhân vào viện với các cơn đau dữ dội, huyết áp tụt, có dấu hiệu đề kháng thành bụng (phản ứng thành bụng co lại khi ấn mạnh) - một trong những biểu hiện nguy hiểm của tắc ruột. Các chẩn đoán hình ảnh ghi nhận bệnh nhân tắc ruột non, có nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương mô nghiêm trọng.

Bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ trong tình trạng sốc nhiễm trùng. Ruột non bị xoắn và viêm dính nghiêm trọng, dẫn đến hoại tử một đoạn ruột dài 1,1 mét. Bác sĩ đã gỡ dính, tháo xoắn và cắt bỏ đoạn ruột non hoại tử, nối lại đoạn ruột còn lành để tái lập lưu thông tiêu hóa.

Sau mổ bệnh nhân được hồi sức tích cực, tập vật lý trị liệu và dinh dưỡng hỗ trợ, giúp nhanh chóng hồi phục. Tuy nhiên do bị cắt bỏ một phần ruột non dài, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp hội chứng ruột ngắn sau này, gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng, cần được thiết lập chế độ ăn uống phù hợp.

Đau bụng cảnh giác với xoắn ruột cần nhập viện khẩn cấp- Ảnh 2.

Xoắn ruột cần điều trị ngay lập tức và thường phải phẫu thuật.

Nguyên nhân gây xoắn ruột

Ở trẻ em thì xoắn ruột non thường gặp là do sự xoay không bình thường của ruột. Quá trình xoay bất thường được xác định khi mà có vấn đề trong quá trình hình thành ruột non, nghĩa là chúng được đặt sai vị trí bình thường. Điều này dẫn tới ruột non bị xoắn hoặc trở nên tắc nghẽn.

Ở người lớn nguyên nhân xoắn đại tràng sigma bao gồm:

  • Đại tràng phì đại.
  • Sự dính trong ổ bụng hình thành sau phẫu thuật, chấn thương hoặc nhiễm trùng.
  • Bệnh lý của ruột già, chẳng hạn như bệnh Hirschsprung’s.
  • Đại tràng không được cố định vào thành bụng.
  • Sự bắt chéo nhau tại vị trí mạc treo.
  • Táo bón mạn tính.
  • Mang thai.

Triệu chứng của xoắn ruột

Các triệu chứng của xoắn ruột xuất hiện một cách đột ngột và nặng nề, vì vậy đa số mọi người thường đi thẳng tới phòng cấp cứu để được khám ngay.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau bụng và dễ bị kích thích.
  • Ói ra mật xanh.
  • Buồn nôn.
  • Bụng chướng.
  • Đi tiêu ra máu.
  • Táo bón.
  • Sốc.

Ở trẻ nhỏ có thể có thêm các triệu chứng sau:

  • Những cơn khóc thét.
  • Hôn mê.
  • Nhịp tim nhanh và thở nhanh.
  • Cử động chân giống như vẽ khi đau.

Thỉnh thoảng trẻ có những khoảng thời gian không có triệu chứng nào xen kẽ giữa những lần biểu hiện bệnh.

Trong những trường hợp này có thể là do xoắn ruột không hoàn toàn, các triệu chứng lặp lại có chu kì cũng như là khi mất đi.

Lời khuyên thầy thuốc

Xoắn ruột cần điều trị ngay lập tức và thường phải phẫu thuật. Trong quá trình mổ các bác sĩ sẽ tiến hành tháo xoắn, sau đó mạch máu sẽ được tái lập để cấp máu cho đoạn ruột bị xoắn. Nếu đoạn ruột bị xoắn mất máu quá lâu, không thể hồi phục được thì bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ đoạn ruột bị xoắn, rồi nối 2 đầu của 2 đoạn ruột lại với nhau.

Bác sĩ khuyến cáo cần luôn theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể để có giải pháp kịp thời nếu bị xoắn ruột.

Vì vậy, khi bị đau bụng hoặc nghi ngờ bất thường thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị ngay. Tuyệt đối không tự mua thuốc giảm đau để uống vì làm che lấp mất các triệu chứng nguy hiểm.

Cách làm dịu cơn đau bụng do hội chứng ruột kích thíchCách làm dịu cơn đau bụng do hội chứng ruột kích thích

SKĐS - Đau bụng do hội chứng ruột kích thích thường tái phát, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh. Áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc tại nhà có thể nhanh chóng làm dịu cơn đau này.

BS Nguyễn Văn Long
Ý kiến của bạn