Dấu ấn văn hóa của người Khơmú

23-11-2019 20:21 | Xã hội
google news

SKĐS - Khơ-mú là một trong những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme. Ở miền Bắc Việt Nam, người Khơ mú tập trung ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa và Nghệ An. Người Khơ Mú thích múa xoè, thổi các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa tự tạo, thổi kèn môi. Đặc biệt làn điệu dân ca quen thuộc nhiều người ưa thích là Tơm. Làn điệu này mang đậm tính sử thi, trữ tình, cách hát theo kiểu đối đáp.

Ngày 23/24-11, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức chương trình “Âm nhạc của người Khơ -mú ở Nghệ An và Điện Biên” nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của người dân tộc vùng Tây Bắc.

Người Khơ Mú Nghệ An trong làn điệu Tơm hát mừng nhà mới.

Âm nhạc của người Khơ mú đã tồn tại và phát triển tương đối đa dạng, phong phú. Trong kho tàng văn nghệ dân gian của mình, bên cạnh làn điệu dân ca tơm, người Khơmú còn sở hữu các thể loại nhạc cụ dân gian khá phong phú, độc đáo.

Cùng với các dạng thức văn hóa khác, nhạc cụ dân gian và các hình thức diễn xướng của người Khơmú được xem như là một trong những yếu tố đặc trưng tộc người nổi bật nhất. Thông qua trình diễn âm nhạc, ta có thể nhận diện được sắc thái văn hóa riêng, phân biệt giữa họ với các tộc người láng giềng.

Ông Vi Văn An, Tiến sĩ Phòng Nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: “Trong số cộng đồng dân tộc vùng Tây Bắc, văn hóa dân tộc của người Khơ-mú phát triển nhất, đặc biệt là các điệu múa tự biên, làn điệu dân ca Tơm và nhạc cụ dân gian như sáo, đàn trống, đàn môi, ống gõ, cồng chiêng... Các nhạc cụ này thường được dùng vào dịp lễ tết, cưới xin, mừng nhà mới, hay những dịp lễ hội của cộng đồng”.

Ông Frank Porschan, chuyên gia Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những nét đẹp riêng biệt trong văn hóa của người Khơ-mú thông qua những điệu múa và âm nhạc của họ. Đây là cơ hội tuyệt vời để họ quảng bá nét đẹp ấy tới người dân Thủ đô”.

Điệu múa boòng bụ (dỗ ống) của người Khơmú ở Điện Biên.

Nhảy sạp của người Khơmú ở Điện Biên.

Bên cạnh các điệu múa dân gian như: thằm đao đao, múa sạp, múa boòng bụ (dỗ ống), múa lắc eo tự biên của nhóm Khơmú đến từ tỉnh Điện Biên hay hòa mình vào các điệu múa trống chiêng, múa sạp với sự hướng dẫn của các nghệ nhân du khách còn được chứng kiến cách chế tác các loại nhạc cụ truyền thống cùng nghệ nhân Khơmú.

Chế tác nhạc cụ (sáo, đàn trống, đàn môi…) của người Khơmú ở Nghệ An.

Nghệ nhân người Khơmú ở Nghệ An biểu diễn cho các em nhỏ.Các em nhỏ được các nghệ nhân người Khơmú hướng dẫn sử dụng nhạc cụ.

Qua chương trình “Âm nhạc của người Khơ -mú ở Nghệ An và Điện Biên”là cơ hội để người Khơ-mú ở Điện Biên, Nghệ An giới thiệu tới công chúng về văn hóa dân gian của mình mà còn là cơ hội để giao lưu với những người Khơ-mú trên các tỉnh thành khác tại Việt Nam, Lào; đồng thời mở rộng cơ hội phát triển du lịch, kinh tế cho người dân tộc Tây Bắc nói chung và người dân Khơ-mú nói riêng. Bên cạnh đó, người Khơ-mú cũng có ý thức cao trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian của mình thông qua việc tự tổ chức các câu lạc bộ để những người trẻ học nhảy, múa, hát Tơm và cách làm dụng cụ dân tộc từ các thế hệ đi trước.


Tuấn Anh
Ý kiến của bạn