Dấu ấn Việt Nam tại Singapore Lecture

27-01-2017 09:57 | Quốc tế
google news

SKĐS - Bắt đầu từ năm 1980, Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức các chương trình Singapore Lecture (Đối thoại Singapore).

Bắt đầu từ năm 1980, Viện Yusof Ishak - Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức các chương trình Singapore Lecture (Đối thoại Singapore). Quan điểm của Việt Nam trong việc duy trì sự ổn định, phát triển bền vững cho Cộng đồng ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày tại Singapore Lecture lần thứ 38.

Viện Yusof Ishak - ISEAS là một tổ chức độc lập, được thành lập theo một đạo luật năm 1968 của Quốc hội Singapore. Viện Yusof Ishak hoạt động với các tiêu chí rất rõ ràng: nghiên cứu chuyên sâu về sự phát triển và các xu hướng chính trị - xã hội; an ninh, kinh tế tại khu vực Đông Nam Á và môi trường kinh tế, địa chiến lược mà khu vực tác động; khuyến khích việc nghiên cứu và thảo luận trong giới học giả, tăng cường nhận thức chung về khu vực và thúc đẩy tìm kiếm những giải pháp khả thi cho các vấn đề khác nhau của khu vực; phát triển cộng đồng học giả quan tâm đến khu vực tham gia nghiên cứu đa chiều về các vấn đề ổn định, an ninh, phát triển kinh tế và những thay đổi về chính trị, xã hội, văn hóa... Singapore Lecture là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, chính khách bày tỏ quan điểm, chủ trương của các quốc gia, chính phủ, tổ chức mà họ đại diện đối với các vấn đề khu vực và quốc tế có liên quan mật thiết đến ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trước các cử tọa là quan chức chính phủ, nhà ngoại giao, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả, sinh viên và giới truyền thông Singapore và quốc tế.

Nhiều nhà lãnh đạo, chính khách nổi tiếng thế giới đã từng tham dự và phát biểu tại Singapore Lecture về các vấn đề khu vực và quốc tế, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Anna (Cô-phi A-nan), Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto (Ri-u-ta-rô Ha-si-mô-tô), Tổng thống Cộng hòa Nam Phi Nelson Madela (Nen-sơn Man-đê-la), Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-khen), Thủ tướng Australia Tony Abbout (Tô-ni Áp-bốt), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Na-ren-đa Mô-đi)...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam phát biểu tại Singapore Lecture.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam phát biểu tại Singapore Lecture.

Một ASEAN năng động về kinh tế, ổn định về chính trị

Trong bài phát biểu tại Singapore Lecture lần thứ 15 (tháng 1/1997), Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto khi đó đã đề cập tới việc hướng tới “quan hệ đối tác sâu rộng hơn” giữa Nhật Bản và ASEAN. Bối cảnh khi ấy là ASEAN-7 (7 thành viên Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), nhưng đã có sự định hình cho ASEAN-10 trong tương lai gần (Lào và Myanmar gia nhập ASEAN tháng 7/1997, Campuchia tháng 4/1999). Và đó là thời điểm ASEAN kỷ niệm 30 năm thành lập. Khi ấy, Nhật Bản đã nhìn nhận vai trò năng động và quan trọng của ASEAN trên trường quốc tế.

Ông Ryutaro Hashimoto khi đó đã nhấn mạnh: “ASEAN có vị thế quan trọng trên trường quốc tế trong vai trò là một mô hình thành công, đạt được cả sự tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị. Các sáng kiến ngoại giao năng động của ASEAN đã mang lại những thành tựu nổi bật. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) định hình vững chắc là một cơ chế an ninh đa phương đóng góp vào sự ổn định khu vực. Cùng với đó, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) được khởi xướng như là một cam kết lịch sử đối với việc tăng cường mối quan hệ giữa châu Á và châu Âu... Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong suốt 30 năm tồn tại của ASEAN, Nhật Bản luôn là một người bạn. Cùng nhau hợp tác, chúng ta đi trên con đường hướng tới sự phồn thịnh về kinh tế, trợ giúp lẫn nhau... Hôm nay, khi mà thế kỷ 21 chỉ còn cách chúng ta 4 năm, tôi muốn trao đổi về vấn đề Nhật Bản và ASEAN cần cải tiến mối quan hệ hợp tác theo hướng phù hợp hơn cho một kỷ nguyên mới”.

Đứng trước các quan chức Chính phủ, giới học giả, nhà nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp ở Sigapore Lecture lần thứ 31 (tháng 6/2011), Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh rằng, hội nhập kinh tế, hợp tác chính trị là những nhân tố chính yếu bảo đảm sự phát triển của ASEAN. Bà Merkel khẳng định: “Giống như châu Âu, khởi nguồn của ASEAN là hội nhập kinh tế. Tôi chỉ có thể nói rằng, các bạn cần liên tục đi theo con đường này. Thương mại tự do và mục tiêu tạo lập một thị trường chung nội khối sẽ đưa các quốc gia các bạn xích lại gần nhau. Cùng với đó, sự hợp tác về chính trị trong khu vực ASEAN ngày càng trở nên quan trọng... Liên minh châu Âu nhận thấy ASEAN là một đối tác gần gũi và luôn tôn trọng tổ chức khu vực này. Nếu xét đến sự đa dạng văn hóa của các quốc gia thành viên ASEAN, sự hợp tác chặt chẽ là việc quan trọng và cần phải thực hiện, dù đó dĩ nhiên là nhiệm vụ không dễ dàng”.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới nhìn thấy tiềm năng về kinh tế, chính trị trong hợp tác giữa ASEAN với đất nước họ. Một ASEAN hòa bình, an ninh và phát triển bền vững sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Đoàn kết, chung tay hành động, biến ước vọng thành hiện thực

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Singapore từ ngày 28-30/8/2016, cùng với các hoạt động ngoại giao song phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn Singapore Lecture lần thứ 38 với chủ đề “Đoàn kết, chung sức hành động, cùng phát triển bền vững”.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta từng có những phát biểu trước giới nghiên cứu, học giả ở Singapore, đáng chú ý là bài phát biểu gây tiếng vang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu vào năm 2012. Còn bây giờ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam phát biểu tại Singapore Lecture. Quan điểm của Việt Nam về một Cộng đồng ASEAN ổn định, hợp tác và phát triển, một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển mình với nhiều cơ hội và thách thức, hướng tới những điều tốt đẹp đã nhận được sự quan tâm của khoảng 550 đại biểu, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao, quan chức ngoại giao, học giả, nhà nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp Singapore.

Chào mừng các đại biểu tới tham dự Singapore Lecture lần thứ 38, Phó Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng Điều phối về các vấn đề an ninh Tiêu Chí Hiền (Teo Chee Hean) giới thiệu, Việt Nam đã nổi lên như là một câu chuyện thành công về kinh tế ở khu vực, đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, đi cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng. Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đạt được sự phát triển ấn tượng, nền kinh tế tăng trưởng đều, với tốc độ trên 6%, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt mức kỷ lục... So sánh với Singapore, Phó Thủ tướng Tiêu Chí Hiền cho rằng, Việt Nam cũng là một nền kinh tế hướng ngoại, chủ trương ủng hộ các hiệp định thương mại tự do kết nối khu vực, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Từ thực tế đó, một Việt Nam an toàn, ổn định và thân thiện luôn mong muốn hòa bình, an ninh và phát triển bền vững cho Cộng đồng ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam nhận thức rất rõ, rằng mong ước ấy chỉ trở thành hiện thực khi tất cả các quốc gia đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.

Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - chiến lược, kinh tế, chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Biển Đông nằm trong lòng khu vực Đông Nam Á, đem lại nhiều lợi ích quan trọng không chỉ cho các quốc gia trong khu vực mà còn là tuyến giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới. Cả khu vực đang nỗ lực vươn lên, thúc đẩy các sáng kiến liên kết, hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... Tuy nhiên, những diễn biến đáng quan ngại gần đây trong khu vực và trên biển Đông đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh khu vực, nhất là tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, có nguy cơ làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác khu vực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam: “Nếu để xảy ra mất ổn định, nhất là xung đột vũ trang thì không có người thắng, người thua, mà tất cả cùng thua”.

Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chuyển thông điệp của Đảng, Nhà nước Việt Nam, tập trung vào phát triển bền vững và môi trường phục vụ phát triển bền vững trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, tác động toàn diện, nhiều chiều tới môi trường an ninh và phát triển ở khu vực. Bài phát biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu hợp tác nội khối ASEAN, kết nối kinh tế các nước thành viên.

Ước vọng về hòa bình, an ninh và phát triển bền vững đối với khu vực càng cháy bỏng hơn bao giờ hết. Để cơ hội không trở thành sự nuối tiếc, triển vọng chỉ là sự thất vọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh, con đường duy nhất để biến ước vọng thành hiện thực là tất cả quốc gia đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định một thực tế, mục tiêu của ASEAN cũng chính là sự đoàn kết, chung tay hành động, tăng cường hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi của các quốc gia thành viên. Nhiều năm qua, với tầm nhìn vượt qua những lợi ích riêng của mình, ASEAN đã và đang thể hiện tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, có trách nhiệm đối với những mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và khu vực, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh... ASEAN cho đến nay đã rất thành công trong việc thu hút sự can dự chiến lược của các nước lớn vì lợi ích chung là hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới. Một cấu trúc khu vực đa cực, đa tầng nấc với vai trò trung tâm của ASEAN là phù hợp và đáp ứng lợi ích của tất cả các bên.

Lập trường của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế một lần nữa được khẳng định tại Singapore Lecture. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam chú trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ hợp tác với đối tác lớn, đối tác quan trọng, nâng cao hiệu quả hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.

Về vấn đề biển Đông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình chính trị, ngoại giao, pháp lý, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, yêu cầu các bên liên quan nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Lịch sử đã cho thấy, đoàn kết, trong đó có đoàn kết quốc tế là “truyền thống quý báu và bài học lớn” của dân tộc Việt Nam. Những bài học kinh nghiệm đó ảnh hưởng sâu sắc đến đường lối, chính sách đối ngoại và hành động của Việt Nam. Những phát biểu, những buổi hội đàm, tiếp kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta khi khách quốc tế đến thăm hay khi công cán ở nước ngoài, trong đó có hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong năm 2016, đã mang tới cho bạn bè trên thế giới những giá trị, bản sắc quý báu của truyền thống anh hùng, văn hiến Việt Nam, góp phần quan trọng nâng cao tầm vóc, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.


Nguyễn Đức Dũng (Phóng viên chuyên trách của Chủ tịch nước)
Ý kiến của bạn
Tags: