Dấu ấn một thời gian khó!

15-09-2013 13:26 | Xã hội
google news

Tôi cùng đoàn công tác của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đi về Bắc Giang để kiểm tra, giám sát tình hình tiêm vaccin phòng bệnh cho trẻ em tại một số điểm tiêm chủng xã.

Tôi cùng đoàn công tác của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đi về Bắc Giang để kiểm tra, giám sát tình hình tiêm vaccin phòng bệnh cho trẻ em tại một số điểm tiêm chủng xã. Ðây là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng cao và an toàn do sự quan tâm tích cực của các cấp chính quyền và sự nỗ lực không ngừng của cán bộ thầy thuốc ngành y tế.

Đưa chúng tôi đi là đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, người dân tộc, còn rất trẻ. Trên đường trở về, chị Chu Thị Hoa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccin sinh phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh... đi cùng chúng tôi. Đó là một phụ nữ mảnh mai nhanh nhẹn, có gương mặt hơi khắc khổ, luôn tươi cười đôn hậu. Sau những trao đổi khá sôi nổi, say sưa về vaccin, về tình hình tiêm chủng..., chị Hoa kể cho chúng tôi nghe một số câu chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt thời chị đang công tác tại tỉnh Điện Biên.

"Chị bác sĩ đồng nghiệp của tôi một đêm trực ở bệnh viện. Chị ấy đi thăm khám cho bệnh nhân ở phòng cấp cứu trước. Không thấy có ca nào nghiêm trọng, chị ấy yên tâm tiếp tục đi xuống khoa. Vừa đến khoa thì thấy một ông dân tộc Mông hớt hải chạy theo báo cáo: - Bác sĩ ơi! Nó chết rồi!

Dấu ấn một thời gian khó! 1
 Bác sĩ Chu Thị Hoa đang kiểm tra vaccin trước khi tiêm cho trẻ.

Chị ấy hốt hoảng vội vã chạy về phòng cấp cứu, vấp một cái suýt ngã văng cả dép, còn một chiếc vướng chân chị quăng nốt chạy chân trần vừa chạy vừa thắc mắc. Mình vừa ở đấy ra có thấy trường hợp nào nguy kịch đâu. Ông người Mông chạy theo. Đến phòng, chị nhớn nhác nhìn căn phòng yên ắng hỏi ông ta: - Đâu? Ai chết?

Ông ta chỉ lên trần nhà...

Thì ra là cái quạt trần... chết. Chị thở phào. Người dân tộc gọi cái quạt không quay được nữa là chết giống như mình gọi chiếc xe không nổ máy được là bị chết máy vậy. Cái từ chết này được sử dụng cho nhiều tình huống khiến người ta dễ hiểu lầm. Chị bác sĩ đồng nghiệp của tôi bị một phen hết hồn...".

Cả đoàn chúng tôi cười vui vẻ. Bác sĩ Hoa trầm ngâm:

- Thế là đã 31 năm rồi tôi ở Điện Biên, gắn bó với bà con người dân tộc, nói được mấy thứ tiếng. Bây giờ sắp nghỉ hưu mới xin về Bắc Giang.

- Khi nãy xuống xã chị đi bằng gì?

- Xe máy.

- Xa thế mà chị đi xe máy?

- Xa thế này thấm vào đâu. Có xã còn xa hơn. Cả đi cả về gần 200 cây số, bọn tôi đi xe máy là chuyện thường ngày. Trung tâm có xe ôtô nhưng phải ưu tiên chống dịch và đi họp Trung ương... So với thời ở Điện Biên thì ở Bắc Giang thuận lợi hơn nhiều. Ngày xưa thiếu thốn đủ mọi bề...

Đang tươi cười hớn hở sau những câu chuyện tiếu lâm vừa kể, bỗng nhiên, vẻ mặt chị đăm chiêu khi nhớ về Điện Biên nơi chị đã gắn bó suốt 31 năm trời. Nơi ấy, khi vừa ra trường, chị được phân công về xã Phình Sáng, là một trong những xã xa nhất và khó khăn nhất của huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu, sau này là tỉnh Điện Biên, để tham gia chống dịch...

Chị lại tiếp tục kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà tôi nói đùa là chuyện cổ tích ngành y thời kỳ khó khăn gian khổ.

"Ngày đó dịch sởi tung hoành. Trẻ em chưa được tiêm vaccin như bây giờ, mắc bệnh không được đưa đi chữa trị, bị biến chứng vào phổi, chết nhiều lắm. Xã chúng tôi phụ trách lúc bấy giờ chủ yếu là người dân tộc Mông và Kháng, dân trí còn rất thấp. Con cái mắc bệnh ốm đau, đồng bào không đưa đi trạm xá hay bệnh viện mà chỉ để ở nhà mời thầy cúng đến cúng. Chúng tôi thuyết phục thế nào họ cũng không đưa con em họ ra trạm xá. Chúng tôi đành mang túi cứu thương đến tận nhà họ thuyết phục họ cho chúng tôi được tiêm thuốc kháng sinh cứu chữa cho các cháu. Song, họ kiên quyết không nghe. Họ không tin chúng tôi. Chúng tôi đến nhà một cháu trai chừng 3 tuổi bị mắc bệnh sởi biến chứng sốt cao viêm phổi nặng. Thầy cúng đang làm bùa phép cúng giải tà ma quỷ dữ. Cháu bé càng ngày càng khó thở và bắt đầu trở nên tím tái. Tôi vô cùng sốt ruột, cố thuyết phục gia đình cho tôi được hút đờm dãi và tiêm cho cháu mãi mà không được, đành kiên trì ngồi đợi. Đến khi thầy cúng quay ra tuyên bố: - Nó chết rồi! Làm ma cho nó! Tôi từ trong góc nhà vội nhào ra xin gia đình cho tôi được cứu cháu: - Đằng nào thì cháu nó cũng chết như lời ông thầy cúng nói, vậy cho tôi cơ hội được cứu cháu. May ra cháu sống lại được.

Lúc này gia đình mới đồng ý phó thác đứa con tưởng như đã chết rồi cho tôi. Thằng bé lúc này đã tím tái hết cả người do đờm dãi tắc đường thở của cháu. Ngày đó làm gì có dụng cụ hút đờm dãi như bây giờ. Tôi vội vã dùng miệng hút đờm dãi trong mũi và mồm của cháu bé ra theo như những gì tôi được học tại Trường Y sĩ Lai Châu. May quá! Cháu bé đã thở được trở lại, da dẻ cũng đã hồng lên. Tôi phối hợp ba loại thuốc: penixilin, streptomixin, lobelin pha nước cất thử phản ứng và tiêm cho cháu. Tôi tiêm đều đặn 5 ngày liền thế là cháu bé dần dần khỏe trở lại, khỏi bệnh. Chúng tôi mừng vô kể. Một tháng sau tôi được cấp trên gọi lên: - Cô được Chủ tịch xã Phình Sáng mời về làm y sĩ của trạm y tế. Họ chỉ đòi đích danh cô về thôi. Được đồng bào tin tưởng phải cố gắng nhé!

Thế là tôi gắn bó với Trạm Y tế xã Phình Sáng suốt 5 năm trời. Xã cách xa huyện lỵ tới 40 cây số. Đường xá đi lại vô cùng khó khăn. Không có đường ôtô đi đến như bây giờ. Chỉ có một cách duy nhất là đi bộ. Mùa mưa lũ thì coi như chịu chết, không tài nào đi nổi ra khỏi xã vì lũ quét, vì đất đá sạt lở... vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân chỉ còn cách giao phó tính mạng, sức khỏe cho chúng tôi. Chúng tôi phải đối mặt với nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Tự thấy trình độ chuyên môn của mình còn hạn chế, tôi quyết tâm đi học bác sĩ với mong muốn được phục vụ đồng bào tốt hơn. Năm 1996, tôi đi học Đại học Y Thái Nguyên. Năm 1999, tôi ra trường và tiếp tục trở về công tác tại Bệnh viện huyện Tuần Giáo, Điện Biên...

Dấu ấn một thời gian khó! 2
 Trẻ em đi tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Minh

Ngày đó, các thầy thuốc chúng tôi, đặc biệt là thầy thuốc Khoa Nhi và Khoa Sản ai cũng có một vành nẻ xung quanh miệng. Các anh các chị có biết vì sao không? Bởi vì hàng ngày chúng tôi phải phồng mồm căng má hà hơi thổi ngạt hoặc mút đờm dãi cho các cháu bé bị tắc đờm khi mới ra đời hoặc bị bệnh. Chẳng có một dụng cụ nào thay thế. Vì sự sống còn của các cháu, chúng tôi chỉ có một biện pháp gần như là duy nhất lúc ấy. Dùng miệng của mình để cứu các cháu. Cái vành nẻ phiền phức ấy thường làm cho chúng tôi đau rát khó chịu và đôi khi tứa máu rất xót khi bị mồ hôi thấm vào. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ vị mằn mặn, tanh nồng của đờm dãi những đứa trẻ mà tôi đã từng mút ra để cứu sống chúng".

Tôi nhìn chị ngỡ ngàng như nhìn một vị anh hùng và không khỏi thắc mắc.

- Chị không sợ bị lây bệnh à?

- Không! Tôi nghĩ trẻ con mới mắc sởi còn mình lớn rồi lo gì... Tôi cũng không hiểu vì sao mà tôi không hề ngại ngùng hay ghê sợ khi làm việc đó.

Có lẽ đó là bản năng cứu người trước sự sống còn của những sinh linh bé nhỏ mà những thầy thuốc đã lo lắng yêu thương chăm sóc như con cái của chính mình. Tôi thầm nghĩ và cố hình dung cái vành nẻ cao cả xung quanh miệng của những người thầy thuốc ngày ấy như thế nào. Có lẽ khi còn nhỏ, tôi cũng đã từng nhìn thấy nhưng tôi không để ý và coi nó bình thường như lẽ đương nhiên phải thế. Thiên chức nghề y là cứu người mà.
 
Ngày nay, bằng khoa học tiên tiến, công nghệ, trang thiết bị hiện đại, bằng trí tuệ, tài năng, tâm huyết và đôi bàn tay tài hoa, biết bao thầy thuốc đã cứu sống hàng vạn hàng triệu con người thoát khỏi tử thần trở về với cuộc sống thiêng liêng. Cái vành nẻ xung quanh miệng những người thầy thuốc trong những năm tháng khó khăn gian khổ ấy thật đơn thuần, giản dị.
 
Người ta đã không để ý đến nó, đã quên nó lâu rồi. Nhưng giờ đây, câu chuyện tình cờ bác sĩ Hoa kể lại cho chúng tôi nghe về cái vành nẻ xung quanh miệng những người thầy thuốc do thường xuyên phải phồng mồm căng má hà hơi thổi ngạt, mút đờm dãi để cứu sống những đứa trẻ... đã khiến cho trái tim tôi bật khóc. Và tôi đã âm thầm bí mật khóc một mình khi viết những dòng này, bởi vì, hơn bao giờ hết, tôi bàng hoàng nhận ra vẻ đẹp lung linh cao cả của những người thầy thuốc, nhận ra phẩm giá sáng ngời của nghề y cao quý với sự hy sinh quên mình không chút đắn đo do dự vì sự sống còn sinh tử của con người...
 
Với tôi, cái vành nẻ thiêng liêng trên gương mặt bác sĩ Hoa, trên gương mặt tất cả những người thầy thuốc vô danh trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc yêu thương ngày ấy... đã khắc ghi dấu ấn một thời. Đó chính là những tấm huân chương được tạc bằng máu thịt, bằng tình yêu thương và trái tim dâng hiến...

Bút ký của Hiền Anh

 


Ý kiến của bạn