SKĐS - Giữa phố cổ Hà Nội, có một địa chỉ đặc biệt gắn liền với sự kiện ngày 2/9/1945, nơi chứa đầy kỷ niệm và kỷ vật về Bác Hồ trong ngày trọng đại của dân tộc.
Đó là di tích nhà số 48 Hàng Ngang (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 25/8/1945 đến ngày 2/9/1945.
Dấu ấn nơi khai sinh bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (nguyên là hiệu Phúc Lợi), một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, địa điểm buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ Hà Nội. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân.
Thời điểm đó, căn nhà số 48 Hàng Ngang được chọn làm nơi đón Bác Hồ về Hà Nội để chuẩn bị cho buổi Lễ Tuyên ngôn Độc lập là do nơi này hội đủ các yếu tố thuận lợi. Chủ nhà hết mực đi theo cách mạng. Địa thế nơi này hai mặt phố, có thể rút nhanh khi bị động. Đây là nơi buôn bán sầm uất. Chủ nhà là gia đình giàu có, ít người sẽ nghĩ trong nhà có cán bộ cách mạng.
Theo lời kể của gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ, trước đó, từ ngày 21/8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng gồm 15 người, trong đó có các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, được gia đình chăm lo chỗ ăn, chỗ ngủ chu đáo. Ngày 24/8, đồng chí Trường Chinh gặp bà Hoàng Thị Minh Hồ nói: "Chị thu xếp chỗ ở, có ông cụ ở quê lên chơi".
Trước đó, đồng chí Trường Chinh cũng đã về kiểm tra ngôi nhà theo chỉ thị của Bác. Sơ đồ nhà 48 Hàng Ngang được vẽ rất kỹ rồi đưa lên an toàn khu ở Thái Nguyên để Bác kiểm tra. Sau đó Bác đã chấp thuận về đây chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại của dân tộc.
Đoán đây là việc quan trọng, gia đình cụ Trịnh Văn Bô nhanh chóng thu xếp để đón khách. Khoảng 6 giờ chiều ngày hôm ấy, có một cụ già cùng hai người nữa đi vào nhà từ mặt phố Hàng Cân rồi lên căn phòng gác ba, nơi gia đình đã chuẩn bị sẵn để đón tiếp.
Ông cụ được vợ chồng chủ nhà nhường lại chiếc giường ngủ để nằm nghỉ. Ở căn phòng đó được 3 ngày thì ông cụ xuống ở tầng 2 vừa là nơi làm việc, vừa là nơi nghỉ của các đồng chí ở Trung ương Đảng cho gần gũi với mọi người.
Ngày 2/9/1945, bà Hoàng Thị Minh Hồ cùng gia đình đi dự lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Bà đã vô cùng xúc động khi người đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là "ông cụ" đã ở nhà bà, được gia đình vô cùng kính trọng.
Ghi nhận những đóng góp của gia đình, sau này, Bác Hồ xúc động bày tỏ với bà Hoàng Thị Minh Hồ rằng: "Gia đình cô là ân nhân của cách mạng".