Dấu ấn tổ hỗ trợ F0 trường học

19-03-2022 09:48 | Y tế
google news

SKĐS - Nhằm hỗ trợ phụ huynh, giáo viên được tốt nhất, nhanh nhất trong việc chăm sóc, điều trị học sinh là F0, các thầy thuốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập nhóm tư vấn, chăm sóc người bệnh COVID-19 là học sinh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.

Nhiều nhóm hỗ trợ F0 được thành lập tại nhà trường

Trước số ca mắc COVID-19 nhiều ở các cơ sở giáo dục trong tỉnh Thanh Hóa, ý tưởng thành lập các nhóm Zalo quản lý người mắc COVID (F0) nhằm theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến, kết quả điều trị là cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh được lan tỏa rộng khắp.

Nhằm hỗ trợ các bậc phụ huynh được tốt nhất, nhanh nhất trong việc chăm sóc, điều trị học sinh là F0, các thầy thuốc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập nhóm Zalo tư vấn, chăm sóc người bệnh COVID-19 là học sinh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.

Dấu ấn tổ hỗ trợ F0 trường học - Ảnh 1.

Các thành viên trong nhóm, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm cho các em học sinh.

Khi con gái 8 tuổi dương tính với SARS-CoV-2, chị T.T.D. (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa hết sức lo lắng và mong muốn cho con được điều trị tại nhà.

Chị T.T.D. xúc động cho biết, không quản ngại giờ giấc, ngày đêm, tổ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà luôn bên cạnh, giúp đỡ gia đình chị điều trị cho con nhỏ. 

"Trong gần 2 tuần điều trị ở nhà, cháu đã hết sốt sau 3 ngày. Gia đình tôi rất cảm kích trước sự nhiệt tình, chu đáo của thầy thuốc và giáo viên trong tổ hỗ trợ", chị T.T.D. nói.

Tính riêng trên địa bàn TP Thanh Hóa đã lập được hơn 100 nhóm tư vấn, chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà ở các trường học thuộc các cấp học. 

Mỗi nhóm Zalo của từng trường được phân công từ 1 đến 2 bác sĩ, có nhiệm vụ thường xuyên nắm bắt thông tin, trực tiếp tham gia hỗ trợ các bậc phụ huynh, học sinh những biện pháp chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19.

Hằng ngày, thông qua nhóm, nhà trường nắm tình hình sức khỏe của các F0, tình hình học tập của học sinh trong thời gian cách ly điều trị. Đồng thời động viên, tư vấn tâm lý, tiếp nhận ý kiến phản ánh của các thành viên trong nhóm để kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các F0, nhất là các ca F0 có dấu hiệu chuyển biến nặng.

Dấu ấn tổ hỗ trợ F0 trường học - Ảnh 2.

Nhóm chat của 1 trường tiểu học TP Thanh Hóa với sự hỗ trợ, tư vấn của thầy thuốc BV Nhi

Thành phần nhóm Zalo quản lý F0 của mỗi nhà trường gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường; cán bộ phụ trách công tác y tế trường học; đại diện giáo viên chủ nhiệm; ban đại diện cha mẹ học sinh và toàn bộ đối tượng đang là F0 (đang điều trị, cách ly) của nhà trường. Trẻ em mầm non, học sinh không có phương tiện kết nối Zalo thì mời cha mẹ học sinh tham gia nhóm.

Tuy không phải là kênh chính thức, nhưng đội ngũ nhân viên y tế tham gia hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà trong các nhóm Zalo của từng trường học trên địa bàn thành phố đều là những bác sĩ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân COVID-19, nhiệt tình, trách nhiệm với  từng người bệnh.

Hỗ trợ hiệu quả F0 điều trị tại nhà

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngoài việc giảm tải cho các cơ sở y tế, việc hỗ trợ điều trị F0 qua các phương tiện mạng xã hội đã giúp động viên cha mẹ phụ huynh có con em đang điều trị được vững tâm và được chăm sóc tốt ngay tại gia đình.

Gia đình chị L.H.L. (phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hóa) có 6 người, 2 người là F0. "Ngay khi phát hiện cháu bé đang học lớp 3 trở thành F0, tôi được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ điều trị tại nhà và thường xuyên được hỏi thăm về sức khỏe nên rất yên tâm. Đến nay, sức khỏe của cháu và các thành viên gia đình tôi ổn định và khỏe hẳn".

Cô giáo Phạm Thị Như, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc thành lập các tổ nhóm hỗ trợ cho y tế trường học trong điều trị F0 là các em học sinh rất quan trọng. Thầy thuốc ở các nhóm đều có kinh nghiệm đến từ BVĐK tỉnh Thanh Hóa, BV Nhi Thanh Hóa tham gia tư vấn với tinh thần tự nguyện đã hỗ trợ cho giáo viên và phụ huynh rất nhiều. "Qua tư vấn của thầy thuốc đã giúp phụ huynh yên tâm khi cho trẻ đến trường học trực tiếp", cô Như nói.

Trong thời điểm dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã, đang cố gắng, nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời áp dụng linh hoạt các phương án dạy học.

Bên cạnh đó, điều chỉnh tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tập trung dạy và học nội dung cốt lõi các môn học nhằm bảo đảm chất lượng học tập cũng như mục tiêu, nhiệm vụ năm học. 

Dịch bệnh còn phức tạp, học sinh và giáo viên nhiễm COVID-19 nhiều đã, đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các đơn vị trường học trong việc triển khai các phương án dạy học đảm bảo chất lượng. Việc hình thành các tổ nhóm tư vấn điều trị F0 bởi các thầy thuốc ở Thanh Hóa là việc đáng ghi nhận và trân trọng.

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 123.053 bệnh nhân COVID-19 cộng dồn; 119.506 người điều trị khỏi, ra viện; 70 bệnh nhân tử vong.

Công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19: Toàn tỉnh đã tiếp nhận 6.681.258 liều vaccine phòng COVID-19, đã và đang triển khai 22 đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với kết quả cụ thể như sau: Có 2.392.265/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,9%. 2.364.804/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 98,8%. Có 283.524/285.497 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,3%. Có 281.539/285.226 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 98,6%. Đã có 414.374 người tiêm mũi bổ sung và 1.002.117 người tiêm mũi nhắc lại.

Hàng hóa tăng giá, người tiêu dùng hoang mangHàng hóa tăng giá, người tiêu dùng hoang mang

SKĐS - Cùng với sự tăng giá của xăng dầu, một số mặt hàng thiết yếu cũng gia tăng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.


Phạm Thanh
Ý kiến của bạn