Dấu ấn Việt Nam-EU

04-12-2015 16:35 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (30/11-2/12) mang đậm dấu ấn ngoại giao song phương và đa phương, đặc biệt cho thấy tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-EU.

Việt Nam giành được sự ủng hộ quốc tế trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị 21 Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, Pháp. Trước 150 nguyên thủ quốc gia nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu tới sự phát triển bền vững trên thế giới, khẳng định cam kết chính trị của chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua phiên đối thoại về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì với Thủ tướng Hà Lan và Phó Chủ tịch WB, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ của các đối tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết thúc phiên đối thoại, các bên đã ra Tuyên bố chung giữa Việt Nam, Hà Lan và WB về việc ủng hộ và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Thời khắc lịch sử trọng đại Việt Nam-EU

Ngày 2/12 đánh dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam-EU khi hai bên ký kết văn kiện chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thông qua dưới sự chứng kiến của những người đặt nền móng cho Hiệp định là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker. Tại lễ ký kết, lãnh đạo cả hai bên đồng khẳng định: “Đây là thời khắc lịch sử trọng đại và  là một dấu ấn đặc biệt kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: VGP

Sau khi được phê chuẩn, Hiệp định này có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế, nhất là phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của hàng hóa Việt Nam. Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 31 tỷ USD trong 9 tháng năm nay, trong đó Việt Nam xuất khẩu tới gần 23 tỷ USD…

Cũng nhân dịp này, Việt Nam và EU đã ra Tuyên bố chung trong đó nêu rõ:

“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu sẽ góp phần phát triển kinh tế và xã hội của cả hai bên thông qua việc tăng cường tiếp cận thị trường của mỗi bên. Hiệp định cũng sẽ mang lại một làn sóng đầu tư chất lượng cao từ cả hai phía, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thông minh và có sức cạnh tranh hơn. Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn. Với dân số 93 triệu người, cùng với sự gia tăng sức mua và lực lượng lao động trẻ và năng động, Hiệp định sẽ mang lại cho EU những cơ hội lớn hơn đối với xuất khẩu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hơn nữa, Hiệp định còn là một dấu mốc quan trọng đối với tổng thể quan hệ thương mại ASEAN – EU, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và EU. Hiệp định Thương mại tự do, cùng với Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) Việt Nam – EU, sẽ giúp tạo dựng một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn. Chúng tôi trông đợi quá trình phê chuẩn PCA sẽ sớm được EU hoàn tất để hai bên triển khai đầy đủ Hiệp định này.”

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán EVFTA dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker. (Nguồn: AFP)

Trong Tuyên bố chung cũng nêu rõ quan điểm và lập trường của Việt Nam cũng như EU đối với các vấn đề quốc tế nổi cộm như biến đổi khí hậu, tị nạn hay vấn đề Biển Đông.

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết về một hiệp định về biến đổi khí hậu ràng buộc về pháp lý đối với tất cả các bên tại Hội nghị COP 21 ở Paris. Hiệp định này phải tạo ra được một nền tảng vững chắc để giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức dưới 2 độ, bao gồm mục tiêu dài hạn, đóng góp minh bạch và có trách nhiệm, và cho phép nâng cao tham vọng trong tương lai. Chúng tôi quyết tâm tăng cường hợp tác để phát triển “năng lượng bền vững cho mọi người”, Tuyên bố nêu rõ.

Đối với vấn đề Biển Đông, cả EU và Việt Nam đều ủng hộ duy trì hòa bình, an ninh, và tự do hàng hải, bày tỏ quan ngại về hoạt động bồi đắp, nhất trí về việc không sử dụng vũ lực, và tuân thủ theo luật pháp quốc tế:

“Chúng tôi đã trao đổi về các thách thức khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề khủng hoảng di cư và tị nạn, và nhất trí cùng hợp tác để giải quyết các thách thức này. Chúng tôi nhất trí rằng việc tăng cường quan hệ đối tác sẽ góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Chúng tôi khẳng định cam kết duy trì hòa bình, tăng cường an ninh, tự do hàng hải và hàng không, giao thương hợp pháp không bị cản trở ở khu vực Biển Đông. Chúng tôi chia sẻ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn và nhất trí về tầm quan trọng đặc biệt phải kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có những hành động đơn phương và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Chúng tôi ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).”


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn