Hà Nội

COVID-19 và dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc đời làm báo

30-01-2022 08:00 | Y tế

SKĐS - Trong làn sóng dịch lần thứ tư, khi dịch bệnh ập đến bất ngờ và đầy nguy hiểm tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; những ngày đầu tháng 7/2021, ngay khi đặt chân đến tâm dịch, nhóm phóng viên của Báo Sức khỏe&Đời sống đã tự đặt mình vào vị trí của người chiến sĩ trên mặt trận truyền thông;

sẵn sàng đối mặt với rủi ro để mang đến những hình ảnh, tin tức nóng nhất, chuẩn xác nhất tại hiện trường, giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ, toàn diện về diễn biến và công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tâm dịch.

Ảnh: Duy Linh

Ảnh: Duy Linh

"Đi công tác miền Nam nhé, chưa có ngày về"

Lời nói ngắn gọn của Thư ký tòa soạn vừa dứt trong điện thoại là cảm giác vui buồn lẫn lộn. Đó là cảm xúc của phóng viên Diễm Hằng khi nhận được "mệnh lệnh" từ cấp trên, vào những ngày đầu tháng 7/2021, khi dịch COVID-19 tại TP.HCM bắt đầu bùng phát mạnh, cả nước hướng sự quan tâm về miền Nam thân yêu.

Diễm Hằng vui vì được cơ quan giao nhiệm vụ quan trọng, được tác nghiệp, trải nghiệm tại một môi trường mới... nhưng lo lắng vì tâm dịch là nơi rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận, mình có thể lây nhiễm bệnh bất cứ khi nào và làm ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Phóng viên Diễm Hằng nhớ lại: "Gần 2 tháng công tác tại vùng dịch TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã để lại cho tôi rất nhiều kỉ niệm, kĩ năng và sự kiên cường.

Dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc đời làm báo - Ảnh 2.

Còn nhớ, khi vào tác nghiệp tại các khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, thời tiết miền Nam mưa nắng thất thường, cộng thêm ở đâu cũng là mùi khử khuẩn, khiến tôi vô cùng khó chịu và ngột ngạt. Các thiết bị phục vụ công việc như máy ảnh, điện thoại... đều phải bọc kín khiến quá trình lấy tư liệu gặp nhiều khó khăn, không cẩn thận sẽ rất dễ hỏng hình hoặc ra về tay trắng. Thế nhưng những điều mà tôi gặp phải chưa là gì so với nỗi vất vả của các y bác sĩ, nhân viên y tế.

Chứng kiến cảnh bác sĩ cấp cứu, giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19, có những lúc tôi đã muốn buông hết tất cả mọi thứ trên tay để lao vào hỗ trợ cấp cứu cho người bệnh, mặc dù không có chuyên môn. Thậm chí tim mình cũng đập nhanh và run sợ mỗi khi có thông báo ca bệnh trở nặng. Đi đến phòng cấp cứu thấy bác sĩ báo nhịp thở của bệnh nhân ổn định thì mình cũng thở phào nhẹ nhõm".

Cô trải lòng: "Kết thúc chuyến công tác dài ngày nhất với tôi, những bài học, sự trưởng thành cả về công việc lẫn suy nghĩ là điều tôi nhận lại được. Đối với một phóng viên, được xông pha, tác nghiệp tại vùng dịch là điều không phải ai cũng được trải qua. Có lẽ đây là điều may mắn và vinh dự nhất với tôi trong những năm tháng làm nghề và những câu chuyện về COVID-19 sẽ còn đọng mãi."

Sản phẩm báo chí của nhóm phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống không chỉ cung cấp cho hàng triệu độc giả của Báo về bức tranh toàn cảnh trong tâm dịch, mà còn là nguồn tin duy nhất cung cấp các sản phẩm báo chí đến Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), để cơ quan này phát tin đến hàng trăm cơ quan báo chí trên khắp cả nước, mang đến cho người xem, người đọc toàn bộ bức tranh bên trong tâm dịch.

Sẻ chia những ngọt bùi

Trung Sơn là một trong những phóng viên trẻ nằm trong danh sách những "chiến sĩ" lên đường "vì miền Nam ruột thịt". Đến TP.HCM, anh được phân công tác nghiệp tại các điểm nóng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Với Trung Sơn: "Phải ở chiến trường mới thấy sự khốc liệt của "giặc" COVID-19. Con số bệnh nhân nhiễm bệnh và tử vong tăng chóng mặt, các bệnh viện đều quá tải, khắp nơi phong tỏa, giao thông đi lại khó khăn và cũng không còn hàng quán nào được mở cửa, những câu chuyện về bệnh nhân không may mắn qua khỏi khiến tôi vẫn xúc động và đau lòng. Dịch bệnh làm cho nhiều gia đình thất lạc nhau, cuộc sống người dân đảo lộn. Thậm chí có những người ra đi mãi mãi mà không được gặp người thân lần cuối".

PV Trường Sơn (bên trái) nhận Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang về thành tích hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

PV Trường Sơn (bên trái) nhận Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang về thành tích hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Và Trung Sơn chứng kiến những câu chuyện về các y bác sĩ, nhân viên y tế kiệt sức khi đang làm việc, có người rất lâu chưa được về thăm nhà, cha mẹ, con cái, khi nhắc đến người thân họ chỉ biết chảy nước mắt. Gạt những nỗi niềm cá nhân sang một bên, họ tiếp tục đứng dậy, làm công việc cứu người. Càng nhiều bệnh nhân khỏi bệnh thì động lực với họ càng lớn.

Bên cạnh sự khốc liệt của dịch bệnh, là sự sẻ chia những ngọt bùi. Ở đó có tình yêu thương, ấm áp của con người dành cho nhau. Những hộp cơm, chai nước hoặc thậm chí là câu cảm ơn cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của tất cả mọi người. Hình ảnh của những đứa bé chào đời trong tâm dịch mạnh khỏe không chỉ khiến tôi mà những người chứng kiến có thêm hi vọng, niềm tin vào ngày chiến thắng dịch bệnh sẽ gần hơn...

Đã sẵn sàng cho tình huống xấu, nhưng vẫn... sợ!

Cuối tháng 8/2021, phóng viên Bảo Loan nhận nhiệm vụ tăng cường đến tâm dịch TP.HCM. Tại đây, cô trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ choáng váng, hốt hoảng, bủn rủn nhiều khi là nước mắt rơi lã chã. Chưa bao giờ cô chứng kiến TP.HCM - thành phố sầm uất bậc nhất nước ta lại lâm cảnh đường sá không một bóng người. Chốc chốc, tiếng còi hú của xe cứu thương chở bệnh nhân cấp cứu lại réo lên, rồi cũng vụt đi trong tích tắc. Một vài xe ôtô cỡ lớn chở y, bác sĩ đến các bệnh viện dã chiến để thay ca.

Choáng váng vì số lượng bệnh nhân COVID-19 phải thở máy, thở HFNC hoặc ECMO chưa bao giờ lớn đến thế và mỗi khi nghe được âm thanh tập hợp cấp cứu từ bác sĩ, phát ra từ những chiếc đàm đặt quanh góc nhà hồi sức, cô bủn rủn, hốt hoảng.

Ngày đầu có mặt tại TP.HCM, Bảo Loan tác nghiệp tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 (bên trong Bệnh viện Dã chiến số 14), do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách. Những ngày sau đó, cô có mặt tại Bệnh viện Dã chiến số 12, 13, 16... trung tâm y tế lưu động, thậm chí là cùng bác sĩ cấp cứu F0 nguy kịch tại nhà.

Phóng viên Bảo Loan bên trong Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19, đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14, do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách.

Phóng viên Bảo Loan bên trong Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19, đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14, do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách.

"Đi tác nghiệp, tôi rất xót xa khi thấy các khu công nghiệp, khu dân cư đìu hiu trong cảnh dịch bệnh. Các y sĩ, bác sĩ làm việc gấp 300% công suất và phải ăn ở tại các khu nhà, nhà trẻ, nhà văn hóa, hằng ngày hối hả đi khám bệnh, thay ca điều trị cho các F0 và cả những người mắc các bệnh thông thường. Đi cùng họ là túi đựng thuốc, trang thiết bị y tế cần thiết cùng bình oxy.  Có những bệnh nhân ở tầng cao, không có thang máy, bác sĩ phải vác bình oxy đi cầu thang bộ. Hoặc những con hẻm nhỏ, xe máy chẳng thể lách vào, bác sĩ cũng phải vác bình oxy lên vai chạy, để tiếp oxy cho F0 nguy kịch vào giữa đêm", Bảo Loan nhớ lại.

Để truyền tải tất cả những hoạt động bên trong tâm dịch khốc liệt, một ngày của cô làm việc đến 200% công suất, thường xuyên từ sáng sớm đến 1-2h sáng hôm sau. Thậm chí phải tác nghiệp ở những nơi tiếp nhận F0 nguy kịch, cô cũng sẵn sàng chuẩn bị tinh thần mọi tình huống xấu nếu xảy đến với mình...

May mắn được đến tâm dịch nguy hiểm

Đó là khẳng định của phóng viên Đức Duy khi được "gọi tên" tăng cường vào "chiến trường miền Nam" những ngày cuối tháng 8/2021. Với Đức Duy: "Cuộc đời làm báo không phải ai cũng có may mắn được tham gia những sự kiện lịch sử. Vì vậy, khi mình được là một phần của sự kiện đó là một vinh dự lớn. Bản thân tôi may mắn được được trở thành một phần trong trận chiến có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành y, đó là tại TP.HCM".

Phóng viên Đức Duy bên trong Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19, đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16, do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách.

Phóng viên Đức Duy bên trong Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19, đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16, do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách.

30 ngày không phải dài, nhưng cũng đủ để chứng kiến sự khốc liệt của cuộc chiến không tiếng súng chống lại dịch bệnh đầy hy sinh, mất mát và đau thương. 30 ngày đồng hành cùng các y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ và người dân TP.HCM, được góp một phần sức lực dù chỉ là nhỏ bé, cũng là một điều vinh dự lớn lao.

Người bệnh từ khi nhập viện cho đến lúc qua đời, đều không có người thân bên cạnh, chỉ có y bác sĩ là những người cuối cùng bên họ, thật sự rất xót xa. Xót xa cho người bệnh mất đi, nhưng cũng xót xa cho các y bác sĩ, khi phải chứng kiến bệnh nhân không qua khỏi, rồi lại là người cuối cùng đưa tiễn bệnh nhân, đó là những ám ảnh sẽ đeo bám họ suốt cuộc đời. "Những gì tôi chứng kiến, đủ đau thương cho cả một đời người" như lời BS. Ngô Đức Hùng (Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) từng tâm sự với Đức Duy trong một lần trò chuyện.

Với Đức Duy: "Chứng kiến sự vất vả, áp lực của các y bác sĩ khi phải chiến đấu bằng 300% sức lực, thậm chí có những y bác sĩ bị lây nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân vẫn kiên quyết không lui về phía sau nghỉ ngơi mà tình nguyện trở thành những "bác sĩ F0" sát cánh cùng đồng đội. Lúc đó, mới thấm thía được sự vĩ đại của những con người khoác trên mình chiếc áo blue trắng.

Phút tranh thủ nghỉ ngơi của phóng viên Đức Duy bên trong Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19.

Phút tranh thủ nghỉ ngơi của phóng viên Đức Duy bên trong Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19.

Trong thâm tâm, một lời cảm ơn là không thể tri ân hết được những cống hiến, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đó là hình ảnh những bạn học viên, sinh viên ngành y tuổi mới đôi mươi, giữa đau thương mất mát vẫn toát lên năng lượng của tuổi trẻ, nụ cười luôn hé trên môi dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhiều bạn vì quá sức đã ngất xỉu, thế nhưng không ai trong số các bạn bỏ cuộc.

Tuy nhiên, vẫn luôn có ánh sáng nơi cuối đường hầm. Bên cạnh những đau thương, mất mát, cũng có những niềm vui. Đó là khi một bệnh nhân được cứu sống từ cõi chết trở về sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ. Đó là sự vỡ òa trong hạnh phúc khi bệnh nhân được đoàn tụ với gia đình", Đức Duy chia sẻ.

Thót tim khi va F0 nơi tâm dịch

Với trách nhiệm của phóng viên y tế, được giao phụ trách y tế địa phương, khi được Lãnh đạo Báo giao nhiệm vụ cử vào Nam công tác, nhà báo Anh Văn dù đã có kinh nghiệm trải qua 3 lần đến các vùng tâm dịch Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, nhưng sẽ không bao giờ quên trên chặng đường làm báo của mình về lần vào tâm dịch thứ tư này.

Nhà báo Anh Văn trải lòng: Tôi không bao giờ quên những con đường vắng lặng của TP.HCM, chỉ có tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi ở Văn phòng II Bộ Y tế. Sẽ không quên giây phút tình cờ gặp nhau ít ỏi với đồng nghiệp Nguyễn Huyền - Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, chỉ kịp dúi vào tay tôi hộp khẩu trang và 1 lọ vitamin C tổng hợp với lời dặn: Giữ sức khỏe anh nhé. Để rồi tôi vội vã lên xe của Sở Y tế Tây Ninh đang chờ sẵn.

Chúng tôi hiểu, để có được những sản phẩm báo chí chất lượng, những thông tin và hình ảnh chân thật, phóng viên phải dấn thân và sẵn sàng có mặt tại hiện trường, điểm nóng dịch bệnh. Trong cuộc chiến đó, tôi đã không ít lần "thót tim" khi chạm mặt F0.

Tại một khách sạn của tỉnh Đồng Nai, nơi tôi nghỉ trong những ngày công tác tại tỉnh này. Một buổi chiều, sau khi đi làm về, đi qua hành lang hội trường, có nhóm y tế đang lấy mẫu bệnh phẩm cho nhân viên khách sạn. Tôi chỉ nghĩ đây là hoạt động bình thường trong vùng dịch. Về đến phòng, ít phút sau nhận được chuông điện thoại thông báo ở nguyên tại chỗ, sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Lúc này, tôi bắt đầu lo lắng, lờ mờ đoán có việc gấp. Khi cán bộ CDC Đồng Nai đến lấy mẫu tôi được thông báo: khách sạn có F0, yêu cầu tự cách ly. Đến sáng hôm sau, thông tin chính thức được phát ra, 12 nhân viên khách sạn nơi tôi ở nhiễm COVID-19. Khách sạn bị phong tỏa.

Ngay sau khi nhận thông tin trên, tôi đã báo cáo Tổng Biên tập để chuyển sang chế độ làm việc online, bản thân tự cách ly để theo dõi sức khỏe. Những ngày sau đó, nhận được kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tôi mới thật sự yên tâm để trở lại công việc trong vùng dịch.

Phóng viên Ngô Anh Văn (bên phải) tác nghiệp tại vùng dịch.

Phóng viên Ngô Anh Văn (bên phải) tác nghiệp tại vùng dịch.

Sau lần "thót tim" ấy, tôi nhận thấy, muốn duy trì mạch thông tin trong đại dịch COVID-19, trước hết phải bảo đảm an toàn cho bản thân. An toàn của phóng viên chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo không đứt mạch thông từ tâm dịch. Trên hành trình tác nghiệp, tôi luôn chú ý quan sát để hạn chế nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm. Sau mỗi lần tác nghiệp, đều thực hiện các biện pháp khử khuẩn cho bản thân, vệ sinh máy móc, thiết bị.

Tròn 2 tháng ở vùng tâm dịch, tôi đã có mặt ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh. Chuyến công tác dài ngày nhất kể từ khi làm báo. Do di chuyển liên tục, công việc áp lực chạy đua với thời gian,  cường độ làm việc, áp lực cạnh tranh thông tin lớn, ăn uống không đúng bữa và thiếu ngủ, khiến khi về Hà Nội tôi đã sút cân. Nhưng đổi lại đó là tình cảm của Tổng Biên tập, Lãnh đạo Báo và đồng nghiệp ở tòa soạn khiến tôi luôn biết ơn và trân trọng. Còn nhớ, cuộc gặp với Tổng Biên tập chỉ có vài phút ngắn ngủi và tuân thủ đúng nguyên tắc 5K tại vùng tâm dịch, nhưng là niềm cổ vũ động viên lớn với tôi, giúp tôi nguôi ngoai nỗi nhớ Hà Nội và thêm động lực để tiếp tục tác nghiệp nơi tâm dịch khốc liệt này...

Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta, Báo Sức khỏe&Đời sống - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế là cơ quan báo chí tiên phong tuyên truyền, phản ánh toàn diện, sâu sắc công cuộc phòng, chống dịch của Việt Nam với nhiều sản phẩm thông tin chất lượng, đủ loại hình, thể hiện vai trò, vị trí của cơ quan báo chí có uy tín nhất về y tế.
Những chuyến xe trong tâm dịch

Gần 90 ngày ở tâm dịch TP.HCM dấu ấn đậm nhất, điều khó quên nhất với nhà báo Hà Văn Đạo là những chuyến xe. Mỗi chuyến xe mang theo một tâm trạng, cảm xúc, nhiệm vụ khác nhau nhưng chứa ẩn chung một khát vọng "Sài Gòn nhanh hết bệnh nặng, những mất mát, đau thương được xoa dịu".

Phóng viên (người đứng) tại ICU Bệnh viện Việt Đức tại TP.HCM.

Phóng viên (người đứng) tại ICU Bệnh viện Việt Đức tại TP.HCM.

Cứ xẩm tối hay tinh mơ là những đoàn xe hối hả chở lực lượng y bác sĩ từ nơi lưu trú hoặc chi viện từ khắp các tỉnh/thành trong cả nước vào các điểm nóng chống dịch, vào các bệnh viện điều trị COVID-19.

Theo những chuyến xe ấy càng thấu hiểu hơn những vất vả, gian nan, nhọc nhằn và hy sinh của y bác sĩ và các tình nguyện viên nơi tuyến đầu khốc liệt này.

Song hành cùng các thầy thuốc, những chuyến xe chở hàng ngàn tín đồ các tôn giáo từ các nhà thờ, chùa...đến các khu điều trị bệnh nhân COVID-19 để lo toan, hỗ trợ lực lượng y tế, giúp bệnh nhân nhanh vơi bớt nỗi đau...Hình ảnh này như một minh chứng rõ nét về tinh thần tương ái, tình yêu thương không phân biệt tôn giáo, hoàn cảnh.

Những chuyến xe đưa bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh về tận nhà.

Những chuyến xe đưa bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh về tận nhà.

Nhiều lần đến các Bệnh viện dã chiến ở TP. Thủ Đức (TP.HCM), tôi đã được tận mắt chứng kiến cùng y bác sĩ, các tình nguyện viên tôn giáo còn cận kề trên cả những chuyến xe đưa bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh về nhà. "Cắm chốt" trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nhiều tháng, sư cô Thích Nữ Nhuận Bình và nhiều tín đồ tôn giáo khác thổ lộ rằng: Còn vận động nhiều chuyến xe chở hàng từ thiện, chở thực phẩm đến cho bệnh nhân nữa.

Mỗi khi có bệnh nhân diễn biến nặng, hệ thống xe cấp cứu như chạy đua với thời gian dù đêm khuya hay nắng cháy để kịp thời chuyển tuyến/chuyển viện... mà bên trong những chiếc xe ấy là bao chiến sĩ áo trắng dõi theo từng nhịp thở của bệnh nhân như người thân yêu của chính mình. Gian nan không kể hết đối với thầy thuốc, càng cho thấy việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch là quan trọng thế nào. 

Chuyến xe trang nghiêm đưa tro cốt nạn nhân xấu số vì COVID-19 về nhà.

Chuyến xe trang nghiêm đưa tro cốt nạn nhân xấu số vì COVID-19 về nhà.

Rồi hình ảnh những chuyến xe lo hành trình cuối cho bệnh nhân COVID-19 xấu số, đưa tro cốt họ về tận nhà. Dịch bệnh đã tàn phá và làm bao chia cắt, đớn đau...

Sài Gòn hay các tỉnh thành khác dã qua những mất mát, thương đau, để trở lại với đời sống bình thường mới. Mùa xuân sẽ đến mang theo bao hy vọng mới. Nhưng, với những chuyến xe đặc biệt trong tâm dịch mãi thành một phần ký ức khó phai cho những người có mặt trong những ngày nóng bỏng ở thành phố nghĩa tình và đông dân nhất phương Nam này.       

Xem thêm video được quan tâm

Giải đáp các thắc mắc thường gặp của người cao tuổi về vaccine COVID-19

Nhóm phóng viên
Ý kiến của bạn